Kiểm soát Amiăng trong sản xuất để bảo vệ sức khỏe người dùng

Amăng là tên thương mại chung của các loại sợi khoáng gồm nhóm sợi amphibole và nhóm serpentine. Nhóm sợi amphibole bao gồm amiăng xanh và nâu – đã bị cấm sử dụng hoàn toàn trên thế giới.

Nhóm sợi serpentine (amiang trắng) vẫn được sử dụng trên 149 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Liên bang Nga và các nước Mexico, Brazil, Ukraine, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam... Hiện có 3 quốc gia Nga, Trung Quốc và Brazil là những nước sản xuất amiăng lớn nhất thế giới.

Amiăng trắng chủ yếu được sử dụng trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng (AC).

Trong ngày 7 tháng 8 vừa qua tại Hà Nội, Hội thảo Sử dụng amiăng trắng an toàn có kiểm soát trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng do Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam tổ chức thu hút sự tham gia của đại diện các nhà máy, các cơ quan Chính phủ và chuyên gia tư vấn Marcondes đến từ Viện Amiang trắng Brazil.

Tại hội nghị, TS Võ Quang Diệm Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cho biết, amiăng là tên thương mại được sử dụng chung cho các loại sợi khoáng và được chia thành hai nhóm chính: Nhóm sợi serpentine và nhóm sợi amphibole. Ở Việt Nam, amiăng trắng chủ yếu được sử dụng trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng (AC).

 Tuy nhiên,thời gian gần đây, trên thế giới có hai luồng tư tưởng khác nhau là đánh đồng tất cả các loại amiang đều độc hại như nhau và cần phải cấm trong sản xuất tất cả các loại sản phẩm; và ami ăng trắng hoàn toàn có thể sử dụng an toàn và có kiểm soát.

Mặc dù ở các nước phát triển, amiăng đã bị cấm sử dụng từ đầu những năm 70, nhưng  vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước người ta phát hiện ra hàng loạt bệnh nhân bị tử vong do các bệnh phổi đều đã từng làm việc ở các cơ sở sản xuất amiăng. Khoảng 87% những người bị ung thư phổi không hút thuốc lá đều là những người đã làm việc ít nhất là 5 năm trong các nhà máy có nguyên liệu amiăng, một trong số đó khi được giải phẩu đã phát hiện ra các sợi amiăng trong phổi người chết.

Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thì tất cả các dạng amiăng đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người, song amiăng amphibole (amiăng xanh, nâu) nguy hiểm hơn amiăng chrisotyle (amiăng trắng). Khi amiăng ở trong dạng kết khối với vật liệu khác thì chúng ít gây độc hại hơn khi chúng ở dạng sợi và phát tán vào không khí. Amiăng không gây tác dụng tức thì mà thường sau 15 - 40 năm các tác hại của amiăng mới xuất hiện. Có thể phân tích sự có mặt của sợi amiăng trong nước tiểu, trong phân. Bằng phương pháp phân tích tia X không thể phát hiện ra amiăng, song có thể phát hiện khá sớm dấu hiệu của ung thư phổi do bụi amiăng gây ra. Amiăng gây ra một số căn bệnh chính là: Bệnh phổi do hít phải amiăng, ung thư màng phổi và ung thư trung biểu mô. Cho tới nay chưa có nghiên cứu nào về tác động cấp tính của amiăng đối với con người và động vật.

Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thì tất cả các dạng amiăng đều có thể gây ung thư.

Các nhà y học Việt Nam cũng đã phát hiện ra tiềm năng gây bệnh ung thư của amiăng nhất là amiăng amphibole vào năm 1976, Nhà nước đã đưa bệnh bụi phổi do amiăng vào danh mục các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Cho đến năm 2006, Việt Nam mới công nhận 3 trường hợp bệnh bụi phổi amiăng được bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề xác định bệnh nghề nghiệp do amiăng cho đến nay vẫn chưa làm được một cách hệ thống như khám định kỳ, khám chuyên sâu cho người lao động. Số trường hợp bị ung thư do amiăng mà chúng ta phát hiện ra được rất ít do thời gian ủ bệnh lâu, hầu như khó tìm được người lao động nào làm việc ở cơ sở sản xuất quá 5 năm và chúng ta không nắm bắt được sự dịch chuyển chổ làm việc của họ.

Hiện nay, việc sản xuất tấm fibrô ximăng và ống nước fibrô ximăng chỉ chứa một lượng rất nhỏ sợi amiăng trắng (từ 8 – 10%); trong đó tỷ lệ các loại vật liệu thô khác được sử dụng là ximăng 55%, tro bụi than thiên nhiên là 35%. Các sợi chrysotile (amiang trắng) được gắn kết rất chặt chẽ với hạt ximăng trong suốt quá trình sản xuất nên khó có thể bị phân tán ra môi trường bên ngoài. 

Tại Việt Nam, ngành sản xuất tấm lợp amiăng (AC) đã tồn tại 50 năm, từ năm 1963 đến nay và đã phát triển thành một ngành công nghiệp gồm 41 cơ sở sản xuất với công suất thiết kế hơn 106 triệu m2/năm, sử dụng hơn 5.000 lao động. Từ 2008 đến nay, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 80 - 90 triệu m2/năm chiếm khoảng 60 - 62% nhu cầu về tấm lợp, sử dụng bình quân 60.000 -70.000 tấn amiăng trắng/năm.

Hiện nay, có 41 nhà máy sản xuất tấm lợp AC tại Việt Nam, với tổng sản lượng 106 triệu m2/năm và sử dụng hơn 5.000 lao động. Tấm lợp AC đặc biệt hữu ích cho người nông dân vùng sâu vùng xa, vùng ven biển và các hộ gia đình có thu nhập thấp. Đặc biệt, trong thời gian phục hồi từ các trận bão, lũ lụt, thiên tai, tấm lợp AC rất hiệu quả, có sẵn, giá rẻ và có thể dễ dàng sử dụng để che mưa nắng tạm thời, làm nơi trú ẩn cho vật nuôi và nông sản.

Hơn nữa, các nhà máy hiện nay đều sử dụng công nghệ ướt và khép kín nên hạn chế tối đa việc phát tán bụi ra ngoài môi trường. Do đó, các rủi ro về về sức khoẻ cộng đồng và môi trường cũng được giảm thiểu.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng TS Võ Quang Diệm phát biểu trong hội thảo và  cho rằng, sản phẩm tấm lợp amiăng rẻ tiền nhưng bền, nhẹ, cách nhiệt, chống ồn tương đối tốt và phù hợp khí hậu ven biển có độ mặn cao. “Đến nay tấm lợp amiang xi măng vẫn đang là mặt hàng thiết yếu đối với bộ phận lớn dân cư có thu nhập thấp tại nước ta” – TS Diệm cho biết.

Theo Thanh Tùng (NTD)