Cảnh giác chất lượng sản phẩm bánh trung thu độc lạ, màu sắc bắt mắt

Tết Trung thu đang tới gần là dịp các nhà sản xuất tung ra thị trường nhiều loại bánh trung thu với đủ loại nhân, màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên nên cẩn trọng khi mua vì có thể là hàng không nhãn mác, nguồn gốc không rõ ràng.

Bánh trung thu nhân độc lạ, màu sắc bắt mắt nhưng không nhãn mác, nguồn gốc không rõ ràng

Không chỉ tìm mua những chiếc bánh trung thu độc, lạ để thỏa mãn thú vui mua sắm, thưởng thức, nhiều người nội trợ còn tìm mua nguyên liệu có sẵn để tự tay chế tác sản phẩm như ý. Đây là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng cung cấp nguồn hàng kém chất lượng, chưa được kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu truyền thống nhưng trên nhiều tuyến đường, phố đã thấy xuất hiện nhiều ki ốt bày bán bánh trung thu của các nhãn hàng khác nhau. Cùng với đó, trên trang thương mại điện tử, các hội, nhóm mạng xã hội và Facebook cá nhân cũng xuất hiện hàng loạt lời chào bán sản phẩm bánh trung thu đa dạng mẫu mã, chủng loại. Nổi bật trong “tốp” bánh trung thu năm nay là sản phẩm bánh nhân “lava”. Khác với các loại nhân bánh truyền thống, nhân “lava” được biết đến như một loại sốt sánh mịn, có độ chảy nhẹ khi cắt bánh.

Chị Nguyễn Thanh Hà, chủ hiệu bánh handmade ở Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho biết, thị trường bánh trung thu năm ngoái xuất hiện dòng bánh có nhân tan chảy vị trứng muối nhập khẩu từ nước ngoài. Qua tìm hiểu, các hiệu bánh đã chế biến được công thức tan chảy cho nhiều vị nhân khác như lava phô mai, lava trà xanh, lava sầu riêng, lava sô cô la... khiến người tiêu dùng thích thú, nhất là giới trẻ đua nhau tìm mua.

canh-giac-chat-luong-san-pham-banh-trung-thu-doc-la-mau-sac-bat-mat

Cẩn trọng khi mua bánh trung thu có nhân độc lạ, màu sắc bắt mắt trên thị trường. Ảnh: Hà Nội mới

Theo tìm hiểu thị trường bánh trung thu năm nay còn xuất hiện nhiều kiểu bánh hình hoa lá, con giống với nhiều loại nhân hiện đại như việt quất, dâu tây, xoài dẻo, cà phê sữa dừa, caramen, dưa lưới, cam vàng... Trong đó, nhiều người bán hàng còn quảng cáo thêm dòng bánh “healthy” với độ ngọt ít, phù hợp cho người bệnh tiểu đường hay béo phì... Tuy nhiên, khi xem sản phẩm thực tế, những chiếc bánh được đóng trong túi ni lông hay hộp giấy nhiều hoa văn, màu sắc nhưng không hề có nhãn mác hàng hóa, tên nơi sản xuất và số giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Không chỉ mua những chiếc bánh thành phẩm, người tiêu dùng còn tìm mua nguyên liệu rời để tự tay chế tác sản phẩm. Đáp ứng nhu cầu đó, người bán hàng cung cấp đầy đủ nguyên liệu từ vỏ bánh, nhân bánh các loại đến nước đường nướng bánh cùng các phụ kiện đóng gói, bảo quản...

Chị Phạm Ngọc Hà (quận Cầu Giấy) cho biết: "Trước đây tôi kỳ công chuẩn bị nguyên liệu bánh trung thu hàng tháng trước dịp rằm, nhưng nay đều có thể tìm mua đầy đủ nguyên liệu, phụ kiện ở cửa hàng. Giá cả đa dạng từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn cho từng loại nguyên liệu".

Cảnh giác các loại bánh trung thu được bảo quản sơ sài

Theo quy định của Bộ Y tế, bánh trung thu không thể bảo quản ở điều kiện thông thường trong thời gian dài. Việc sản xuất và kinh doanh bánh trung thu nói riêng và các loại hàng hóa, thực phẩm khác nói chung là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Kể cả nhà sản xuất hay cơ sở kinh doanh, buôn bán đều phải tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, với các loại bánh được bảo quản sơ sài, người tiêu dùng cần cảnh giác về chất lượng sản phẩm cũng như khâu kiểm soát của cơ quan chức năng.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần bảo quản và sử dụng bánh trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm. Chú ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có). Bánh trung thu mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ vì chúng có nguy cơ gây ngộ độc.

Thông thường, người tiêu dùng khi mua sản phẩm bánh thường quan tâm nhất đến chỉ tiêu cảm quan của sản phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi được sử dụng sản phẩm có chất lượng và an toàn thực phẩm, nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng đảm bảo thể hiện qua việc có thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn theo quy định…

Điều kiện bảo quản, bày bán sản phẩm cũng rất quan trọng, sản phẩm xuất xưởng có chất lượng tốt nhưng bày bán trên hè phố nóng và bụi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bánh và không ai có thể đảm bảo về an toàn thực phẩm trong trường hợp này. Đối với bánh mua bán trực tuyến, người mua càng cần phải cân nhắc lựa chọn.

Mỗi người khi lựa chọn các sản phẩm bánh trung thu cần quan tâm đến các thông tin về cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, thành phần. Tuyệt đối không mua, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác. Đối với các loại bánh gia truyền cũng cần mua tại các địa chỉ uy tín, khi mua yêu cầu người bán cung cấp các loại giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo nhận định của Cục An toàn thực phẩm, càng gần Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng bánh kẹo càng tăng cao nên một số tổ chức, cá nhân sẽ lén lút đưa ra thị trường một số bánh kẹo nhập lậu không có nguồn gốc xuất xứ, các cơ quan chức năng và cấp chính quyền đang phối hợp tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề cơ sở nhỏ lẻ.

Các cơ quan truyền thông cần tăng cường thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia...

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN về Bánh nướng và Bánh dẻo

Theo quyết định số 2169/QĐ-BKHCN ngày 7/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F18 Đường, mật ong và sản phẩm tinh bột biên soạn.

Thông qua việc tổng hợp các tài liệu, thông tin truyền thông cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia, quá trình khảo sát sản phẩm thông qua thử nghiệm được Ban kỹ thuật TCVN/TC/F18 định hướng vào các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật. Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn bánh trung thu: Các bên liên quan đến sản phẩm này bao gồm các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước (ngành Công Thương, theo phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm); các đơn vị thử nghiệm và đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng sản phẩm. Các tiêu chuẩn này sẽ giúp cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp. Thông qua đó, đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất chân chính.

Theo VietQ