Vụ "Con Cưng cắt tem nhãn gắn mác ngoại": Khách hàng tuyên bố sẽ kiện ra tòa

Ông Trương Đình Công Vĩnh (phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), cho biết không chấp nhận xin lỗi của công ty Con Cưng mà sẽ kiện ra tòa, vì công ty có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Ngày 25/7, trao đổi với báo chí, ông Trương Đình Công Vĩnh (phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), người mua hàng với tổng giá trị hóa đơn là gần 1,5 triệu đồng và tố thương hiệu Con Cưng cắt tem nhãn, thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là "Made in Thailand" cho biết không chấp nhận xin lỗi của doanh nghiệp (DN) này mà sẽ kiện ra tòa, vì công ty có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Vụ

“Hiện nay, hồ sơ vụ việc tôi đã gửi đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương). Tôi đang chờ kết quả trả lời từ đơn vị này, để quyết định kiện Con Cưng ra tòa. 

Tôi không quan tâm đến vấn đề bồi thường, điều mà tôi quan tâm là chất lượng về sản phẩm của Công ty Cổ phần Con Cưng. Cần phải làm rõ nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm mà Con Cưng đã nhập về và bán cho người tiêu dùng Việt Nam.

Quy trình kiểm tra sản phẩm của doanh nghiệp này thực sự có được thực hiện chặt chẽ hay không? Sản phẩm đã thật sự hoàn thiện hay chưa khi đưa ra thị trường”, ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh cho rằng, không thể chấp nhận một doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và hệ thống siêu thị rộng khắp như Con Cưng lừa dối khách hàng.

Hơn nữa, khách hàng bỏ tiền mua hàng, chấp nhận giá bán cao thì phải được nhận về món hàng đúng giá trị. Đây cũng chính là niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu của doanh nghiệp, không thể đánh lừa.

"Không chỉ bộ đồ tôi mua trước đó bị thay nhã mác, mà kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tại các cửa hàng Con Cưng ở TP Hồ Chí Minh còn phát hiện nhiều sai phạm khác, như không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Tôi bỏ tiền mua sắm cho con đầu lòng, bao nhiêu yêu thương dành cho con mà lại bị doanh nghiệp lừa dối thì không thể chấp nhận được. Nếu là một mặt hàng tiêu dùng thông thường thì đã khác, đằng này là các mặt hàng chăm sóc sức khỏe mẹ bầu và em bé thì phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng", ông Vinh nói.

Ông Vĩnh cũng cho rằng, khiếu nại của ông đến Con Cưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông chưa được cung cấp các chứng từ hợp pháp xuất xứ và chất lượng sản phẩm ông mua, cũng như nhiều mặt hàng khác bán tại cửa hàng Con Cưng. 

Doanh nghiệp còn gửi kèm hình ảnh các chứng nhận sản phẩm được cấp bởi Sở Ngoại thương (Department of Foreign Trade) trực thuộc Bộ Thương mại (Ministry of Commerce) Thái Lan. 

Tuy nhiên, theo Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh Con Cưng đã có uy tín với người dùng Việt Nam, nhưng khi đã có sự việc này xảy ra thì niềm tin NTD không còn giữ nguyên như trước nữa. Do đó đây là thất bại của nhãn hàng Con Cưng.

“Con Cưng cho rằng đây là lỗi của nhà sản xuất mà họ không biết, và thu hồi những sản phẩm đã bán. Tôi cho rằng đây là hành động mà người tiêu dùng (NTD) không chấp nhận và không tin vào những gì họ biện minh.

Nếu đây là doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì theo tôi, họ phải công bố sự thật về sản phẩm, công khai thông tin cho NTD biết được sản phẩm đó nguyên liệu xuất xứ từ đâu, sự thật về việc có chuyện cắt nhãn để thay nhãn khác hay không. Trường hợp Con Cưng cứ cố tình cho rằng đây là lỗi của nhà sản xuất thì họ phải có động thái minh bạch, tức là phải làm việc với nhà sản xuất của Thái Lan. Truy vấn nhà sản xuất về việc thay tem nhãn này. Còn cứ mập mờ như hiện nay thì chẳng khác gì “tự giết mình” khi bị NTD quay lưng” – nữ luật gia nêu quan điểm.

Về việc hàng hóa có tình trạng “nhãn chồng nhãn” – bà Thu chia sẻ, rõ ràng nhà sản xuất không thể đổ lỗi cho ai được hết. Chỉ riêng việc này cũng khiến NTD cảnh giác. Chưa tính đến việc những thương hiệu này có uy tín hay không, vì lý do gì mà họ dán thương hiệu này chồng lên thương hiệu khác… thì việc dán tem nhãn như vậy cũng không đúng quy định về tem nhãn, xuất xứ hàng hóa. Sự việc này thì không thể biện minh vì lý do gì được hết.

"Đã đến lúc các cơ quan nhà nước phải có biện pháp răn đe đủ mạnh, bởi đây không phải là trường hợp hiếm hoi mà đã tình trạng như trường hợp DN trên đã xảy ra nhiều rồi. Và còn bao nhiêu DN như vậy nữa mà mình chưa phát hiện. Do đó Nhà nước cần phải có biện pháp thật nghiêm, để tránh những trường hợp tương tự. Việc làm ăn gian dối như vậy không chỉ gây thiệt hại đối với NTD, mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia. Đừng để các nước nhìn vào và tưởng rằng Việt Nam chỉ toàn hàng giả” - bà Việt Thu thẳng thắn.

Trước đó, công ty CP Con Cưng (Con Cưng) bị khách hàng nghi ngờ sản phẩm mua về bị cửa hàng này cắt và thay thế tem nhãn. Ngay sau đó, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra hàng loạt cửa hàng Con Cưng  trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Hùng, Tổ trưởng tổ công tác 334, cho biết qua kiểm tra ban đầu nhận thấy có dấu hiệu vi phạm về quy định ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay quản lý thị trường tiếp tục làm rõ nếu phát hiện vi phạm sẽ báo cáo và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trả lời cho nhân dân dư luận về những vấn đề báo chí nêu vừa qua, không để dư luận bức xúc. 

Theo TieuDung24h