Chuyện vợ Việt - chồng Tây: Hành trình đi tìm sự đồng cảm

Để có tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con cái, họ đã bàn bạc cùng nhau để tìm hướng giải quyết tốt nhất.

Với chị Hồng Phước, những ngày đầu sang quê chồng là điều khó khăn nhất với chị, đặc biệt là việc gần gũi với con trai riêng của chồng. Người phụ nữ này bộc bạch:

“Chưa có kinh nghiệm làm mẹ nên khi gặp con của chồng, cậu bé phản kháng một cách quyết liệt, coi tôi là một người đã cướp mất tình yêu thương của bố. Cộng thêm, người vợ cũ của anh ấy còn coi tôi như một ô sin khi cứ đi đâu là lại mang con trai sang gửi tôi”.

Chị Hồng Phước tâm sự, việc nuôi dạy con riêng của chồng không hề dễ dàng như chị tưởng tượng bởi cậu bé rất bướng, không chịu nghe lời: “Tôi từng làm trong môi trường giáo dục nên rất hiểu tâm lý của con trẻ, cậu bé này ban đầu gặp tôi vô cùng bướng bỉnh, hỗn láo.

Năm 2015, bé học lớp 7, năm học có 192 ngày mà con nghỉ đến 112 ngày, 80 ngày còn lại là đi học muộn. Hễ ở nhà là chơi điện tử và thức đêm. Lúc đó, chồng tôi nói: “Em không cần bận tâm, cứ để con ở với mẹ đẻ”.

chuyen-vo-viet-chong-tay-hanh-trinh-di-tim-su-dong-cam

Chị Hồng Phước và ba người con chung với người chồng ngoại quốc.

Thế nhưng, với cương vị là người mẹ kế và cũng hiểu được sự rạn nứt trong hôn nhân của bố mẹ ảnh hưởng một phần đến tâm lý, tính cách của con trẻ, tôi đã gặp mẹ ruột của cậu bé để nói chuyện.

Tôi nói: “Nếu bây giờ không dạy con, sau này con sẽ không thể tốt nghiệp cũng không thể có một công việc và bạn gái”. Vậy là, kể từ đó mọi việc nuôi dạy con tôi một tay làm hết”.

Chị Phước đón con riêng của chồng về ở cùng, hàng ngày đưa đi học, đi kiểm tra sức khỏe rồi dặn con ăn uống, học tập, ngủ nghỉ đúng giờ. Từ một đứa trẻ bướng bỉnh, không nghe lời mẹ kế thì nay cậu bé 13 tuổi ấy đã tự giác học tập, sinh hoạt và trưởng thành hơn rất nhiều.

chuyen-vo-viet-chong-tay-hanh-trinh-di-tim-su-dong-cam

Con trai lớn của chồng chị đã trưởng thành hơn rất nhiều, nhờ phương pháp giáo dục của chị.

Mẹ ruột của bé cũng rất ngạc nhiên và biết ơn chị Hồng Phước. Đó là cách chị dạy con riêng của chồng, còn đối với con chung của chị và anh Alain Guillou, chị luôn muốn con mình có lối sống văn hóa giao thoa giữa hai quốc gia Việt Nam – Canada.

Trò chuyện với PV, chị Phước tỏ rõ niềm vui bởi phương pháp giáo dục con của mình và chồng giờ đây đã được mẹ ruột hưởng ứng: “Tôi là người Việt Nam nên cũng muốn cho ba đứa con ruột của mình hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của quê hương Việt Nam. Chính vì thế, tôi đã bàn bạc với chồng để các con được học cả hai thứ tiếng và cũng học nền văn hóa tốt đẹp của hai đất nước. Biết quyết định của tôi, mẹ rất vui”.

Hàng ngày, chị Phước kiên trì dạy cho các con về văn hóa, cách ứng xử của người Việt: “Nếu như ở phương Tây, cả người lớn và trẻ con khi gặp nhau đều vẫy tay nói xin chào. Thì tôi không dạy con như vậy, tôi thường bảo các con nếu gặp người Việt lớn tuổi hơn thì phải khoanh tay, cúi đầu chào hỏi lễ phép. Bên cạnh đó, tôi cũng dạy con nói tiếng Việt”.

