Cô Giang và mối tình bi tráng với Nguyễn Thái Học



Ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, con đường Nguyễn Thái Học nối liền quận 1 và quận 4 đã tồn tại lâu nay. Ngay bên cạnh đó, con đường Cô Bắc và Cô Giang chạy thẳng tắp song song nhau tạo thành khu chợ Cầu Muối. Ít ai biết được mối liên hệ chị em ruột giữa Cô Bắc và Cô Giang cũng như mối tình bi tráng giữa nhà yêu nước lỗi lạc, người sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học...

Cô Giang và mối tình bi tráng với Nguyễn Thái Học

Chung cư Cô Giang từ trên cao (Nguồn:Panoramio)

Nguyễn Thái Học là ai?

Nguyễn Thái Học tên thật là Nguyễn Văn Học sinh năm 1902 tại Vĩnh Yên nay là tỉnh Vĩnh Phúc. Ông sinh ra trong một gia đình trung nông sống bằng nghề làm ruộng và dệt vải. Từ năm 4 tuổi ông được gửi học Hán Văn. Tên đệm của ông là Văn nhưng vào khoảng năm 9 -10 tuổi người cậu ruột đặt lại thành Thái vì chỉ trong vòng hai năm đã học hết chữ của cậu.

Năm 11 tuổi ông bắt đầu đi học chương trình Việt Pháp tại  thị xã Vĩnh Yên. Năm 19 tuổi ông thi đậu trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội và nhận học bổng của Chính phủ Bảo hộ Pháp. Tuy nhiên, với tấm lòng cương trực, bất khuất, ông bất mãn với chương trình của Chính quyền Bảo hộ nên xin thôi học và chuyển qua đăng ký học tại trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương - nơi ông tham gia thành lập Nam Đồng Thư Xã, tiền thân của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Quá trình đấu tranh vì dân tộc

Khi ông thành lập Quốc Dân Đảng thì có rất nhiều nhân sĩ theo giúp ông trong đó có thể kể đến Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch, Nhượng Tống, Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con), và Nguyễn Khắc Nhu. Đặc biệt, Nguyễn Khắc Nhu có dẫn theo hai chị em là Nguyễn Thị Bắc (Cô Bắc) làm ủy viên tuyên truyền và Nguyễn Thị Giang (Cô Giang) làm tổng thư ký để giúp đỡ cho Nguyễn Thái Học.

Làm cách mạng có nghĩa là sẽ gây nguy hiểm cho gia đình và người thân. Chính vì thế, rất nhiều người trong Đảng đã quyết định ly dị vợ hay đổi họ để tránh liên lụy đến gia đình. Trước khi làm cách mạng, Nguyễn Thái Học đã có một người vợ tên Cửu do cha mẹ sắp đặt. Ông đã về quê xin ly dị vợ. Nhưng suốt quá trình làm cách mạng gian nan ấy, giữa Nguyễn Thái Học và Cô Giang đã nảy sinh tình cảm với nhau. Khi hai người cùng làm nhiệm vụ với nhau tại Phú Thọ, hai người cùng quỳ trước bệ thờ Quốc Tổ thề nguyền sống chết có nhau. Sau đó, Nguyễn Thái Học trao cho Cô Giang khẩu súng lục mà ông luôn mang theo bên mình. Hai người từ đó không mấy khi rời nhau.

Sự sắc son của Cô Giang

Cuộc khởi nghĩa thất bại vào một ngày đầu hè năm 1930. Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông bị tuyên án xử chém. Cô Giang định lên một kế hoạc táo bạo cướp ngục Hỏa Lò để cứu người nhưng không ngờ Pháp đã bí mật chuyển những người tử tù đi vào ngày 16/06/1930 lên Yên Bái để xử chém vào ngày hôm sau. Quá đau đớn trước tin đó, Cô Giang lặng lẽ bắt tàu lên Yên Bái và tận mắt chứng kiến cảnh hành hình. Cô viết hai bức thư bằng giấy học trò để lại cho cha mẹ chồng và bức còn lại viết cho người chồng nơi chín suối. Viết xong, Cô Giang ra chợ mua mấy vuông vải xô thắt ngang đầu để tang chồng rồi bắt tàu ngay trong đêm về làng Thổ Tang quê chồng. Cô không đi về nhà cha mẹ chồng mà ghé sang nhà cô chồng để gửi thư và để lại cái đồng hồ quả quýt cho em Nguyễn Văn Lâm của chồng. Sau đó, cô đi ra gốc đề đầu làng tự vẫn bằng khẩu súng mà người thương đã tặng năm xưa.

Giặc nghe tin cô tự vẫn liền cho người ra xác nhận và sau đó đem đi chôn cất, đặt điếm canh không cho ai thắp nhang. Nhưng tại ngôi mộ của người nữ cách mạng đó luôn có những bông hoa đỏ thắm.

Cô Giang và mối tình bi tráng với Nguyễn Thái Học
Mộ cô Giang nằm giữa cánh đồng làng Thổ Tang
Cô Giang và mối tình bi tráng với Nguyễn Thái Học
Thời gian những câu thơ có thể mờ nhưng vẫn in đậm nét trong lòng người...

Trên bia mộ ghi câu thơ của cô:

"Quốc kỳ phấp phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ"

 

Theo Hoàng Việt(GDVN)