Cho vay tiêu dùng: Kích thích thị trường bán lẻ

Cho vay tiêu dùng (CVTD) không chỉ giúp các nhóm khách hàng mới và nhóm cư dân ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng có thêm hiểu biết về tài chính mà còn giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân. Đồng thời, kích thích phát triển sản xuất, tiêu dùng.

Thị trường cạnh tranh mạnh

Tại Việt Nam hiện có 6 công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng và hàng chục ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng với gần 16 triệu người là khách hàng tiềm năng. Trước đây, lợi thế của dịch vụ CVTD thuộc về các CTTC vì mô hình hoạt động của các công ty này phù hợp với đặc điểm của các khoản vay là giá trị không lớn, thủ tục giải ngân nhanh, mạng lưới bao phủ hầu khắp các điểm bán lẻ. Thế nhưng, gần đây nhiều ngân hàng lớn cũng chú trọng hơn đến hoạt động CVTD để đẩy mạnh doanh thu từ thị trường cá nhân. Song, để đạt được các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại, người đi vay vẫn phải thỏa mãn một số tiêu chí nhất định liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro của ngân hàng. Chính vì vậy, xu hướng người tiêu dùng tìm đến dịch vụ vay tiêu dùng của các CTTC vẫn ngày một nhiều hơn.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, kinh tế đang hồi phục, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày càng tăng lên. Nhiều ngân hàng sau thời gian khó khăn đang đẩy mạnh hoạt động CVTD thông qua việc thành lập các CTTC. Mặt khác, nhiều CTTC nước ngoài cũng đã tham gia thị trường với chiến lược rõ ràng nhằm tận dụng lợi thế dân số đông và trẻ của Việt Nam.

Cho vay tiêu dùng: Kích thích thị trường bán lẻ

Cho vay tiêu dùng được cho là có tác dụng kích thích thị trường bán lẻ

So với ngân hàng, vay qua các CTTC sẽ thuận lợi hơn cho khách hàng. Việc này sẽ giúp kiện toàn, chuyên môn hóa hoạt động TDTD thông qua các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, được pháp luật công nhận, tạo thuận lợi hơn cho người đi vay. Thực tế, mức độ thuận lợi của các gói vay hiện nay đã tăng lên rất nhiều, khả năng tiếp cận các gói vay của người dân cũng cao hơn. Đón nhận cơ hội, các CTTC cũng đua nhau cải tiến nghiệp vụ để cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ trong dịch vụ bán buôn, bán lẻ nói chung nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Phát biểu tại một hội thảo mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho rằng, “cần có cơ chế để khuyến khích CVTD của các CTTC phát triển hơn nữa và tạo sự cạnh tranh trong thị trường tín dụng. Từ đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng thay vì phải tìm đến tín dụng đen”.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Là một trong những khách hàng sử dụng dịch vụ CVTD của CTTC, chị Nguyễn Thu Thảo- chủ một salon tóc ở phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ban đầu chị dự định chỉ mua một chiếc điện thoại bình thường để sử dụng nhưng sau khi được nhân viên của CTTC tư vấn, chị đã quyết định mua chiếc điện thoại Smartphone. Ban đầu chị vẫn nghĩ vay vốn CTTC sẽ tốn rất nhiều thời gian để chuẩn bị thủ tục giấy tờ cũng như chứng minh thu nhập giống như vay ngân hàng, nhưng không ngờ chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu là đã có thể mua được chiếc điện thoại như ý.

Ngoài việc giải ngân nhanh chóng, số tiền trả gốc và lãi mỗi tháng chỉ hơn 900.000 đồng. “Vừa qua, nhờ tư vấn của cácCTTC, chồng tôi cũng sử dụng dịch vụ CVTD để mua Ipad trị giá gần 20 triệu. Trong nhà tôi có tiền nhưng đề phòng có việc cần dùng nên chúng tôi sử dụng dịch vụ CVTD. Vừa được dùng đồ tốt, áp lực trả nợ cũng không lớn nên chúng tôi vẫn tiết kiệm được tiền. Gia đình tôi đều đang sử dụng CVTD, kể cả các anh chị em”- chị Ngọc nói.

Theo đại diện thế giới di động, với lợi thế khoản vay giá trị nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu, không cần tài sản thế chấp, thủ tục hồ sơ đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng, CVTD đã được đông đảo khách hàng có thu nhập trung bình và thấp sử dụng để mua sản phẩm điện tử, điện lạnh. Cũng nhờ dịch vụ CVTD, đơn vị đãđẩy mạnh doanh số, gia tăng sản lượng và tăng trưởng rất nhanh.

Chị Nguyễn Vân Anh- nhân viên siêu thị Nguyễn Kim cho biết: Dù mới áp dụng CVTD khi mua các sản phẩm của siêu thị nhưng số lượng hàng hóa bán ra trong ngày tương đối nhiều. Đa phần khách hàng đến Nguyễn Kim mua sản phẩm đều ở mức trung bình nhưng được tư vấn và biết hình thức áp dụng CVTD thì đều mua sản phẩm tốt, giá cao và thời gian trả nợ rất linh hoạt. “Dù lãi suất áp dụng cao hơn ngân hàng nhưng khách hàng đều hài lòng khi sử dụng dịch vụ và không phàn nàn gì”- chị Vân Anh khẳng định.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng: "Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển thị trường CVTD ở Việt Nam là một xu hướng tất yếu. Nó được xem là công cụ quan trọng làm tăng cầu hàng hóa, giúp tăng sản lượng, tạo thêm việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia".

Theo Quỳnh Anh (Giadinhvn)