Giảm nguy cơ ung thư khi dùng aspirin liều thấp, lâu dài

Giáo sư Jack Cuzick ở Học viện Y khoa Hoàng hậu Mary, khuyên tất cả những người khỏe mạnh từ 50 tuổi trở lên nên nghĩ đến việc hằng ngày uống aspirin loại liều thấp (75mg) trong 10 năm liền

* Uống aspirin sẽ giảm nguy cơ ung thư?

Trong giới y học luôn diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề có thể uống aspirin lâu dài hay không. Các nhà khoa học ở Học viện Y khoa Hoàng hậu Mary, thuộc Đại học London, Anh, phát hiện: aspirin làm giảm khoảng từ 30 đến 40% tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân ung thư ruột, dạ dày và thực quản.  

Giảm nguy cơ ung thư khi dùng aspirin liều thấp, lâu dài

Aspirin cũng có tác dụng giảm tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân ung thư vú, tuyến tiền liệt và phổi, nhưng hiệu quả không rõ ràng như trên. Nghiên cứu còn cho biết phải kiên trì uống aspirin ít nhất trong năm năm trở lên thì mới thấy lợi ích của việc này.

Người đứng đầu quá trình điều tra phân tích nói trên, Giáo sư Jack Cuzick ở Học viện Y khoa Hoàng hậu Mary, khuyên tất cả những người khỏe mạnh từ 50 tuổi trở lên nên nghĩ đến việc hằng ngày uống aspirin loại liều thấp (75mg) trong 10 năm liền. 

Các nhà nghiên cứu dự đoán, nếu 1.000 người 60 tuổi dùng aspirin trong 10 năm thì trong 10 năm tiếp theo sẽ giảm được 16 người chết vì ung thư, một người chết vì bệnh tim mạch, nhưng sẽ tăng hai người chết vì xuất huyết bên trong cơ thể.

Hiện nay người ta đã biết tác dụng phụ lớn nhất của việc uống aspirin lâu dài là chảy máu dạ dày và chảy máu não, càng cao tuổi thì càng có khả năng chảy máu.

Sau khi xem xét tác dụng phụ, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu điều tra nói trên kiến nghị thời gian uống aspirin dài ngày nên là 10 năm, nhưng họ cảnh báo trước khi uống phải được thầy thuốc đồng ý.

* Ăn mặn giết chết 1,6 triệu dân thế giới mỗi năm?

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận trên sau khi tiến hành phân tích hơn 205 cuộc khảo sát về việc hấp thu natri (muối) ở những quốc gia đại diện cho gần 3/4 dân số trưởng thành của thế giới.

Các ảnh hưởng của natri đối với áp huyết và nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã được xác định trong một nghiên cứu riêng rẽ khác. Nhóm nghiên cứu phát hiện, lượng natri hấp thu trung bình của mỗi người năm 2010 là 3,95 gram/ngày, gần gấp đôi mức 2 gram theo khuyến nghị của WHO.

Các chuyên gia tính toán được rằng, tổng cộng có 1,65 triệu trường hợp tử vong mỗi năm do ăn mặn hơn ngưỡng khuyến cáo của WHO.

Tiến sĩ Dariush Mozaffarian, người đứng đầu nghiên cứu đến từ Đại học Tufts (Mỹ), giải thích: "Hấp thu lượng lớn natri đã được chứng minh làm tăng áp huyết, một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh về tim mạch, kể cả bệnh tim và đột quỵ. 1,65 triệu người chết tương đương gần 1/10 tổng số ca tử vong trên toàn thế giới bắt nguồn từ nguyên nhân tim mạch. Không có khu vực nào trên thế giới và chẳng có mấy quốc gia tránh khỏi vấn nạn này"

Theo nongnghiep