Bột màu đỏ + đậu tương + chất cay = tương ớt nguyên chất 100%

Trực tiếp thâm nhập vào thị trường này, PV đã phát hiện ra những tuyệt chiêu “gây nghiện” từ cách thức “làm hàng”, phương thức đấu trộn, pha chế nhằm “luyện” nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Thị trường gia vị được biết đến gồm tất cả những sản phẩm như bột ngọt, bột nêm, mì chính, tương ớt, nước mắm, hạt tiêu... Nó là những sản phẩm gắn liền với nhu cầu của hàng triệu gia đình trong sinh hoạt hàng ngày.

Thị trường này được đánh giá mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ trong kinh doanh và để chiếm lĩnh được nó không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tung các chiêu như tăng độ đạm, đảm bảo 100% nguyên liệu tự nhiên...

Tuy nhiên, trực tiếp thâm nhập vào thị trường này, PV đã phát hiện ra những tuyệt chiêu “gây nghiện” từ cách thức “làm hàng”, phương thức đấu trộn, pha chế nhằm “luyện” nguyên liệu không rõ nguồn gốc + bột hóa chất thành các loại gia vị.

Có lẽ trong nhóm các sản phẩm gia vị, tương ớt chiếm thị phần lớn nhất, do nó là một trong những gia vị không thể thiếu cho nhiều món ăn, cùng với đó là lượng người sử dụng cũng khá lớn.

Vì thế, tương ớt là loại gia vị được nhiều cơ sở sản xuất tung ra thị trường với các nhãn mác khác nhau nhưng có điểm chung là đều khẳng định 100% được làm từ nguyên liệu ớt. Tuy nhiên, sự thật mà PV tìm hiểu được không như vậy…

Tương ớt nguyên chất 100% được làm từ gì?

Thông qua những mối quan hệ, PV đã kết nối được với Ngọc “vẩu”, một đầu mối chuyên giao tương ớt cho các quán phở ở nội thành Hà Nội.

Theo lời kể của Ngọc “vẩu”, hàng ngày, anh lấy tương ớt từ một cơ sở sản xuất tại thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội. Sau đó, anh đóng lại cho ra các can nhựa 2 lít hoặc 5 lít rồi chuyển tới những quán phở hay những quán bán ăn sáng trên đường Giải Phóng, Giảng Võ, Phùng Hưng... với giá dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/lít. Ngoài ra, anh cũng nhận giao cho một số đầu mối ở chợ Hà Đông, chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang.

Khi PV hỏi tại sao những loại tương ớt này không được đóng trong chai nhỏ có gắn nhãn mác cụ thể, Ngọc “vẩu” cười nói: “Những loại tương ớt này được chế biến theo phương thức “gia truyền” đấy!? Mình đóng vào can là theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng nhập về sẽ chế vào những lọ nhỏ tùy ý. Người dùng cứ thấy màu đỏ và cay là được rồi”.

Để tìm hiểu sâu hơn, moi được nhiều “tuyệt chiêu gây nghiện” từ Ngọc “vẩu”, PV đặt mua 5 lít tương ớt để biếu người thân. Tuy nhiên khi đề cập đến việc này, Ngọc “vẩu” phân tích: “Tôi nói thực với ông nhé, tôi khuyên ông mua tương ớt về nhà dùng hoặc đem biếu thì đừng mua loại 30.000 đồng/lít. Nó quảng cáo là nguyên chất nhưng cay và đỏ là nguyên, còn chất thì không phải đâu.

Tôi chỉ tính đơn giản, giá mỗi kg ớt hiện tại dao động khoảng 45.000 đến 50.000 đồng/kg. Để chế 1 lít tương ớt cần khoảng trên dưới 5kg ớt cộng thêm với các gia giảm khác. Vậy 30.000 đồng/lít lấy đâu ra 100% nguyên chất”.

