Mượn cớ cá chết ở miền Trung, thương lái ép giá cá ngừ đại dương

Nhiều ngày qua, hàng trăm tàu thuyền nối đuôi nhau trở về cập bến, trên thuyền cá đầy khoang, nhưng bà con ngư dân vẫn nặng trĩu nỗi buồn vì giá cá giảm mạnh.

Giá cá ngừ đại dương giảm từ 12-14 ngàn đồng/kg

Thuyền trưởng Lê Trung Thành (ngụ huyện Hoài Nhơn, Bình Định) than vãn, sau 20 ngày đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, anh em đánh bắt được 42 con cá ngừ đại dương (khoảng hơn 2 tấn).

"Chuyến biển trúng lớn, khoang tàu đầy ắp cá, ai cũng mừng vui. Nào ngờ khi về cảng bán thì thương lái thu mua với giá rẻ chỉ 84.000 đồng/kg (giảm đến 14.000 đồng/kg) so với đầu năm nên chúng tôi thiệt hại lớn", ông Thành nói. 

Mượn cớ cá chết ở miền Trung, thương lái ép giá cá ngừ đại dương
Giá cá ngừ giảm mạnh.

Vị thuyền trưởng này nhẩm tính, trung bình mỗi con cá ngừ nặng từ 40 đến 80 kg thì ngư dân địa phương bỗng dưng "chịu thiệt" từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng so với giá bán đầu năm nay.

Chuyến biển doanh thu được 150 triệu đồng, sau khi trừ phí tổn nhiên liệu, lương thực 70 triệu đồng, bảy lao động trên tàu được chia tiền công không được bao nhiêu. 

Giá cá ngừ đại dương giảm mạnh nhưng ngư dân Bình Định không còn cách nào khác là tranh thủ bán sớm cho thương lái vì sợ để lâu chất lượng cá kém thì giá lao dốc.

Ngư dân Lê Đô (ngụ huyện Hoài Nhơn) thổ lộ, một số thương lái giải thích thời gian ở các tỉnh miền Trung cá chết hàng loạt, tâm lý người tiêu dùng ít nhiều lo ngại nên sản phẩm thủy sản tiêu thụ chậm.

"Họ bảo chúng tôi cùng chia sẻ giá cả trong giai đoạn này vì nhà máy chế biến thu mua giá thấp thì mua của ngư dân cũng giảm theo. Nghe thương lái nói vậy thì chúng tôi nghe theo chứ biết làm sao bây giờ", ông Đô cho hay. 

Ở tỉnh Khánh Hòa, nhiều tàu về cảng vào chiều 17-5 chỉ có vài con cá ngừ. Sản lượng khai thác chỉ bằng 50% so với cùng thời điểm năm 2015. “Điều lạ là theo quy luật cá ít thì giá lên nhưng hiện cá rất ít mà giá giảm. 80% tàu đi biển cầm chắc lỗ” - ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ (TP Nha Trang), buồn bã.

Ngoài cá ngừ đại dương, giá thu mua cá ngừ sọc dưa cũng giảm 3.000-5.000 đồng/kg. Ngư dân Nguyễn Hứa, chủ tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Định, cho biết: “Đầu nậu nói vừa rồi cá ở dọc bờ biển miền Trung chết hàng loạt nên thị trường tiêu thụ chậm. Ngư dân đa số bán cá cho đầu nậu nên họ nói giá nào thì biết giá đó chứ không có quyền lựa chọn”.

Ông Lê Ngọc Hưng, chủ tàu cá ở tỉnh Khánh Hòa, cho biết thương lái nói giá giảm vì cá tồn kho nhiều. Theo ông Hưng, không chỉ cá ngừ mà thời điểm này đang là cao điểm đánh bắt các loại cá như chuồn, chù, nục… Các tàu đánh bắt loại này đều đạt sản lượng cao, bình quân từ 20-30 tấn/chuyến, dù giá giảm 10%-30% nhưng điều lạ là tàu về đến đâu tư thương mua hết đến đấy.

