Rét đậm đột quỵ tăng hơn gấp 10 lần: Tăng nguy cơ tử vong vì uống "thần dược" chống đột quỵ

Một số bệnh nhân không được đưa đi cấp cứu kịp thời đã bỏ lỡ “thời gian vàng” để điều trị đột quỵ. Hoặc nhiều trường hợp người nhà tự xử lý để cứu người thân bị đột quỵ nhưng tình trạng ngày càng nặng thêm.

Gia tăng bệnh nhân đột quỵ khi thời tiết chuyển lạnh

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, sự thay đổi thời tiết thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu cơ thể con người không kịp thích nghi. Đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh, nếu hệ thống mạch máu của cơ thể không khỏe mạnh, bền bỉ thì nguy cơ đột quỵ sẽ gia tăng.

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thời tiết thay đổi đột ngột là yếu tố thuận lợi để bộc lộ những mầm bệnh, nguy cơ đã có trong mỗi cá thể có từ trước. Bởi thời tiết đang mát chuyển nóng, hoặc nóng chuyển sang lạnh dễ làm cho sự thay đổi trong cơ thể không thích nghi kịp.

Nếu như mạch máu đã bị chít hẹp bởi những mảng vữa xơ, cục huyết khối rồi nay lại bị chít hẹp hơn do gặp lạnh co thắt lại làm những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và ôxy. Từ đó dẫn tới đột quỵ.

ret-dam-dot-quy-tang-hon-gap-10-lan-tang-nguy-co-tu-vong-vi-uong-than-duoc-chong-dot-quy

Theo các chuyên gia, không lạm dụng An cung ngưu hoàng hoàn để chữa đột quỵ. Ảnh minh họa

Thực tế, trong những ngày rét đậm vừa qua, theo thống kê, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận gần 40 trường hợp bị đột quỵ, tăng hơn 10 lần so với bình thường (trước đó, mỗi ngày chỉ tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân đột quỵ).

Tử vong vì uống "thần dược" phòng đột quỵ

Theo các bác sĩ, những biểu hiện thường gặp ở người đột quỵ là méo miệng, tê bì, yếu liệt chân tay, nói khó… Do đó, khi thấy một người các dấu hiệu như trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời, thường khoảng 3 tiếng sau khi có biểu hiện đột quỵ. Tuy nhiên, thay vì đưa người bệnh đi cấp cứu, nhiều trường hợp người nhà tự xử lý để “cứu” người thân bị đột quỵ khiến tình trạng ngày càng nặng thêm.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, người Việt có thói quen khi thấy người thân trong gia đình nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ thường cho uống ngay viên An cung ngưu hoàng hoàn. Đây là hành động gây nguy hiểm cho người bệnh. Bởi bệnh nhân bị đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt. Việc uống nước còn khó đối với bệnh nhân chứ chưa kể đến việc nuốt viên thuốc, có thể gây sặc và viên thuốc sẽ trở thành dị vật đường thở.

Trước đó, đã có nhiều trường hợp mất mạng vì lạm dụng viên An cung để điều trị đột quỵ. Như trường hợp của chị N.T.S (Cầu Giấy, Hà Nội) bị tai biến méo miệng và liệt nhẹ bên người, sẵn có hộp “thần dược” An cung ngưu hoàng hoàn dự phòng, gia đình lấy cho chị uống. Nhưng uống đến viên thứ 3 mà bệnh vẫn không tiến triển, có phần xấu đi. Khi thấy nguy kịch đến tính mạng, người nhà vội đưa đi cấp cứu, dù được thở máy, phẫu thuật nhưng chị đã tử vong do nhập viện quá muộn.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, An cung ngưu hoàng hoàn không phải thuốc phòng đột quỵ, người dân không nên tùy tiện sử dụng. An cung ngưu hoàng hoàn chống chỉ định cho các trường hợp tai biến mạch máu não, viêm não thể thoái chứng và thể chảy máu vào não thất của tai biến mạch máu não, người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai, người suy giảm chức năng gan, thận.

Ngay cả với người bệnh nhồi máu não nếu dùng tùy tiện cũng có nguy cơ chảy máu bên trong vùng nhồi máu. Ở bệnh nhân xuyết huyết có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng nề thêm.

Theo BS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), An cung ngưu hoàng hoàn là một trong những loại thuốc rất quý của y học cổ truyền. Tuy nhiên, đây là loại thuốc bệnh của Đông y có sức công phá mãnh liệt chứ hoàn toàn không phải dược phẩm có công dụng bồi bổ như nhiều người lầm tưởng. Vậy nên, khi dùng nhất thiết phải được các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và hướng dẫn tỉ mỉ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hậu quả sẽ khó lường.

Chưa kể đến việc, hiện nay, ở nước ta, An cung ngưu hoàng hoàn được bán tràn lan trên thị trường với nhiều loại và giá cả khác nhau nhưng chất lượng không được kiểm soát. Do đó, mọi người không nên nghe lời đồn thổi sử dụng bừa bãi thuốc này khi không có chỉ định để tránh hậu quả nặng nề.

Nhóm đối tượng nguy cơ cao bị đột quỵ

- Những người mắc bệnh tim mạch cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là ở bệnh nhân mắc bệnh van tim hoặc bệnh van tim kèm theo loạn nhịp.

- Người có tiền sử tăng huyết áp dễ vỡ mạch não, cần kiểm soát chặt trị số huyết áp của người bệnh, đảm bảo dùng đúng và đủ thuốc huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Người bị rối loạn lipid máu, có nguy cơ vữa xơ động mạch, tạo mảng vữa cơ trôi theo dòng máu giống như huyết khối lên não gây tắc mạch máu não.

- Những người hút thuốc lá, uống bia rượu, dùng chất cấm dễ tổn thương lòng mạch, là nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Theo các chuyên gia, biện pháp tốt nhất để dự phòng đột quỵ theo khoa học chính là loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì... bằng các chế độ ăn uống, luyện tập để duy trì cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ bệnh.

Theo GiaDinh