Làm đẹp hoa quả, thực phẩm bằng hóa chất cực độc: Hậu họa khôn lường

Hàng năm có rất nhiều người bị mắc bệnh do sử dụng thực phẩm bẩn. Người bị nhẹ thì tiêu chảy, nôn, đầy bụng, sốt hoặc co giật, mỏi cơ, nặng là mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư.

Số lượng người mắc bệnh từ thực phẩm bẩn không chỉ tăng mà còn xuất hiện nhiều loại bệnh lạ. Cũng chính vì sợ những “sát thủ” thầm lặng này mà hiện nay, nhiều gia đình dù có tiền cũng không dám ăn hoa quả trái mùa…

Có thể gây suy tuỷ, thiếu máu

Tại khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi chứng kiến trường hợp cháu N.T.A. (Đống Đa, Hà Nội) được gia đình đưa đến khám trong tình trạng đau bụng âm ỉ. Mẹ T.A. cho biết, cháu bị đau bụng đã 3 ngày nay, gia đình đã cho cháu uống berberin mà không đỡ. Sau khi thăm khám tại phòng khám tư, tình trạng của cháu có đỡ nhưng không dứt hẳn, bụng vẫn đau, nhất là lúc ăn hoặc uống sữa. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi T.A. đau đến mức sợ... ăn.

Làm đẹp hoa quả, thực phẩm bằng hóa chất cực độc: Hậu họa khôn lường

Trường hợp cháu N.T.A. (Đống Đa, Hà Nội) nhập viện cấp cứu sau khi ăn táo và thanh long không rõ nguồn gốc (ảnh T.L).

Trong lúc chờ tới lượt khám, T.A. tỏ ra mệt mỏi và cáu gắt. Mẹ T.A. cho biết, mấy hôm trước chị có mua vài quả táo, dưa, thanh long về thắp hương. Sau khi ăn số hoa quả trên, cả nhà chị đều bị đau bụng. Người lớn uống thuốc đều khỏi, riêng T.A., do sức đề kháng kém nên chưa khỏi. “Tôi đã nghe nhiều về việc hoa quả bị phun hóa chất để giữ tươi lâu nhưng vì nghĩ lâu nay cả nhà vẫn ăn mà không sao nên chủ quan. Ai ngờ lần này cả nhà bị “tào tháo” hỏi thăm. Từ giờ chắc tôi chỉ dám ăn đồ mua ở siêu thị”, mẹ T.A. nói.

Ngồi bên cạnh nghe câu chuyện của mẹ T.A., bà Nguyễn Thị Vui (Thái Nguyên) chia sẻ, bà mới xuống Hà Nội làm giúp việc cho một gia đình khá giả ở đường Láng. Bà kể, lúc đầu mới đến ở, bà thấy lạ khi gia đình này chỉ ăn đồ từ quê gửi lên, kể cả rau củ quả.

Lâu dần bà phát hiện ra gia chủ có khu đất trồng cây ăn quả ở quê Vì trồng cho người trong nhà ăn nên cây trồng không phun thuốc, không “tẩm ướp” nên hình thức sẽ không “lung linh” như các loại rau củ quả bán ngoài chợ. Thấy bà thắc mắc, chủ nhà bảo chỉ có cách trực tiếp trồng thì mới đảm bảo chất lượng rau củ sạch và an toàn.

Đã thành lệ, cứ hai lần/tháng, xe chở thực phẩm sạch từ quê lên cung cấp đồ ăn cho cả gia đình từ thịt gà, thịt lợn đến các loại củ quả như cà chua, dưa chuột, thậm chí cả... hành lá. Bà Vui cho biết từ khi đến ở đây, bà hầu như không phải đi chợ. Kể xong, bà Vui kết: “Chỉ khi mình tự tay trồng, tự tay thu hoạch thì mới đảm bảo an toàn chất lượng, còn đi mua ngoài chợ, kể cả siêu thị thì mình không thể biết người trồng, người bán đã cho thứ gì vào những loại thực phẩm mình ăn hàng ngày đâu”.

Làm đẹp hoa quả, thực phẩm bằng hóa chất cực độc: Hậu họa khôn lường

Một trường hợp bệnh nhân bị dị ứng và ngộ độc nghi có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn đang được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai (ảnh T.L).

Các chuyên gia khẳng định, việc sử dụng thực phẩm độc hại trong thời gian dài không chỉ gây các bệnh về đường tiêu hóa mà còn khiến người tiêu dùngmắc những bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí là ung thư. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57% (từ 14 triệu năm 2012 lên 22 triệu vào năm 2032). Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm.

