Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 ở TP.HCM đã qua 4 - 5 vòng lây nhiễm, sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mắc

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dự báo TP.HCM sẽ còn xuất hiện thêm nhiều ca bệnh ở các quận huyện, tòa nhà cao ốc, văn phòng, công ty, khu công nghiệp.

Sáng 1/6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và đại diện của nhiều bộ, ngành.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố xuất hiện ổ dịch liên quan đếm điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng với mức độ lây nhiễm phức tạp. Chỉ trong 6 ngày, Thành phố đã ghi nhận 211 ca bệnh, đã xét nghiệm mở rộng hơn 181.000 mẫu để giám sát trong cộng đồng.

Điểm nhóm Hội thánh Phục Hưng đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm

Bộ trưởng Bộ Y tế Long cho biết, điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất so với các ổ dịch khác. Trường hợp đầu tiên có biểu hiện là ngày 13/5 nhưng phải đến 14 ngày sau mới được phát hiện. Chu kỳ lây nhiễm nhanh, khả năng phát tán mầm bệnh chỉ từ 2-3 ngày, do đó khi phát hiện đã chậm 4,5 chu kỳ lây nhiễm. Có thể TP.HCM đã xuất hiện ổ dịch mới không rõ nguồn lây mà chúng ta chưa phát hiện được.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dự báo TP.HCM sẽ còn xuất hiện thêm nhiều ca bệnh ở các quận huyện, tòa nhà cao ốc, văn phòng, công ty, khu công nghiệp. Do đó, TP.HCM cần phải làm quyết liệt hơn nữa bởi không quyết liệt thì tình trạng sẽ ngày càng phức tạp.

bo-truong-bo-y-te-dich-covid-19-o-tp-hcm-da-qua-4-5-vong-lay-nhiem-se-xuat-hien-them-nhieu-ca-mac

Từ trái qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long tham dự cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM sáng 1/6. Ảnh: TTBC

Nguy cơ lây nhiễm ở khu công nghiệp là rất lớn

Cũng theo Bộ trưởng, nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh vào khu công nghiệp rất lớn nên phải đặc biệt quan tâm. TP.HCM phải tập trung cao độ bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt phòng chống lây nhiễm tại khu vực này.

Đối với khu công nghiệp làm sao phải quản lý được toàn bộ công nhân, phải tạo ra được 1 chuỗi an toàn để tránh lây nhiễm như tại tỉnh Bắc Giang. Theo đó, cần tăng cường quản lý công nhân, thực hiện giãn cách. Thực tế cho thấy, các khu nhà ở công nhân hiện nay đa số khá chật hẹp, nếu lây lan dịch bệnh tại các khu vực này sẽ để lại hậu quả lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đợt dịch này khác các lần trước vì virus lây theo cấp số nhân chứ không lây theo chuỗi. Như 40 F1 đã lây 200 người có nghĩa là 1x5. Thành phố phải làm mạnh hơn Chỉ thị 16 ở các nơi khác nữa, truy vết triệt để hơn, vì đã trải qua 4-5 vòng lây nhiễm.

"Huy động toàn bộ lực lượng công an, nhân viên y tế để truy vết triệt để, càng sớm bao nhiêu càng đỡ gánh nặng bấy nhiêu" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

TP.HCM hiện có 1,6 triệu công nhân nếu không kiểm soát tốt sẽ rất nguy hiểm, nếu không đủ tiêu chí an toàn thì phải ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp nên có giãn cách trong sản xuất, kiểm soát quản lý công nhân từ nhà trọ đến công ty và cả quá trình di chuyển nhằm đảm bảo an toàn. Cần tập huấn cho công nhân tự làm bằng test nhanh chứ không nên quá lạm dụng PCR.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Thành phố chỉ đạo tất cả quận huyện kiểm tra giám sát nếu không đảm bảo tiêu chí an toàn thì phải dừng sản xuất. Đề nghị thành phố cho phép áp dụng thí điểm xét nghiệm tại các nhà thuốc bằng test nhanh.

"Kháng nguyên nhanh rất dễ làm, sẽ giúp tăng tốc độ xét nghiệm, chứ hiện nay 50 nghìn mẫu 1 ngày là chậm, thành phố phải nhanh hơn nữa trong vấn đề xét nghiệm" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về vấn đề điều trị, TP.HCM có kịch bản là 5000 giường, nhưng theo Bộ trưởng cần phải điều chỉnh số lượng lớn hơn với kịch bản cao hơn. TP.HCM đã bỏ qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên phải làm nhanh, quyết liệt hơn. Hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị 200 giường bệnh ICU (điều trị Hồi sức tích cực) điều trị COVID-19.

