Cơ hội nào cho hàng Việt giữa cơn bão hàng Thái?

Những năm gần đây, trong lúc Việt Nam đang quanh quẩn tìm hướng đi khi phải đối diện với chất lượng hàng tiêu dùng, thực phẩm kém chất lượng thì Thái Lan đã dần thay thế điều đó ngay chính thị trường bán lẻ trong nước. 

Năm 2007, sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đã mở ra cơ hội kinh tế trong nước phát triển khi các nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam (phần vốn nước ngoài trong liên doanh bị giới hạn không quá 49%).

Đến năm 2009, quy định này dần được nới lỏng khi Việt Nam cho phép doanh nghiệp nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ.

Cơ hội nào cho hàng Việt giữa cơn bão hàng Thái

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Tổng cục hải quan, trong quý I/2016, Thái Lan vượt qua Hàn Quốc trở thành thị trường dẫn đầu cung cấp ô tô cho Việt Nam với hơn 7,8 nghìn chiếc, tăng 64,5%; Hàn Quốc 3,56 nghìn chiếc, giảm 41%; Trung Quốc 2,26 nghìn chiếc, giảm 58%. 

Trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan đã tăng từ 6,3 tỷ USD năm 2011 lên 8,2 tỷ USD. Giai đoạn 2011 – 2015, nhóm hàng sữa và sản phẩm sữa tăng từ 41,3 triệu USD lên gần 71 triệu USD; bánh kẹo và ngũ cốc tăng từ 27,6 triệu USD lên 36,1 triệu USD; sản phẩm chất dẻo (đồ nhựa) tăng từ 147,9 triệu USD lên 186,2 triệu USD; điện và dây cáp điện tăng từ 65,3 triệu USD lên 70,8 triệu USD. 

Đặc biệt, có một số mặt hàng có tốc độ tăng nhập khẩu “chóng mặt” như rau quả tăng tới 7 lần, từ 31,2 triệu USD lên 206,4 triệu USD; giấy và sản phẩm giấy tăng trên 4 lần (từ 20,9 triệu USD lên 84 triệu USD)…

Người dân Thái tự hào về đất nước của họ không là thuộc địa của cường quốc phương Tây nào. Về góc độ thị trường, người Thái cực kì khôn ngoan khi không chọn cách quảng cáo rẻ tiền hay những chiêu trò khuyến mại gây sốc mà cái họ đặt niềm tin vào người tiêu dùng chính là ở chất lượng sản phẩm.

Tại TP.HCM, Hội chợ mua sắm và ẩm thực Thái Lan trong năm 2016 diễn ra thường niên trong các tháng 1, 3, 4, 5, 7, 8,9 và tháng 12. Hội chợ Thái Lan là nơi trưng bày, buôn bán những sản phẩm chất lượng cao và thương hiệu nổi tiếng. Các mặt hàng gồm có: thực phẩm và đồ uống, ẩm thực, hàng gia dụng, dệt may, thời trang, trang sức, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm trang trí gia đình và đồ lưu niệm...

Các sản phẩm người Thái mang đến cho người tiêu dùng thể hiện tư duy khôn khéo bởi sự ẩn chứa văn hóa truyền thống của họ trên hoa văn, họa tiết, chất liệu, màu sắc... đem đến cho người mua cảm giác mới lạ, thú vị...

Cơ hội nào cho hàng Việt giữa cơn bão hàng Thái?

Ảnh minh họa

Câu hỏi đặt ra là các nhà bán lẻ Thái đã đánh vào thị trường Việt Nam thuận lợi như thế nào? Nhìn những biến động của thị trường trong nước những năm qua, người tiêu dùng Việt luôn mang trong mình tâm thế bất an khi chọn mua sản phẩm. Câu hỏi người mua đặt ra về chất lượng có tốt không? Liệu có ẩn danh hàng Trung Quốc không?

Thậm chí nhiều gia đình có điều kiện kinh tế tốt, họ sẵn sàng chi khoản phí cao để nhập mua sữa Úc, sữa ngoại uy tín về cho con trẻ hoặc nhập mua trái cây từ nước ngoài với giá cao ngất ngưỡng nhưng lại an toàn. 

Khi hàng Thái vào Việt Nam đã gần như đáp ứng đủ nguyện vọng của người Việt về chất lượng, giá cả hợp lý trung bình, vấn đề dịch vụ mềm dẻo và vô cùng khôn khéo đã giúp các nhà bán lẻ Thái đang dần đánh bật hàng nội địa Việt Nam.

Hiểu được điểm mạnh của hàng Thái thì cơ hội của doanh nghiệp Việt trên chính đất nước mình không phải là không có.

Điều quan ngại hiện nay cho các nhà bán lẻ trong nước là cần phải sớm thức tỉnh, các công ty cần có sự liên kết, thiết lập lại hệ thống phân phối trong nước đảm bảo cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Các nhà kinh doanh trong nước cần loại bỏ ngay phong cách làm việc tiểu nông, thu lại lòng tin từ công chúng để giữ vững thị trường nội địa.

Thanh Vy