Cổ phiếu ngành đường tăng “ngọt”

Bất chấp mọi khó khăn khi vào TPP, cổ phiếu ngành mía đường vẫn “làm mưa làm gió” trên sàn chứng khoán trong những tháng vừa qua.

Cổ phiếu ngành đường tăng ngọt

Ngành đường được dự báo gặp nhiều khó khăn sau khi Việt Nam tham gia vào TPP. Ảnh: tinnhanhchungkhoan

Mía đường khó cạnh tranh

Trong một báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC), khi Việt Nam vào TPP, mía đường sẽ là một trong nhóm ngành gặp nhiều khó khăn nhất, do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới.

Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đánh giá triển vọng dài hạn của ngành mía đường trong nước kém khả quan do áp lực cạnh tranh trước Thái Lan (nước xuất khẩu đường thứ 2 thế giới, sau Brazil), các nước ASEAN và TPP trong vài năm tới. Đặc biệt trong các nước tham gia TPP có Úc, nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới chi phí sản xuất khoảng 20 USD/tấn trong khi ở Việt Nam là khoảng 55-60 USD/tấn.

Trước những khó khăn và thách thức đặt ra, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay trong 12 nước thành viên TPP, giá thành sản xuất đường Việt Nam cao hơn rất nhiều so với 11 nước còn lại. Đây chính là yếu tố khiến ngành mía đường nội địa khó cạnh tranh khi hội nhập sâu.

Nguyên nhân là sản xuất ngành mía đường Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu theo hộ gia đình. Doanh nghiệp phải mua mía từ nông dân với giá thành cao. Bên cạnh đó, chỉ có 1/3 số doanh nghiệp lớn được trang bị máy móc tiên tiến, còn lại đa phần các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu. Nhận định ngành mía đường trong thời gian tới, ông Long cho rằng các doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu tốt, công nghệ không đảm bảo dẫn đến giá thành chắc chắn sẽ cao.

Bất chấp khó khăn

Có lẽ nhóm cổ phiếu ngành mía đường là nhóm cổ phiếu hy hữu khi đứng trước thông tin bất lợi mà giá vẫn tăng khá dài trong thời gian vừa qua. Theo thống kê trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu mía đường đã tăng mạnh trong 3 tháng qua và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cổ phiếu của Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS) và Công ty CP Mía đường Sơn La (SLS) là các mã tăng mạnh nhất.

Các công ty ngành đường báo cáo kết quả kinh doanh khả quan:

SLS đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 niên độ tài chính 2015 - 2016 (1/7/2015 - 30/9/2016), với doanh thu đạt 348,7 tỷ đồng, giảm 7%, nhưng lợi nhuận đạt 13,85 tỷ đồng, tăng 30% so với so với cùng kỳ niên độ tài chính trước.

BHS có doanh thu trong cả 2 quý đều tăng so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý 2 tuy giảm nhẹ 20% so với cùng kỳ nhưng sang quý 3 đã tăng trở lại, mức tăng là 122%, lợi nhuận đạt 36,15 tỷ đồng.

Quý 2 và 3/2015 là giai đoạn giá cổ phiếu nhóm mía đường bắt đầu đi lên và kéo dài sang quý 4. Trong 2 quý giữa năm, các cổ phiếu mía đường đều đạt kết quả giao dịch tích cực, bất chấp những thông tin bất lợi của ngành mía đường sau khi vào TPP. Điều gì đã khiến các cổ phiếu mía đường trở nên hấp dẫn đến vậy?

Quý 2/2015, lợi nhuận của SBT đạt 76,6 tỷ đồng, tăng vọt hơn 330% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang quý 3/2015 (quý 1 niên độ tài chính 2015-2016 của SBT), lợi nhuận của SBT là 53,15 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.

Tính trong vòng 3 tháng qua, giá SBT đã tăng 35%; BHS tăng 40% và SLS tăng 124%, mức tăng rất lớn chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu quan sát trong khoảng thời gian dài hơn và so với các mức đáy trong năm 2015, SBT tính từ tháng 5 đã tăng 86%; BHS tính từ tháng 5 tăng 137%; SLS tính từ giữa tháng 4 đến nay tăng 163%.

Vào ngày 12/11, nhiều cổ phiếu mía đường đã đạt mức giá cao nhất trong năm. Trong số 7 doanh nghiệp sản xuất mía đường niêm yết, 2 cổ phiếu BHS (giá 19.100 đồng/CP) và SLS (giá 50.500 đồng/CP) đã tăng giá gấp đôi sau 6 tháng (so với ngày 12/5/2014). Tương tự, cổ phiếu SBT tăng 65%, từ 10.300 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP; cổ phiếu KTS của Đường Kontum tăng 16%, từ 15.300 đồng/CP lên 17.800 đồng/CP; cổ phiếu LSS của Đường Lam Sơn tăng 6%.

Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường năm nay đã tốt lên nhiều. Giá bán trong nước được giữ ở mức ổn định. Ngoài ra, bản thân ngành này cũng được trợ giá khá nhiều để bảo đảm không giảm mạnh khi giá thế giới lao dốc. Hầu hết các công ty trong ngành đều báo cáo kết quả kinh doanh khả quan. 

Cụ thể, SLS đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 niên độ tài chính 2015-2016 (1/7/2015 - 30/9/2016), với doanh thu đạt 348,7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 13,85 tỷ đồng; BHS lợi nhuận đạt 36,15 tỷ đồng; SLS là doanh nghiệp có mức tăng lợi nhuận lớn nhất, lãi lũy kế 9 tháng của SLS đạt 72,9 tỷ đồng; Lợi nhuận của SBT (quý I niên độ tài chính 2015-2016 của SBT) là 53,15 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ hai được VCSC đánh giá đó là dù đã vào TPP song phải một thời gian khá dài nữa mới thực sự tác động đến ngành mía đường. Thực chất cổ phiếu ngành này đã có xu hướng tăng trước khi TPP được hoàn tất.

Theo đại diện của VCSC, thanh khoản tăng đột biến là do có một vài thông tin sáp nhập doanh nghiệp ngành đường. Cụ thể, tháng 6/2015, Đường Biên Hòa đã chính thức thông qua phương án sáp nhập Đường Ninh Hòa (phía Ninh Hòa trở thành công ty con, do đối tác sở hữu 100% vốn điều lệ). Sự kiện này đã mở màn cho làn sóng sáp nhập của doanh nghiệp ngành đường, từ đó tạo sóng thanh khoản và tăng trưởng cho cổ phiếu ngành này.

Cùng với đó, giá đường thế giới đang có xu hướng tăng trở lại cũng là một tin vui đối với ngành đường trong nước. Đường thô tại New York đã tăng 34% kể từ tháng 8 - thời điểm giá thấp nhất 7 năm. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá đã tăng 27,5%. Mặc dù vậy, so với đầu năm giá hiện vẫn giảm hơn khoảng 6,5%. Bloomberg dự báo, niên vụ 2015-2016 thế giới có thể thiếu hụt 5,6 triệu tấn đường.

Tuy nhiên, VCSC đã đưa ra cảnh báo thời gian qua VN-Index chỉ tăng chậm chạp nhưng cổ phiếu ngành đường tăng khá nóng và đang được định giá cao. Vì vậy, nhà đầu tư nên xem xét trước khi mua để tránh rủi ro.

Theo  Vân Lam (nguoitieudung)