Không chỉ kèm cặp con về lễ nghĩa của người Việt, chị Hồng Phước còn là người nấu cho con những món ăn Việt Nam, sưu tập các bộ trang phục truyền thống của dân tộc cho các con:

“Khi tôi mặc cho con một bộ trang phục truyền thống, tôi thường giải thích rõ cho con về nguồn gốc, phong tục tập quán cũng như nét văn hóa đặc trưng của vùng miền. Các con ban đầu mơ hồ không hiểu, nhưng nhờ sự kiên trì chỉ bảo, con gái tôi cũng đã nói được tiếng Việt, đọc được tên một số bộ trang phục và ăn được món ăn Việt”.

chuyen-vo-viet-chong-tay-hanh-trinh-di-tim-su-dong-cam

Chị Phước dạy con kết hợp Đông Tây.

Ngoài ra, trong gia đình chồng, chị Hồng Phước cũng giữ vai trò là một giáo viên, truyền đạt cho các con điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

“Chồng tôi là một người cha mẫu mực, cứ mỗi khi đi công tác về là lại ở bên quan tâm, chăm sóc các con từng chút một. Nhiều người Việt cứ nghĩ các gia đình ở trời Tây họ sống không tình cảm. Thế nhưng, được sống và trải nghiệm tôi thấy rằng họ cũng sống rất tình cảm, yêu thương lẫn nhau. Đó là phụ thuộc vào môi trường giáo dục của các thành viên trong gia đình”, chị Phước nói.

Còn với chị Thu Hương, cả con riêng và con chung, vợ chồng chị đều thống nhất là dạy nghiêm khắc nhưng cũng tràn đầy yêu thương. Anh chị đưa ra nguyên tắc bất di bất dịch là khi chồng dạy con thì vợ tuyệt đối sẽ không xen vào và ngược lại.

chuyen-vo-viet-chong-tay-hanh-trinh-di-tim-su-dong-cam

Ông xã của chị Thu Hương hỗ trợ vợ trong việc nuôi dạy con cái.

Chị Thu Hương chia sẻ: “Con trai tôi đang tập nói, nên chúng tôi cũng đã bắt đầu lên kế hoạch dài kỳ trong việc dạy con. Hằng ngày, chồng tôi sẽ dạy con hoàn toàn bằng tiếng Pháp, tôi dạy con tiếng Việt. Bên cạnh đó, chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Anh để con nghe và học nói theo”.

Không chỉ dạy con đa ngôn ngữ, chị Thu Hương còn dạy con gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam- Pháp, thông qua việc giới thiệu với con các món ăn truyền thống của Việt Nam, hay phương pháp chữa bệnh dân gian đơn giản của  người Việt.

Với cậu con riêng của mình, giờ đây chị Hương hoàn toàn yên tâm khi bé nhận được sự chỉ bảo của anh Alain. Chị kể: “Chồng tôi sẽ dạy con nhẹ nhàng, sau đó đến mức cảnh báo và phạt như: Cấm con xem các chương trình con yêu thích, không được sử dụng iPad, điện thoại... Mỗi lần như thế, con rất nghe lời. Tới giờ, hai cha con lúc nào cũng quấn lấy nhau, chuyện gì con cũng tâm sự với ba Alain”.

Với chị Thu Hương hay Hồng Phước, dù cho việc nuôi dạy con anh con tôi hay con chúng ta cũng gặp phải muôn vàn khó khăn, vất vả, đôi khi có cả những lúc tranh cãi.

Tuy nhiên, những người phụ nữ ấy vẫn dung hòa được, họ mong muốn những đứa con của mình sẽ được tiếp thu, kế thừa và phát huy cả hai nền văn hóa.

(Còn nữa)

* Xem thêm tại đây: 

Chuyện vợ Việt - chồng Tây: Dạy con kết hợp Đông Tây

Chuyện vợ Việt - chồng Tây: Khóc vì nhớ cơm Việt

Chuyện vợ Việt - chồng Tây: “Bí kíp” đặc biệt giữ lửa tình yêu

Thanh Lam

Theo Người Đưa Tin