Khó bảo vệ người tiêu dùng khi mua bán online xuyên biên giới

Trước thực trạng mất an toàn thông tin, lừa đảo trực tuyến, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng… đang gia tăng cùng các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp với cơ quan chức năng tại nhiều quốc gia khác nhau nhằm điều tra, truy tìm dấu vết hacker.

Khó bảo vệ người tiêu dùng khi mua bán online xuyên biên giới

Tội phạm xuyên biên giới trên môi trường thương mại điện tử ngày càng phức tạp.

Theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), tại hội thảo về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử và viễn thông vừa diễn ra tại Jarkata (Indonesia) với sự tham dự của Việt Nam, một trong những nội dung nổi cộm được đặt ra đó là vấn đề an toàn thông tin của người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử.

Đánh giá của đại diện Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP), Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ (USFTC), Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho thấy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng các phương thức giao dịch hoặc đơn giản chỉ là truyền tải, lưu giữ thông tin trên các thiết bị viễn thông có kết nối Internet. Như tại Australia, hiện có tới 61% người dân mua bán hàng hóa, dịch vụ online, trong đó, 68% là giao dịch nội địa và hơn 20% giao dịch với các gian hàng nước ngoài.

Các giao dịch xuyên biên giới diễn ra ngày càng nhiều, không còn bó hẹp trong một quốc gia, do đó vấn đề đảm bảo an toàn trong giao dịch thương mại điện tử đang ngày càng trở lên phức tạp. Trong trường hợp xảy ra tình trạng lừa đảo trực tuyến, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch…, thực tế gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong việc phối hợp với các cơ quan tại các nước khác nhau nhằm truy tìm dấu vết, điều tra thông tin liên quan phục vụ cho quá trình giải quyết vụ việc.

Theo nhận định của các chuyên gia, đối với các giao dịch online, bên cạnh các thông tin có giá trị kinh tế như thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản của người sử dụng thì các thông tin như số điện thoại, email, địa chỉ cũng là những thứ giá trị đang bị săn tìm.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã thống kê được hàng trăm vụ việc liên quan đến mất an toàn thông tin của người tiêu dùng tại quốc gia này trong quá trình giao dịch thương mại điện tử, trong đó nhiều vụ liên quan tới các thương hiệu quốc tế lớn như Google, Twitter và Facebook, ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn tài khoản của người tiêu dùng.

Ngoài ra, vấn đề đáng lo ngại đó là thực tế mất an toàn trong giao dịch thương mại điện tử còn xuất phát từ các hành vi có dấu hiệu không đảm bảo an toàn thông tin cho người tiêu dùng của chính các tổ chức, doanh nghiệp làm thương mại điện tử, bao gồm: lưu chuyển thông tin người tiêu dùng không có mã hóa, không cảnh báo người tiêu dùng sử dụng mật khẩu có độ bảo mật cao, không sử dụng các công cụ ngăn chặn một cách hợp lý như tường lửa, phần mềm diệt virus…

Tại hội thảo, đại diện các nước tham dự đã thống nhất quan điểm: những vấn đề xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực thương mại điện tử, viễn thông và an toàn thông tin của người tiêu dùng trong các lĩnh vực này đang là vấn đề mang tính quốc tế, diễn ra đồng thời tại tất cả các quốc gia.

Do vậy trong thời gian tới, hoạt động phối hợp giữa các nước cần phải tiếp tục đẩy mạnh và thắt chặt nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển toàn cầu hóa của thương mại điện tử.

Theo Ictnews