Về vấn đề vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết TP.HCM có đề xuất thêm số lượng vaccine. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại của Việt Nam không phải là kinh phí mà là về số lượng. Thành phố đã có văn bản đề nghị nhập khẩu vaccine. Bộ Y tế đã có phản hồi và đảm bảo có lượng vaccine lớn nhất cho TP.HCM.

Kim Vân

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

Mở rộng tầm soát KCN ở TP.HCM, tránh sót ca bệnh liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, một số ổ dịch là cơ sở lao động và nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.

Báo cáo tại buổi làm việc trực tuyến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với TP.HCM trong sáng nay (1/6), ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, từ 18h tối qua đến 6 giờ sáng nay, TP.HCM ghi nhận thêm 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
 
Như vậy 1 tuần qua, Thành phố đã ghi nhận 211 ca bệnh từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Thành phố đã xét nghiệm mở rộng hơn 181.000 mẫu để giám sát trong cộng đồng. 

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 26/5, TP.HCM phát hện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua khám sàng lọc và xét nghiệm kiểm tra tại 1 bệnh viện. Qua điều tra dịch tễ xác định cả 3 bệnh nhân đều là thành viên của 1 tổ chức tôn giáo có tên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. 

Theo thông tin truy vết, 1 bệnh nhân từng di chuyển ra Hà Nội (vợ của mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng) ngày 23-29/4, có triệu chứng từ ngày 13/5. Đến ngày 16/5, Hội thánh có tổ chức buổi họp các thành viên.

mo-rong-tam-soat-kcn-o-tp-hcm-tranh-sot-ca-benh-lien-quan-den-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sáng 1/6 (ảnh chụp màn hình buổi họp trực tuyến tại TTBC TP.HCM)

Có tổng cộng 20/22 địa phương có ca bệnh cư trú trên địa bàn liên quan chuỗi lây nhiễm này, ngoại trừ Quận 11 và huyện Cần Giờ. Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh là Gò Vấp (52 ca); Quận 12 (23 ca); Quận Bình Thạnh (22 ca); Quận Tân Phú (22 ca); Quận Tân Bình (22 ca).

Các quận này thuộc nhóm địa phương có dân số và mật độ dân số cao của thành phố, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để. Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan đến Hội thánh đều thuộc biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.

Liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ Hội thánh, TP.HCM đã truy vết, lấy mẫu 3.028 trường hợp F1, trong đó đã có 2.557 mẫu âm tính, 471 chờ kết quả. Thành phố cũng lấy mẫu xét nghiệm cho 15.206 trường hợp F2 và xét nghiệm mở rộng 181.004 người, 67.619 mẫu âm tính, 128.591 đang chờ kết quả. 

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, một số ổ dịch là cơ sở lao động, có nhiều ca bệnh phát sinh từ người trực tiếp sinh hoạt trong Hội thánh như Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN ở đường Hoàng Việt, quận Tân Bình 34 ca, Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, Tân Phú 9 ca, mầm non Kid Town ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 có 6 ca…

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Hội thánh có 55 người trực tiếp sinh hoạt thì đến nay đã có 40 người mắc COVID-19, từ đó lây lan ra thêm cho 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè.

Ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.

Thành phố đã huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (20.000 mẫu gộp). Những ngày qua, trung bình 50.000 người được thực hiện xét nghiệm mỗi ngày (10.000 mẫu gộp/ngày).

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong tình hình dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng thì việc tăng cường mở rộng xét nghiệm tầm soát rất quan trọng. Hiện nay Bộ Y tế đã cho phép test nhanh nhưng không thể chủ quan vì mức độ nhạy của việc xét nghiệm này, ngành y tế phải có sự đánh giá lại để kiểm soát chặt chẽ hơn.

"Trường hợp cần thiết chúng ta phải làm PCR lại, như ở các khu công nghiệp chẳng hạn. Các trưởng khu, các chủ doanh nghiệp lo ngại sẽ làm trước nhưng chúng tôi sẽ mở rộng tầm soát ở các khu công nghiệp này, tránh trường hợp để sót ca bệnh, sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Kim Vân

Theo GiaDinh