Hà Nội ô nhiễm không khí mức nguy hiểm kéo dài, dân "bất lực" chờ mưa?

Những ngày qua, nhiều lớp sương mờ ô nhiễm bao trọn các tòa nhà cao tầng ở Thủ đô, số lượng người dân gặp các vấn đề về sức khỏe cũng vì thế tăng lên. Mặc dù Bộ Y tế đã kịp thời có khuyến cáo nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan môi trường đang giải quyết vấn đề ô nhiễm bằng cách chờ mưa (!?).

ha-noi-o-nhiem-khong-khi-muc-nguy-hiem-keo-dai-dan-bat-luc-cho-mua

Người dân Thủ đô mong chờ một giải pháp cụ thể trong giải quyết ô nhiễm. Ảnh: Bảo Loan

Liên tục hắt hơi, khó thở vì ô nhiễm

Hơn 1 tuần qua, người dân Thủ đô đã dần quen thuộc với hình ảnh nhiều lớp sương mờ ô nhiễm như muốn nuốt trọn các tòa nhà cao tầng, nhất là vào buổi sáng sớm kéo dài đến trưa. Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là đợt ô nhiễm không khí "khủng khiếp" nhất tại Hà Nội từ trước đến nay. Bởi chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn hiển thị 3 màu cơ bản: Da cam, đỏ và tím.

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, chỉ số AQI của một số điểm quan trắc tại Hà Nội hiển thị màu vàng (mức kém). Cụ thể, vào lúc 13h, chỉ số AQI tại điểm đo Tây Mỗ là 109; tại điểm đo Minh Khai - Bắc Từ Liêm là 134; Thành Công là 137; Phạm Văn Đồng là 150; khu vực Tân Mai là 102; khu vực Trung Hòa - Nhân Chính là 119…

Chính bởi chỉ số chất lượng không khí ở mức báo động, mà không ít người dân Thủ đô xuất hiện các triệu trứng về sức khỏe. Chị Trần Thị Thu Thúy (36 tuổi, tạm trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết: "Tôi sinh ra ở vùng đất biển Nghệ An, dù thời tiết về mùa hè có thể khắc nghiệt hơn ở các địa phương khác nhưng về vấn đề ô nhiễm không khí thì chưa bao giờ gặp. Cho đến khi tôi cùng con trai ra Hà Nội lập nghiệp. Trong năm nay, Hà Nội trải qua 2 lần ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm cũng là 2 lần, triệu chứng đau đầu do viêm xoang của tôi xuất hiện. Không chỉ đau đầu do viêm xoang, ô nhiễm không khí cũng khiến tôi liên tục hắt hơi, khó thở".

Chị Nguyễn Thị Thảo (33 tuổi, ở La Khê, Hà Đông) cũng tương tự. Chị Thảo cho biết: "Cứ mỗi lần thấy khó thở, ho và đau rát họng là y như rằng, môi trường bị ô nhiễm. Mặc dù tôi ở tầng cao của chung cư nhưng khu vực tôi sinh sống, có nhiều tòa nhà cao tầng và khu liền kề đang xây dựng, hơn nữa, lượng xe cộ đi lại nhiều, thường xuyên xảy ra ùn đường nên vào buổi sáng sớm, nhất là thời điểm đầu giờ sáng, bụi đường mù mịt. Sáng sớm đưa đứa lớn đến trường mầm non mà phải che chắn kỹ càng. Con thứ hai của tôi mới được 12 tháng. Mặc dù đã sắm máy lọc không khí đắt tiền nhưng phải di chuyển nhiều ở ngoài trời, triệu chứng ho, rát họng của tôi cũng không giảm được bao nhiêu".

Trước thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề và kéo dài, Bộ Y tế đã kịp thời ra khuyến cáo để người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt) khi ra ngoài đường; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường và buổi tối trước khi đi ngủ; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm; thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, nên trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí; đặc biệt, hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas.

Ngoài ra, đối với người có bệnh về hô hấp, tim mạch… thì cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn là tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Mòn mỏi ngóng chờ một phương án giải quyết ô nhiễm

ha-noi-o-nhiem-khong-khi-muc-nguy-hiem-keo-dai-dan-bat-luc-cho-mua

Màn sương mờ ô nhiễm bao trọn các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội.

Lý giải về mức độ ô nhiễm như hiện nay, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, bên cạnh hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm thì sự gia tăng của phương tiện giao thông, dân sinh, đốt rác tự phát, công trình xây dựng… là nguồn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường khá lớn. Ngoài ra, dưới tác động của các điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với nghịch nhiệt cũng làm cho các nguồn thải hàng ngày bị tích tụ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến chất lượng không khí suy giảm.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ở Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu. Bên cạnh những khuyến cáo người dân không nên hoạt động ở ngoài trời, cơ quan này cũng đưa ra dự báo, đến ngày 18/12 tới đây, Hà Nội có thể có mưa.

Mặc dù nguyên nhân gây ô nhiễm đã được chỉ ra nhưng một số ý kiến cho rằng, thay vì khuyến cáo người dân không nên hoạt động ngoài trời thì các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và thành phố nên cụ thể những phương án, lộ trình giải quyết tình trạng ô nhiễm kéo dài.

Ông Đỗ Văn An (54 tuổi, ở Thanh Xuân) thẳng thắn: "Không thể đưa ra khuyến cáo người dân ở nhà được, bởi công việc vẫn phải diễn ra, người dân vẫn phải bắt buộc ra đường, trẻ nhỏ vẫn phải đến lớp. Tôi nghe quá nhiều về nguyên nhân gây ô nhiễm cũng như cảnh báo ở các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tôi chưa được nghe cụ thể về cách giải quyết ô nhiễm của thành phố cũng như các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường".

Cũng theo ông An: "Có lẽ không chỉ riêng tôi mà chắc chắn, hơn 8 triệu người dân cũng ít nhiều thất vọng vì mòn mỏi được lắng nghe phương án giải quyết ô nhiễm của Hà Nội. Tôi cho rằng, Hà Nội không thể chờ đợi những "cơn mưa vàng" để mong giảm ô nhiễm, mà cần bắt tay vào thực hiện giải pháp trước mắt có thể thấy luôn tác dụng là tăng cường bơm rửa đường, kiểm tra nghiêm ngặt các hoạt động xây dựng, hạn chế cắt tỉa cây xanh, nghiêm cấm sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ… chắc chắn người Thủ đô hoàn toàn ủng hộ".

Bày tỏ quan ngại về thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường cho rằng, việc giảm thiểu phát thải nói ra thì rất dễ nhưng để làm được là cả một bài toán lớn, bởi liên quan đến vấn đề chính sách, quy hoạch. Theo ông Cơ, người dân có thể chờ đợi nhiều năm để giải quyết câu chuyện ô nhiễm nhưng điều người dân cần lúc này là sự vào cuộc kịp thời của các nhà quản lý. Nếu không, vấn đề ô nhiễm có thể kéo dài từ năm này qua năm khác và kéo theo những hệ lụy khôn lường.

Theo GiaDinh