Bị phạt vì 'chê' Chủ tịch trên Facebook: Coi chừng tạo tiền lệ xấu

"Áp dụng văn bản pháp luật phải tường minh, rõ ràng chứ không nên dựa vào một quy định chung chung để xử phạt. Nếu không sẽ dễ tạo ra tiền lệ xấu", luật sư Đỗ Hữu Đĩnh nhận định.

Mấy ngày qua, câu chuyện một giáo viên ở Hà Giang bị kỷ luật và xử phạt hành chính vì có hành động lên Facebook cá nhân “chê” khuôn mặt Chủ tịch tỉnh này đang gây xôn xao dư luận. Rất nhiều các ý kiến pháp lý khác nhau được bày tỏ.

Có người thì cho rằng việc xử phạt đó là đúng, cần phải răn đe người “nói xấu” người khác cho dù là trên mạng xã hội. Nhưng không ít ý kiến e ngại việc xử phạt này liệu đã đúng pháp luật chưa khi mà người bày tỏ quan điểm trên Facebook chỉ thể hiện sự yêu, ghét đơn thuần.

   Bị phạt vì 'chê' Chủ tịch trên Facebook: Coi chừng tạo tiền lệ xấu

Việc xử phạt người nói xấu trên Facebook nếu không có căn cứ cụ thể, chính xác có thể tạo tiền lệ xấu (ảnh minh họa).

Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin về vụ việc luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, giám đốc công ty luật TNHH Việt Kim, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận xét: Cần phải cân nhắc kỹ việc xử phạt những phát ngôn của người này và người kia trên Facebook. Đã là quan điểm cá nhân thì phải tôn trọng nếu như nó không xúc phạm đến ai và không hạ uy tín của ai.

Ở đây phải hiểu thế nào là nói xấu, không thể thấy một người khen đẹp, chê không hay là nói xấu được. Cái đó là nhận thực về mặt thẩm mỹ của từng người. Ngay cả những người nổi tiếng nhất cũng còn không tránh khỏi sự yêu, ghét thường tình.

Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh cho rằng: “Nếu không chỉ ra căn cứ cụ thể, chính xác trong việc xử phạt thì sẽ dễ tạo ra tiền lệ xấu. Áp dụng văn bản pháp luật phải tường minh, rõ ràng chứ không nên dựa vào một quy định chung chung để xử phạt.”

Trong khi đó, cũng trả lời báo Người đưa tin, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng: "Rõ ràng là việc xử phạt vừa qua ở An Giang đã tạo ra một tiền lệ. Đó là một phần của quyền tự do ngôn luận của con người. Cách xử phạt này như đánh đòn mạnh vào quyết tâm xây dựng một xã hội dân chủ. Nếu cứ “bịt miệng” không cho người ta phát biểu thì sẽ khó thể có góc nhìn đa chiều về một vấn đề, một sự việc"

Cũng theo luật sư Hồng Thái: "Dường như đã có sự áp dụng văn bản pháp luật một cách tùy tiện. Rõ ràng cách giải quyết có vấn đề nên mới khiến dư luận gợn sóng".

Trước đó, UBND tỉnh An Giang có Công văn đề nghị thông tin kết quả xử lý, chấn chỉnh 3 cán bộ, đảng viên lợi dụng việc sử dụng facebook để xúc phạm lãnh đạo tỉnh.

Cụ thể, bà Lê Thị Thùy T., giáo viên Trường THPT Long Xuyên, TP. Long Xuyên (An Giang) và ông Huỳnh Nguyễn Huy P., nhân viên Điện lực An Giang bị phạt mỗi người 5 triệu đồng. Riêng bà Phan Thị Kim N., Phó Văn phòng Sở Công thương An Giang do không trực tiếp vi phạm nên chỉ bị nhắc nhở. Ngoài bị xử phạt hành chính, 3 cán bộ trên còn bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.

Được biết, vào khoảng tháng 10/2015, bà T. xem báo thấy nội dung “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang” nên đăng tải trên trang cá nhân facebook và bình luận, chê… gương mặt ông chủ tịch tỉnh này. Tiếp đó, ông P. và bà N. (sử dụng tài khoản facebook của chồng mình - PV) cũng vào bình luận.

"Việc một ai đó đăng tải, chia sẻ các thông tin trên trang mạng cá nhân với nội dung phù hợp và mục đích đúng đắn được pháp luật cho phép và bảo vệ.

Như vậy, trong trường hợp này, cần làm rõ nội dung chia sẻ thông tin của cô giáo Trang trên cơ sở các điều kiện nêu trên để xác định hành vi có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

Thứ nhất, thông tin liên quan đến Chủ tịch tỉnh An Giang là công khai, đã được công bố trên các phương tiệnbáo chí, truyền thông và có cơ sở. Hơn nữa, trang Facebook là trang mạng xã hội, việc chia sẻ, ý kiến về các thông tin đã được công khai không bị pháp luật cấm nếu nó phù hợp với đạo đức, thuần phong mĩ tục.

Thứ hai, nội dung ý kiến chia sẻ không có từ ngữ nào thể hiện việc chị Trang xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác mà chỉ thể hiện tâm trạng của cá nhân về việc yêu hoặc ghét ai đó. Mặt khác, nội dung ý kiến chia sẻ cũng không có thông tin về chủ thể bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm là ai.

Thứ ba, chị Trang có mục đích, cố ý xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của Chủ tịch tỉnh hay không cũng cần phải làm rõ, nếu chỉ đơn thuần là chia sẻ mang tính trào lưu, thích thể hiện quan điểm, trạng thái tâm lý của cá nhân thì cũng không có cơ sở xử phạt chị Trang về hành vi đã nêu”.

“Trường hợp, nếu không đồng ý với Quyết định xử phạt, Chị Trang và một số cá nhân có quyền khiếu nại và/ hoặc khởi kiện Quyết định đó ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết”

Luật sư Nguyễn Văn Thành, giám đốc Công ty Luật Huy Thành - ĐoànLuật sư thành phố Hà Nội.

Theo Hằng Nguyễn - Nhất Phiến(NDT)