Hai ký túc xá ở TP.HCM thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19

Ngày 26/6, Sở Y tế TP.HCM quyết định thành lập 2 bệnh viện dã chiến từ 2 ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM nâng số giường điều trị COVID-19 lên 10.000.

Việc triển khai thêm hai bệnh viện dã chiến này là do số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã vượt qua con số 2.500 và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Theo đó, Sở Y tế chọn ký túc xá của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM ( số 1 Lê Quý Đôn, Khu đô thị Đại học Quốc gia TP. HCM, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với quy mô 1.000 giường trở thành Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 và ký túc xá khu A của Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) với quy mô 4.000 giường làm Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2.

Theo Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 dự kiến hoạt động từ ngày 26/6. Tùy tình hình số ca mắc mới, bệnh viện số 2 sẽ hoạt động khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM.

hai-ky-tuc-xa-o-tp-hcm-thanh-benh-vien-da-chien-dieu-tri-covid-19

Ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, ĐHQG TP. HCM với quy mô 1.000 giường trở thành Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1.

Sở Y tế sẽ luân phiên bác sĩ và điều dưỡng từ các bệnh viện công lập. Giai đoạn đầu, ưu tiên chọn các nhân viên đã từng tham gia tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi do đã có kinh nghiệm công tác trong môi trường bệnh viện dã chiến.

Về nhân sự hậu cần tại hai bệnh viện trên tiếp tục sử dụng những nhân sự đang công tác tại 2 khu cách ly tập trung trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ban Giám đốc và lãnh đạo các phòng chức năng của bệnh viện dã chiến hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, bao gồm các nhân sự của ngành y tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, Bộ Tư lệnh Thành phố.

Mỗi bệnh viện phải có ít nhất 1 xe cứu thương thường trực để kịp thời chuyển người bệnh về các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19. Trường hợp cần xét nghiệm RT-PCR, lấy mẫu tại chỗ và gửi mẫu bệnh phẩm về các phòng xét nghiệm khẳng định. Ngoài ra, hai bệnh viện cũng phải đảm bảo các dụng cụ, trang thiết bị thiết yếu cho công tác sơ cấp cứu như bình oxy và các thiết bị thở oxy, máy đo SpO2, nhiệt kế, máy đo huyết áp, các trang thiết bị và thuốc cấp cứu cơ bản.

Trong thời gian qua, Sở Y tế đã chuyển đổi công năng của một số bệnh viện quận, huyện và bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố trở thành các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 với quy mô tổng cộng 5.000 giường và đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, trước tình hình số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã vượt qua con số 2.500 trường hợp và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh, việc bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp) là rất cần thiết.

Qua nghiên cứu tính hiệu quả của mô hình hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo hình tháp 3 tầng tại tỉnh Bắc Giang đang được Bộ Y tế triển khai, Sở Y tế nhận thấy mô hình này là giải pháp phù hợp cho tình hình hiện nay trên địa bàn thành phố.

hai-ky-tuc-xa-o-tp-hcm-thanh-benh-vien-da-chien-dieu-tri-covid-19

Hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng” tại TPHCM. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Theo mô hình này, hiện TP.HCM đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch (tầng 3 của hình tháp) và các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 (tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 giường. 

Để đáp ứng tình hình dịch bệnh hiện nay, nhu cầu cấp bách là cần bổ sung các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (tầng 1 của hình tháp), dự kiến cần khoảng 5.000 – 10.000 giường.

TP.HCM đang trong đợt bùng phát COVID-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay với 3.016 ca mắc từ 27/4 đến tối 26/6, xếp thứ hai cả nước trong đợt dịch thứ 4, sau Bắc Giang.

Theo GiaDinh