Từ việc một phụ nữ bị bỏng nặng vì xóa xăm, hãi hùng những biến chứng nguy hiểm khi thực hiện thủ thuật này

Các bác sĩ đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện vì các biến chứng do xăm, xóa xăm gây ra. Trong đó, chủ yếu là các vấn đề nhiễm trùng, viêm loét da, dị ứng… thậm chí là tử vong sau khi thực hiện các thủ thuật trên.

Nhiều biến chứng nguy hiểm khi xăm, xóa xăm

Mới đây, chị Đ.T.Q (quê Thanh Hóa) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng bị bỏng nặng vùng cẳng chân trái, chảy dịch, loét rộng và sâu lộ gân cơ đau nhiều sưng phù cẳng chân, bàn chân, sưng lan lên đùi.

Được biết, gần một tuần trước đó, chị Q có đến một thẩm mỹ viện tư nhân để xóa hình xăm bằng laser ở cẳng chân trái. Trong quá trình xóa xăm, chị Q bị bỏng laser. Hôm sau vết thương bị phồng rát. Chị Q quay lại thẩm mỹ viện thì được nhân viên cho dùng kháng sinh và bôi thuốc tetracycline, tuy nhiên, tình trạng ngày càng nặng.

tu-viec-mot-phu-nu-bi-bong-nang-vi-xoa-xam-hai-hung-nhung-bien-chung-nguy-hiem-khi-thuc-hien-thu-thuat-nay

Bệnh nhân bị bỏng nặng sau khi xóa hình xăm. Ảnh: TL

Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết, vùng cẳng chân bệnh nhân đã có những vùng hoại tử, da thâm đen, loét chảy dịch lẫn máu. Nếu không vào viện điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ hoại tử nặng có thể lan sau gây viêm xương cẳng chân và ảnh hưởng chức năng vận động và thẩm mỹ vùng cẳng chân.

Trên thực tế, trường hợp của chị Q không phải là hiếm. Trước đó, đã có nhiều người gặp các biến chứng liên quan đến việc xăm và xóa xăm trên cơ thể. Đáng chú ý nhất là trường hợp một cô gái 21 tuổi, người Thái Lan đã bị nhiễm trùng nặng, chảy mủ, bong tróc hết da và để lại vết sẹo lồi rất lớn ở vùng ngực sau khi tự xóa hình xăm bằng thuốc.

Hoặc trường hợp của một nam thanh niên trẻ sống tại TP HCM đăng tải những hình ảnh về quá trình xóa xăm một cách đau đớn lên mạng xã hội Facebook vào giữa năm 2017 đã khiến nhiều người rùng mình.

Hay tại BV Da liễu Trung ương, các bác sĩ cũng đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện vì các biến chứng do xăm, xóa xăm gây ra. Trong đó, chủ yếu là các vấn đề viêm loét da, dị ứng, chảy máu sau khi thực hiện các thủ thuật trên.

Điều đáng nói, đa phần bệnh nhân nhập viện do thực hiện xăm, xóa xăm tại các cơ sở tư nhân, thẩm mỹ viện không đảm bảo an toàn, chưa được cấp phép dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trên.

Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Laser và săn sóc da (BV Da liễu Trung ương) xăm hình tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó, hay gặp nhất là khiến người xăm bị nhiễm trùng nếu thực hiện ở trong môi trường không được vô trùng. Bên cạnh đó, người xăm hình cũng có thể gặp tình trạng viêm mủ trên da, bị lây các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV trong trường hợp dùng chung dụng cụ xăm với người bị bệnh.

tu-viec-mot-phu-nu-bi-bong-nang-vi-xoa-xam-hai-hung-nhung-bien-chung-nguy-hiem-khi-thuc-hien-thu-thuat-nay

Hình ảnh vết sẹo lồi đáng sợ của cô gái người Thái Lan do tự xóa xăm. Ảnh: Internet

BS Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, người dùng cũng có thể bị dị ứng khi xăm. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra chậm như viêm da tiếp xúc, tạo u hạt. Còn các phản ứng xảy ra nhanh như phản ứng ngoài da nổi ban đỏ, ngứa mày đay, khó thở, các triệu chứng về tiêu hoá, tai biến, hôn mê. Đặc biệt đáng sợ nhất là sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Đặc biệt, một số bộ phận nhạy cảm như mí mắt, núm vú và gần “vùng kín” rất dễ bị nhiễm trùng khi xăm, khó vệ sinh sạch sẽ được, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Còn đối với thủ thuật xóa xăm, khả nặng bị nhiễm trùng, để lại sẹo suốt đời là rất lớn, nhất là đối với những hình xăm lớn, đậm màu. Có nhiều trường hợp, dù tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian và phải chịu nhiều đau đớn để xóa xăm nhưng cũng không thể xóa sạch được hình xăm do đã ngấm sâu vào da. Bệnh nhân phải sống chung với hình xăm loang lổ đó suốt đời.

Lưu ý khi xăm, xóa xăm

Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi quyết định xăm hình, người dùng nên suy nghĩ cẩn thận, đồng thời chọn những cơ sở có giấy phép, bác sĩ có kinh nghiệm để tiến hành xăm. Trước khi xăm, nên thử phản ứng với mực xăm, nếu bị dị ứng, nên dừng ngay việc xăm để tránh gây hại cho cơ thể.

Một số người không nên xăm hình như: phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú, trẻ nhỏ, những người có cơ địa dị ứng với thuốc, những người hay bị viêm da, gặp các vấn đề về da…

Trong trường hợp muốn xóa hình xăm, người dùng nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để được tư vấn và lựa chọn phương pháp xóa xăm phù hợp. Hiện nay, dùng tia laser để xóa xăm được nhiều người lựa chọn. Tùy từng hình xăm, mực xăm, nhân viên y tế sẽ lựa chọn tia laser phù hợp.

Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ da cũng là một cách được dùng để xóa bỏ vết xăm. Tuy nhiên, phương pháp này rất nguy hiểm đòi hỏi phải có sự tham gia của y khoa để đảm bảo an toàn cho người xăm.

Theo các bác sĩ, chi phí xóa xăm khá lớn nên thay vì đến các cơ sở y tế, thẩm mỹ để xóa xăm, nhiều người đã tự ý dùng các phương pháp “thủ công” để xóa gây ra nhiều biến chứng đáng tiếc. Chẳng hạn, nhiều người đã tự làm trầy xước da vùng xăm, sau đó bôi muối, xà phòng, thuốc tẩy, thậm chí dùng axit để mong hình xăm “bay màu”. Những phương pháp này làm da bị tổn thương trầm trọng, vết thương ngấm sâu, khó có thể phục hồi hoàn toàn hoặc có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm khác với sức khỏe.

Theo GiaDinh