Hành trình chữa ung thư của những bà mẹ mang thai

Sau khi từ chối xạ trị, những người mẹ mang trong mình căn bệnh quái ác ngày đêm thao thức chờ đón đứa con bé bỏng chào đời. Với họ, chỉ cần con được sống, họ sẵn sàng làm mọi việc kể cả hi sinh mạng sống của mình...

Phải chịu nhiều đau đớn do căn bệnh ung thư quái ác hành hạ, chị Yên vẫn quyết tâm bảo vệ "báu vật" của đời mình. Trước khi lên bàn mổ chị nắm chặt tay bác sĩ nói: “Nếu trong tình trạng quá nguy kịch, các bác sĩ hãy cứu lấy con em".

hanh-trinh-chua-ung-thu-cua-nhung-ba-me-mang-thai

Chị Yên hạnh phúc bên con.

Và một đứa trẻ khỏe mạnh, trắng trẻo, bụ bẫm đã chào đời. Dù không nhìn thấy con, nhưng chỉ cần được sờ lên mặt con, nghe tiếng con khóc là chị thấy hạnh phúc. Đó là món quà quý giá nhất mà ông trời ban tặng cho vợ chồng chị.

Chị Yên tâm sự: “Những ngày đầu không thể nhìn thấy gương mặt con, chăm sóc cho con, tôi rất buồn, nước mắt chỉ chực lăn. Nhưng tôi nghĩ, mình còn may mắn hơn nhiều người khi con sinh ra được khỏe mạnh. Bản năng của người mẹ trỗi dậy, tôi tự học cách chăm sóc con theo cách riêng của mình, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.

Còn đối với chị Mười, bước vào hành trình vừa mang thai vừa chữa căn bệnh u não, dù nguy hiểm nhưng chưa giây phút nào chị thấy hối hận bởi quyết định giữ con.

“Chỉ một thời gian sau đó, bác sĩ thông báo vợ tôi phải làm phẫu thuật để lấy khối u. Nhưng chưa đến lịch mổ thì vợ tôi lên cơn đau đầu, khó thở, phải đưa gấp vào phòng cấp cứu. Bác sĩ bảo phải mở hộp sọ vợ tôi để khối u không chèn ép vào các dây thần kinh. Tôi thương vợ mà không biết phải làm gì, chỉ sợ mọi chuyện sẽ chấm hết.

Ca mổ diễn ra trong vòng 6 tiếng đồng hồ và thành công, vợ tôi phải nằm ở phòng Hồi sức suốt 37 ngày, sau đó là quá trình điều trị phục hồi. Những ngày tháng chăm vợ ở bệnh viện tôi mới hiểu, chúng tôi đã có một quyết định quá liều, không may mà vợ xảy ra chuyện gì thì tôi ân hận cả đời”, anh Hiệp tâm sự.

hanh-trinh-chua-ung-thu-cua-nhung-ba-me-mang-thai

Trong đau đớn, chị Mười luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chồng.

Suốt thời kỳ mang thai chị Mười phải ở bệnh viện để tiện theo dõi. Chị Mười kể với chúng tôi: “May mà tôi có chồng bên cạnh, anh động viên, ai ủi và không ngại khổ để chăm sóc vợ. Mỗi lần tôi đau là anh nắm chặt tay. Vì thế, tôi cũng cố gắng hết sức để đứa con này được chào đời”.

Hạnh phúc vỡ òa khi chị Mười sinh con, chị đã “vượt cạn” thành công vào ngày 15/5 tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội. Thế nhưng, chị không được gặp con, được nghe con khóc bởi sức khỏe chị yếu nên phải tiếp tục theo dõi, con nhỏ được ông bà hai bên chăm sóc. Thời gian đó, chị chỉ biết ngắm những bức hình của con do anh Hiệp chụp, hoặc hỏi về con khi thấy có người đến thăm.

“Lúc ấy, tôi chỉ mong mình thật nhanh hồi phục để nhìn thấy con, cái cảm giác khao khát ấy chắc ai làm mẹ cũng sẽ trải qua và giống như tôi. Năm ngày sau tôi mới được gặp con của mình. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc và cảm ơn con đã kiên cường cùng tôi bước qua những khó khăn”, chị Mười bồi hồi nhớ lại.

Khi chị Mười được xuất viện, sức khỏe chị vẫn còn rất yếu không thể tự tay chăm sóc con được. Chị bảo, nhiều lúc chị cũng tự trách bản thân mình vì đã không làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ. Nhưng nếu phải lựa chọn lại chị vẫn sẽ “ngoan cố” mà giữ đứa con này. Bởi, đối với chị đó là niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Giờ đây, khi nghĩ lại khoảng thời gian mang bầu và sinh con những người phụ nữ ấy cho rằng họ không cảm thấy hối hận về quyết định của mình. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng họ luôn tự nhủ sẽ mạnh mẽ bước qua tất cả để được bên con, nuôi con khôn lớn, khỏe mạnh.

Theo Thanh Lam - Mai Thu (Người đưa tin)