Ngọc “vẩu” cười nói tiếp: “Đó là chiêu quảng cáo thôi. Nếu ông không tin, vài hôm nữa tôi sẽ bật mí cho ông về cách chế tương ớt 100% nguyên chất ớt”.

Đúng ngày hẹn, PV được Ngọc “vẩu” dẫn vào một cơ sở sản xuất tương ớt ở gần thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội. Đây là cơ sở mà Ngọc “vẩu” thường xuyên nhập hàng. Cam kết với Ngọc “vẩu”, tôi chỉ được quan sát, không hỏi han.

Tôi cùng Ngọc “vẩu” vào nhận hàng, gồm 5 can tương ớt được đóng vào loại can 10 lít và được “mục sở thị”. Khu xưởng chế biến tương ớt là căn bếp nhỏ phía sau nhà, diện tích chỉ chừng 50m2 được chủ sản xuất đặt trong đó vô số dụng cụ để hỗ trợ.

Khu sản xuất tương ớt Ngọc "vẩu" dẫn PV vào.

Quan sát nhanh, PV thấy trong bếp đặt 11 thùng phuy lớn ngâm ớt, ở giữa là một thùng tương ớt thành phẩm đặt trên bếp than củi, ngoài ra còn có rất nhiều loại can dầu ăn cũ loại 5 lít, 20 lít, cạnh góc tường đen thui vì khói than củi có một máy trộn. Đặc biệt có rất nhiều gói bột màu đỏ được gói trong những túi nilon nhỏ.

Theo tiết lộ của Ngọc “vẩu” thì để chế ra loại tương ớt này cần có những nguyên liệu như đậu tương, bột nghệ, bột đỏ tạo màu chất bảo quản, một số chất phụ gia. Những nguyên liệu này đều dễ dàng mua trên thị trường với số lượng lớn.

Khi có những nguyên liệu này rồi thì chỉ cần một số thiết bị xay, đấu trộn là có thể tiến hành làm tương ớt. Thường thì các chủ cơ sở sẽ ngâm ớt quả trong thùng phuy một thời gian rồi đem xay nát. Đậu tương sẽ được rang chín tới rồi đưa vào máy xay nghiền thành bột.

Sau đó, hai thành phần này sẽ được đấu trộn rồi đưa vào nồi nấu ở nhiệt độ rất nhỏ. Để làm tăng độ cay và màu sắc họ sẽ trộn bột nghệ, chất tạo màu, chất bảo quản và một số phụ gia khác vào trong nồi rồi quấy trộn.

“Chất lạ chế” tương ớt “xịn” có tên khoa học là... hóa chất

Đầu mối của Ngọc “vẩu” cho thấy không ít loại tương ớt trên thị trường hiện nay được chế biến với phương thức 100% nguyên chất như trên. Thực tế, các tuyến điều tra của chúng tôi ghi nhận thị trường đang nhiễu loạn các loại tương ớt với đủ loại mẫu mã, chủng loại và chúng hoàn toàn được đóng vào các can nhựa lớn với dung tích từ 2 đến 10 lít.

Theo khảo sát thực tế của PV tại các chợ như Thái Hà, Hoàng Văn Thái, Đồng Tâm, Nghĩa Tân... tương ớt không lai lịch dung tích 750ml, 1 lít, 2 lít được bày bán trong các sạp bán hàng khô, sạp bán rau củ quả với mức giá dao động từ 10.000- 25.000 đồng/can.

Tại những chợ đầu mối hay chợ lớn như chợ Phùng Khoang, chợ Hà Đông, chợ Xanh, hầu hết các quầy hàng bán đồ khô đều bày bán công khai các loại tương ớt không nhãn mác, xuất xứ trong can to. Khi có khách hỏi mua, tương ớt trong can lớn được sang chiết ra các chai nhỏ theo đúng số lượng khách yêu cầu.

