Chế biến thức ăn cho trẻ: Cho gia vị vào như thế nào là đúng?

Gia vị là vấn đề nhiều cha mẹ quan tâm vì không rõ độ tuổi nào nên nêm gia vị? Và nêm bao nhiêu là đủ để không ảnh hưởng đến vị giác và sức khỏe của bé?

Hiểu đúng về vị giác của bé 

Số lượng “chồi vị giác” là khác nhau giữa trẻ em (dưới 3 tuổi) và người lớn.

(Trên bề mặt lưỡi có 3 loại gai vị giác, mỗi gai vị giác lại có chứa các chồi vị giác. Chồi vị giác được tạo thành từ các tế bào vị giác, trên bề mặt của các tế bào này có chứa thụ thể cảm nhận vị).

Ví dụ, các bé có khoảng 10.000 chồi vị giác, nhưng người lớn thì chỉ có khoảng 5.000 chồi vị giác. Do đó, báo cáo năm 2005 của trung tâm Monell Chemical Senses, Mỹ đã cho thấy: Vị giác về cảm giác mặn tàm tạm của người lớn, sẽ là cảm giác rất mặn cho các bé. Do đó, việc dùng lưỡi của cha mẹ thử vị cho thức ăn của bé là không chính xác.


Mẹ dùng lưỡi thử vị cho thức ăn của bé là không chính xác

Dùng gia vị không đúng lượng có thể dẫn đến rối loạn vị giác, gây biếng ăn, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hoạt động của thận và gan, đặc biệt là các bé dưới 1 tuổi.

Gia vị bao gồm:

Các loại gia vị thông dụng trong gia đình bao gồm: đường, muối, bột nêm/bột ngọt, nước mắm/nước tương, hành/tỏi, tiêu/ớt, rau thơm/mùi, mật ong và giả muối từ thực vật.

Giả muối từ thực vật

Trong trường hợp bố mẹ, ông bà đã lỡ nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi vô tình làm cho các bé có thể đã bị rối loạn vị giác và không chịu ăn khi không nêm. Lúc này cha mẹ có thể làm giả muối từ thực vật để giúp các bé cân bằng vị giác. Do hàm lượng Natri trong thực vật thấp, và ở dạng muối hữu cơ nên giúp cân bằng vị giác cho các bé.

Tuy nhiên, nếu các bé nào mà cha mẹ chưa nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi thì không khuyên dùng giả muối từ thực vật.

Giả muối từ thực vật là dạng bột xay nhuyễn từ những loại thực vật để tạo vị cho món ăn, giúp các bé dưới 1 tuổi đã lỡ cho ăn chế độ có nêm muối/đường/nước mắm do cha mẹ không để ý.

Ts.Bs.Challote, trung tâm nghiên cứu tim mạch, Mỹ cho biết: Giả muối có thể giúp thay thế vị của muối để tạo cân bằng vị trên các chồi vị giác. Tuy nhiên, giả muối từ các loại tảo hay rong biển là không khuyên dùng cho bé vì có thể dư hàm lượng Iodine.

Lượng gia vị tối đa cho vào thức ăn bé 1 ngày theo độ tuổi như sau:

Quy ước: muỗng cafe dùng trong ước lượng là có kích thước như sau: dài 4 cm và rộng 3 cm

1. Bé dưới 1 tuổi

Muối/đường/bột nêm: không dùng

Nước mắm/nước tương (dù là loại trẻ em): không dùng

Giả muối từ thực vật: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày

Tiêu: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày (chỉ dùng cho bé trên 10 tháng).

Hành/tỏi: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày (chỉ dùng cho bé trên 10 tháng)

Rau thơm các loại: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày

Dầu ăn: 1-2 muỗng cafe/ngày. Một tuần không quá 4 ngày 

Mật ong: Không dùng

2. Bé từ 1-3 tuổi

Muối/đường/bột nêm: 1/2 muỗng café.

Nước mắm/nước tương (dùng loại người lớn hay trẻ em đều được, nước mắm không dùng loại đạm cao): 1 muỗng cafe/ngày

Giả muối từ thực vật: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày

Tiêu: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày

Ớt: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày

Hành/tỏi: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày

Rau thơm các loại: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày

Dầu ăn: 1-2 muỗng cafe/ngày. Một tuần không quá 4 ngày

Mật ong: Lượng bằng 1 muỗng café


Mẹ nên hạn chế nêm nếm cho bé để giảm nguy cơ các bệnh mãn tính

3. Bé trên 3 tuổi

Lúc này bé có thể ăn đa dạng gia vị theo khẩu vị của gia đình, nhưng tốt nhất vẫn nên hạn chế đường, muối, nước mắm trong chế biến món ăn để giảm nguy cơ các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường và ung thư bao tử khi bé trưởng thành.

Vì sức khỏe của bé yêu, các bậc cha mẹ hãy dành chút thời gian tìm hiểu để chuẩn bị bữa ăn cho bé thật an toàn nhé!

Theo nguồn: Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (Worcester, Worcestershire)

Xuân Anh Lê (BVPL)