Mượn cớ cá chết ở miền Trung, thương lái ép giá cá ngừ đại dương
Thương lái thu mua cá ngừ.

Ngư dân chịu thiệt thòi

Việc đánh giá, phân loại chất lượng cá hoàn toàn do cảm quan, cảm tính của người mua. Vì thế, ngư dân luôn chịu thiệt thòi khi bán cá. Từ mấy năm nay, nhiều ngư dân đã kiến nghị xây dựng Trung tâm đấu giá cá ngừ đại dương để minh bạch thông tin, các doanh nghiệp, thương lái cùng nhau cạnh tranh thu mua.

Thế nhưng theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết thì Trung tâm này vẫn chưa hình thành, còn ngư dân vẫn bị những người mua bắt tay nhau ép giá xuống thấp. Giá cá mấy năm nay bấp bênh quá. Một số doanh nghiệp liên kết với nhau để đồng loạt ép giá. Vừa rồi giá dầu giảm, mặc dù sản lượng bà con đánh rất cao nhưng lợi nhuận sau khai thác không được bao nhiêu. Hòn Rớ, cố gắng xây dựng chợ đấu giá con cá ngừ đại dương, tăng khả năng cạnh tranh từ doanh nghiệp và các đầu nậu vô đây. Chất lượng con cá người ta tốt thì giá nó sẽ tăng.

Một số đầu nậu thu mua tại cảng cá Quy Nhơn cho biết phải hạ giá thu mua là do thương lái giảm giámua nên họ phải ép ngư dân giảm theo, nguyên nhân vì sao giảm thì họ không quan tâm. Số khác khẳng định giá giảm là do quy luật cung - cầu chứ không có chuyện o ép ngư dân.

“Sau việc cá ở một số tỉnh ven biển miền Trung chết, thị trường tiêu thụ cá có dấu hiệu chậm hơn trước. Trong khi đó, đang mùa trăng nên cá cập bờ nhiều, giá cá giảm là chuyện đương nhiên” - bà Nguyễn Thị Hồng, thương lái hải sản ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), phân tích.

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn, cho biết gần đây, nhiều chủ tàu bán cá thấy giá thu mua giảm thì cho rằng bị đầu nậu, thương lái ép giá sau vụ cá ở miền Trung chết. Thực tế là do thị trường chứ không phải đầu nậu, thương lái vin vào cớ cá chết để ép giá.

Ông Hiếu cho rằng việc cá chết cũng ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu thụ nhưng cá ngừ chủ yếu xuất khẩu và đánh bắt xa bờ mà vin vào lý do này thì không hợp lý.

Anh Phan Thái Anh, thuyền trưởng tàu KH-90116-TS ở tỉnh Khánh Hòa, thở dài: “Tư thương muốn nói sao chẳng được, chỉ có ngư dân là khổ vì không biết bấu víu vào ai. Ai nói sao thì biết vậy”.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc tư thương ép giá bà con ngư dân là có thật vì tư thương cho rằng sức mua thị trường giảm do vụ cá chết vừa qua. Ông Én cũng khẳng định Nam Trung Bộ không ảnh hưởng việc cá chết và với hải sản đánh bắt cách bờ hàng trăm hải lý thì càng không ảnh hưởng.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết đang cử cán bộ đi kiểm tra, nếu phát hiện đầu nậu viện vào lý do cá chết để ép giá bán cá của ngư dân thì sẽ báo công an xử lý. Còn ông Én cho biết với những đầu nậu có tàu thu mua cá ở tỉnh Khánh Hòa, Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ yêu cầu thu mua đúng giá thị trường. Với các đầu nậu trên bờ, chi cục kiến nghị cảng Hòn Rớ và đơn vị chức năng cùng tham gia kiểm tra, quản lý giá cả

Từ đầu năm đến nay, ngư dân các tỉnh miền Trung liên tiếp chịu nhiều thiệt hại, khó khăn đủ đường. Nay lại tình trạng tư thương bắt tay nhau ép giá, khiến đời sống ngư dân càng thêm khó khăn.

Theo Ngọc Bích (Tieudung24g)