Ảnh hưởng đến thế hệ sau

Trao đổi về thực trạng này, bác Nguyễn Anh Đào (viện Dinh dưỡng) biết, sử dụng thực phẩm bị nhiễm bẩn thể dẫn đến ngộ độc cấp tính với các chứng dễ nhận thấy, nhưng vấn đề hiểm hơn là sự tích luỹ chất độc sau thời gian mới phát bệnh hoặc có thể dị tật, dị dạng cho các thế hệ sau. Một hóa chất độc hại, độc tố vi nấm, vi khuẩn và độc tố vi khuẩn nhiễm vào thức ăn, nước uống tuy ở liều lượng thấp nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài, có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư hoặc rối loạn chức năng thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn của cơ thể.

Chuyên gia này cho biết, thực phẩm có thể bị ô nhiễm do mối nguy có bản chất sinh học, hóa học hay vật lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến ngộ độc nguy hiểm. Vi sinh vật có thể tồn tại ở nguyên liệu tươi sống hoặc nhiễm vào thức ăn, đồ uống do sai sót trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và phục vụ ăn uống. Khí hậu nóng ẩm ở nước ta luôn là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nấm men, nấm mốc.

Chia sẻ quan điểm trên, TS. Bác sỹ dinh dưỡng Cao Thị Hậu nhận định, để đạt năng suất cao hoặc để diệt các loại sâu rầy, đặc biệt là đối với một số loại rau quả dễ bị sâu bọ phá hại, một số người nông dân đã sử dụng quá nhiều phân bón hoá học hoặc phun thuốc trừ sâu đến sát ngày thu hoạch, không tuân thủ thời gian cấm phun thuốc trừ sâu trước khi thu hoạch như quy định. Mặt khác, một số loại rau quả được trồng trong vùng đất bị ô nhiễm, tưới phân tươi hay nước thải bẩn cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khoẻ của người tiêu dùng. Ngoài ra, để giữ vẻ hấp dẫn, trắng, giòn cho một số loại rau tươi sống thái sẵn như hoa chuối, ngó sen..., một số tiểu thương đã trộn hoá chất độc hại (thuốc tây, hàn the) vào nước ngâm.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn những loại rau lá hoặc rau trái không phải gọt vỏ như: Rau muống, cải xoong, xà lách, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau má, đậu đũa, khổ qua, dưa leo, cà chua... Trả lời cho câu hỏi thế nào là rau quả an toàn, TS. Hậu cho biết, rau quả được coi là an toàn khi có dư lượng nitrate, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật, mức độ nhiễm vi sinh vật dưới ngưỡng quy định của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành với từng loại rau quả.

Cùng chia sẻ về vấn đề an toàn thực phẩm, bác sỹ dinh dưỡng Trần Thị Minh Nguyệt lại đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của thực phẩm bẩn tới trẻ em. Bà cho rằng, phụ nữ độ tuổi sinh sản thường xuyên ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau.

Trẻ em cũng là đối tượng đặc biệt, cơ thể đang tăng trưởng, nhu cầu các chất dinh dưỡng rất cao để đáp ứng sự phát triển về thể chất, trí não. Việc thường xuyên ăn thực phẩm bẩn sẽ khiến trẻ hạn chế tăng trưởng do nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng. Nếu trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa các hóa chất độc hại, cơ thể khó đào thải và tích lũy dần trong người, gây suy gan, suy thận, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây suy tủy, thiếu máu, giảm bạch cầu, ung thư...

Nguyên nhân gây ra 200 bệnh

Theo số liệu của cục VSATTP (bộ Y tế), năm 2014, cả nước có 5.541 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 43 trường hợp bị tử vong. Tính trung bình, cứ hai người bị ngộ độc thực phẩm thì có một người bị đau bụng, nhức đầu, nôn mửa do ăn phải thức ăn kém chất lượng. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ ngộ độc thực phẩm tăng 22 vụ, tuy nhiên số người mắc giảm 402 người, số người đi viện giảm 901 người và số người tử vong tăng 15 người (54%). Tháng Tư vừa qua, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam công bố một số liệu giật mình: Hai triệu người tử vong mỗi năm do thực phẩm bẩn. Chuyên gia đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh – từ tiêu chảy đến các bệnh mãn tính như ung thư. Thực phẩm không an toàn tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt là ảnh hưởng đến trẻ em và người già.

Theo Thanh Xuân – Văn Hậu(NDT)