Học cách đuổi muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Nhiều người chủ quan rằng sốt xuất huyết không phải là bệnh quá nguy hiểm, khó gây tử vong nên vẫn còn thờ ơ với căn bệnh này, thậm chí không hề có bất cứ biện pháp phòng ngừa nào.

hoc-cach-duoi-muoi-phong-benh-sot-xuat-huyet-hieu-qua

Sốt xuất huyết từ lâu đã là căn bệnh không quá xa lạ đối với mọi người bởi căn bệnh này dễ bùng phát thành dịch lan rộng hàng năm, Bộ Y tế đã có rất nhiều khuyến cáo kêu gọi người dân chủ động phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, do nhiều người chủ quan rằng sốt xuất huyết không phải là bệnh quá nguy hiểm, khó gây tử vong nên vẫn còn thờ ơ với căn bệnh này, thậm chí không hề có bất cứ biện pháp phòng ngừa nào. Chính sự chủ quan, thờ ơ này của mỗi cá nhân đã góp phần không nhỏ cho việc khiến dịch bệnh bùng phát nhanh và mạnh hơn. 

hoc-cach-duoi-muoi-phong-benh-sot-xuat-huyet-hieu-qua

Ảnh: A Lộc

Theo Sức khỏe & Đời sống, năm 2019, mặc dù chỉ mới đầu tháng 6 nhưng cả nước đã ghi nhận được 58.240 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Bình Thuận. So với cùng kỳ năm 2018 thì con số này đã tăng 3,3 lần. Đặc biệt, Bộ Y tế dự báo rằng bệnh sốt xuất huyết vẫn đang có xu hướng gia tăng và có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới do ảnh hưởng của thời tiết nếu người dân không có các biện pháp phòng chống quyết liệt.

Chia sẻ trên Tuổi Trẻ, Bác sĩ Đồng Minh Hùng, trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết: "Nhiều bệnh nhân khá chủ quan, khi cảm thấy sốt, mệt thì ra tiệm mua thuốc về uống, đến lúc bị nặng mới vào bệnh viện cấp cứu. Đầu mùa mưa là thời điểm sốt xuất huyết tăng cao do đó người dân phải thận trọng, không được chủ quan. Khi có triệu chứng sốt, nhức mỏi, chảy máu chân răng, mũi... thì phải đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để làm xét nghiệm. Tránh trường hợp tự mua thuốc về uống, khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện thì việc điều trị phức tạp hơn".

Ông Bạch Thái Bình - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết: "Bình thường mọi năm đỉnh dịch rơi vào tháng 9, tháng 10 và giảm dần đến tháng 1, tháng 2 năm sau là xuống đáy. Tuy nhiên, trong năm 2018 đỉnh dịch lại dịch chuyển về cuối năm, rơi vào tháng 11, tháng 12. Do đó tháng 1, tháng 2-2019 dịch sốt xuất huyết tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước dẫn đến cộng dồn số ca 5 tháng đầu năm tăng cao". 

"Thực tế tháng 4, tháng 5-2019 đã tương đương với cùng kỳ năm trước. Tháng 5 khả năng là tháng đáy, đến tháng 6 có mưa nhiều, dịch sốt xuất huyết mới có khả năng tăng trở lại", ông Bình nói.

hoc-cach-duoi-muoi-phong-benh-sot-xuat-huyet-hieu-qua

Ảnh: T.Hạnh

Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue từ muỗi vằn gây ra, có có thể truyền từ người này sang người khác. Con đường lây lan là do bị muỗi vằn đốt sau khi đã hút máu máu của người bị bệnh. Những loài muỗi này thường sinh sống ở vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm hoặc những xô chậu nhựa có nước dư thừa dưới đáy. Vậy làm cách nào để diệt trừ muỗi gây hại là câu hỏi của rất nhiều người. Dưới đây là những cách đuổi muỗi, phòng bệnh hiệu quả nhất.

Mẹo đuổi muỗi giúp bạn ngủ không cần mắc màn

- Giấy bóng kính màu đỏ cam phủ lên đèn ngủ

Muỗi sợ ánh sáng đỏ cam. Do đó, đặt giấy bóng kính màu đỏ cam mờ trên bóng đèn có thể tránh được muỗi. Bạn cũng có thể đặt một chiếc đèn nhỏ màu đỏ cam trong phòng ngủ mà không cần làm cách này.

- Đốt vỏ cam

Việc đốt vỏ cam khô sẽ giải phóng mùi, tương tự như nhang, có thể xua đuổi muỗi hiệu quả. Ngoài ra, đốt một chút trà khô cũng có tác dụng tương tự.

- Dùng dầu gió

Dùng dầu gió cũng là một trong những cách đuổi muỗi trong phòng ngủ rất tốt. Bạn có thể nhỏ vài giọt dầu gió quanh màn, sẽ vừa giúp cải thiện bầu không khí, vừa làm tăng khả năng xua đuổi muỗi. Hoặc cũng có thể nhỏ vài giọt dầu gió vào cánh quạt điện, khi bật quạt để ở chế độ quay, dầu gió sẽ được thổi đi từ cánh quạt lan tỏa ra khắp phòng sẽ đuổi được muỗi hiệu quả.

- Dùng đèn diệt muỗi

Hiện nay có khá nhiều loại đèn bắt muỗi hiệu quả và an toàn, bạn chỉ cần cắm điện và đặt chúng trong phòng ngủ để vừa diệt muỗi vừa làm đèn ngủ mà không gây mùi hay mất nhiều công đoạn thực hiện.

- Giữ phòng luôn sạch sẽ gọn gàng

Nên cất gọn gàng quần áo, đồ dùng cá nhân vào tủ, quần áo có mồ hôi nên giặt ngay và không nên treo lâu, giữ vệ sinh phòng sạch sẽ. Đặc biệt, không được để các chậu, thau, chai lọ vật dụng chứa nước lâu ngày vì đây sẽ là những nơi muỗi sinh sản.

Một số phương pháp giảm ngứa khi muỗi đốt

- Xà phòng: Rửa xà phòng vào chỗ bị mui cắn để giảm ngứa. Xà phòng có tác dụng làm giảm ngứa rất nhanh.

- Lô hội: Nếu bạn có lô hội trong nhà, hãy lấy một miếng nhỏ bôi vào vùng da đỏ và sưng. Nó cũng giảm ngứa nhanh.

- Dầu gió: Phương pháp này được nhiều người biết đến, chỉ cần thoa dầu gió vào khu vực bị muỗi cắn sẽ chống ngứa, giảm sưng

- Aspirin: Aspirin được nghiền thành bột, trộn với nước và bôi lên vết đỏ cũng có tác dụng tương tự.

Trước tình hình sốt xuất huyết đang vào "mùa dịch", Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên nâng cao ý thức vệ sinh môi trường sống, mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày, mặc quần áo dài để hạn chế muỗi đốt... Đặc biệt, hiện nay căn bệnh sốt xuất huyết không chỉ đe dọa tính mạng của trẻ em mà ngay cả người lớn cũng rất nhiều trường hợp mắc phải, thậm chí tử vong. Do đó, các bạn trẻ không nên quá chủ quan lơ là việc phòng chống bệnh, nhất là khi phát hiện có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ là sốt xuất huyết thì nên đi khám ngay chứ không nên tự ý chữa trị tại nhà sẽ khiến bệnh nặng hơn và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng.

Theo Bestie