Khách hỏi nguồn gốc, xuất xứ tương ớt, chủ hàng nói: “Chúng tôi lấy hàng từ mối quen nên tin tưởng về chất lượng sản phẩm. Còn nhãn mác, hàng này giá rẻ... dán nhãn vào thì đơn giản nhưng quản lý thị trường kiểm tra, biết là hàng giả thì lại gặp rắc rối”.

Một chủ cửa hàng bán gia vị tại chợ Sóc Sơn (TP.Hà Nội) cho hay: “Ở đây, những loại tương ớt có nhãn mác bán chậm lắm do giá cao. Loại tương ớt “cởi trần” này lại được rất nhiều chủ hàng ăn đặt mua. Cái quan trọng là khi khách hàng ăn cảm thấy cay là được”.

Vị chủ cửa hàng phân tích: Trên thị trường hiện nay có 2 loại tương ớt giá rẻ. Một là loại có màu đỏ nhạt chuyên dành cho các hàng bán đồ ăn có nước như quán phở, quán bún dọc mùng, quán bún riêu... Loại này giá dao động từ 40.000-45.000 đồng/can (5 lít).

Loại thứ hai có màu đỏ đậm hơn, thường được quảng cáo là tương ớt "xịn", ngâm 100% ớt có giá từ 65.000 đồng/can (5 lít). Loại “xịn” này được các quán bán thịt nướng, xúc xích, mực nướng... tìm mua. Khi PV hỏi, liệu có “xịn” 100% nguyên liệu ớt ngâm không thì vị này lắc đầu: “Em hỏi vậy, chị chịu. Chị chỉ nhập hàng bán chứ có trực tiếp sản xuất đâu”.

Để tìm ra “chất lạ” có khả năng tạo màu đỏ và tăng độ cay của loại tương ớt “truồng” này, Ngọc “vẩu” chia sẻ: “Thật ra trước đây trong giới “chế” tương ớt không biết tên gọi khoa học của chất này là gì, chỉ biết, nó có khả năng tạo màu đỏ như ớt kết hợp với một chất cay khác sẽ cho vị như tương ớt.

Sau này, khi một xưởng “chế” tương ớt cùng ở trong thị trấn bị phát hiện, cơ quan chức năng lấy mẫu và kết luận nó là một hóa chất công nghiệp có tên Rhodamine B. Còn chất tạo cay là loại chất hóa học không màu và không mùi mang tên Capsaicin.

Chính nồng độ của Capsaicin trong từng loại khác nhau sẽ tương ứng với các cường độ cay khác nhau của từng loại ớt. Capsaicin trong y khoa cũng được liệt kê vào loại độc dược. Họ cũng cảnh báo chất này gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không dùng gói bột này thì không thể chế ra loại tương ớt rẻ như vậy".

Chất hóa học bị cấm sử dụng tuyệt đối có trong tương ớt

TS.Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết tin tức: Rhodamine B vốn là chất nhuộm màu phát quang dùng trong phân tích phát hiện vi khuẩn và một số phân tích sinh hóa.

Vì có lượng độc tính cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên Rhodamine B đã được các tổ chức khoa học trên thế giới ra quyết định cấm tuyệt đối việc sử dụng chúng trong sản xuất thực phẩm và dược phẩm.

Bà Nguyễn Thị Viện, chuyên gia dinh dưỡng, viện Dinh dưỡng cảnh báo: Các chất phụ gia, tạo màu này sử dụng trong tương ớt giá rẻ có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm cho người sử dụng. Nó được tích tụ lại sẽ gây ung thư, hại gan thận.

Ngoài ra, tương ớt thường xuyên được bày bán trên đường phố kèm với nhiều loại thức ăn khác có thể bị tiêu chảy, bệnh tả, thương hàn, nhiễm giun, ngộ độc thực phẩm do không đảm bảo vệ sinh.

Kỳ 2: Những mánh lới đấu trộn vi chất trong nước mắm, bột nêm đánh “bẫy” người tiêu dùng

Theo Vi Hậu (NĐT)