Nguyên nhân bệnh vô sinh của vua Tự Đức không chữa được

Là vị vua bất hạnh nhất triều Nguyễn, để có người nối dõi, Tự Đức đã dùng mọi cách chữa vô sinh nhưng kết cục vẫn tuyệt tự.

Căn nguyên hoàng đế…vô sinh

Tự Đức thể trạng yếu đuối, từ nhỏ mắc bệnh đậu mùa nên rất kém về đường sinh lý. Bản thân vua cũng thừa nhận về tình trạng sức khỏe của mình trong bài Khiêm cung ký: “Ta bẩm sinh bạc nhược, lúc mới ra đời thì mẹ ta lâm bệnh, đau đến hàng tháng mới lành, vú nuôi của ta không được cẩn thận, sạch sẽ. Mặc dù mẹ ta la quở, tính vẫn không chừa. Người sợ ta hôn ám nên năm lên ba, liền dứt ngay, không cho bú nữa và tự ẵm bồng nuôi nấy. Từ đấy, ta ốm đau dai dẳng, nhiều phen lâm nguy, mẹ ta mai tối ôm ấp, hết sức cực nhọc”.


Vua Tự Đức (Tranh minh họa)

Tự Đức lấy vợ khá sớm, năm Nhâm Dần (1442) ông “được phong công tước, xuất phủ và cưới vợ. Chính là năm mà ta chuyên chú vào việc học, cũng năm đó ta được 15 tuổi”. Sau này ông còn lấy thêm nhiều thê thiếp khác, thế nhưng những người vợ này đều không sinh hạ được một mụn con nào.

Sức khỏe, chuyện con cái là điều Tự Đức giãi bày nhiều tâm tư trong bài bia ký của mình. Có đoạn ông cho biết khi làm vua, nhiều chuyện đại sự mà bản thân “lại thêm ngày một quá ốm yếu. Rồi bỗng nhiên lâm bệnh nguy kịch cơ hồ chết đi sống lại. Từ đó, mắt hoa đầu váng, chân yếu, bụng trệ, các hư chứng nổi lên, không thể thân hành tế tự và siêng năng việc triều chính được. Và cũng do đó mà ta mang lỗi và bị người chỉ trích”. Ông kể tiếp: “Ta thân thể thường ốm, khí huyết suy nhược, đang lúc tuổi trẻ vô sự mà việc nối dõi tự thấy thật khó khăn, không an ủi được nổi lòng mong mỏi của cha mẹ, thật lấy làm thẹn.”.

Có bệnh thì vái tứ phương

Có vợ từ sớm nhưng lại không có con, câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, không có con nối dõi là điều lớn nhất là chuyện cứ ám ảnh Tự Đức. Dù biết về tình trạng bệnh tật, sức khỏe của mình, vua vẫn hi vọng vào các thái y ở Thái y viện sẽ chữa được bệnh vô sinh.

Các ngự y đã nghiên cứu ra 2 toa thuốc nổi tiếng là “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” và “nhất dạ lục giao sinh tứ tử” gồm 20 – 25 vị thuốc đặc biệt, có tác dụng đại bổ nguyên khí, tăng cường sinh lực,…; dân gian quen gọi là “Minh Mạng thang”. Tương truyền nhờ đó mà vua Minh Mạng có sinh lực dồi dào, hưởng nhiều thú vui tình ái, sinh con đông đảo tới 142 người.

Những tưởng đạt ý nguyện khi sử dụng toa thuốc bí truyền kỳ diệu từ ông nội, nhưng Tự Đức vô cùng thất vọng vì nó không công hiệu bởi vua mắc chứng nan y, dường như đã dứt đường sinh dục. Thuốc cung đình không xong, các Thái y lại dốc sức tìm tòi, lập các phương thang mang tính đặc trị khác như “Khởi dương thang”, “Hà linh vạn thọ đơn”, “Diên niên ích thọ bất lão đơn”… Và khi mà thuốc ta không được như ý, nhà vua đã dùng cả đến thuốc ngoại, theo gợi ý của các thái y, Tự Đức sử dụng đến “Ích thọ vĩnh chân cao” của Thái y viện nước Triều Tiên. Rốt cục vẫn không có kết quả.


Thái y viện (Tranh minh họa)

Chốn cung đình không làm được việc như mong muốn, Tự Đức lại hi vọng trong dân gian có những bậc danh y tài ba, theo Đại Nam thực lục chính biên, năm Bính Tý (1876) vua ra chỉ dụ: “Nay, không cứ quan lại, sĩ thứ, xa gần trai gái, người nào chữa khỏi bệnh đau mắt và sinh nhiều con nối, quả thực kiến hiệu thì thưởng cho chức quan tam phẩm, ban thưởng 5000 lạng bạc”.

Thế nhưng trong bản dụ ngày 23 tháng 3 năm Bính Tý (1876), vua đã tỏ ý thất vọng khi không tìm được người có thể chữa căn bệnh vô sinh: “Vua tôi là một thể, đau ốm quan hệ tới nhau, vậy có thể nào coi nhau như kẻ Tần người Việt được chăng?. Thế mà không ai tiến cử một thầy thuốc giỏi vậy là hạng bầy tôi ưu ái thành thực có đâu lại nên như thế?”.

Cùng với việc sử dụng các phương thuốc, Tự Đức còn tuyển nhiều mỹ nhân tiến cung làm phi tần, tổng cộng ông có đến 103 người vợ, nhưng đến năm 35 tuổi vẫn chưa có con, thậm chí vua còn hạ cố lấy một phụ nữ đã qua một đời chồng, có nhiều con mà vẫn "vô hậu".

Tin vào tâm linh, Tự Đức sai người đi cầu tự giúp vua tại chùa, đền, đình miếu có tiếng linh thiêng, cầu mong Trời, Phật, Thần, Thánh phù hộ cho đạt được ước nguyện. Ông còn sợ chữ Thiên phạm húy với Trời nên đổi tên một số chùa ở Huế như Thiên Mụ đổi thành Linh Mụ, Thiên Ấn đổi thành Từ Ân…, lý do cho hợp lẽ trời đất để cầu tự có con trai kế thừa ngôi báu.

Tất cả nỗ lực của Tự Đức đều thất bại, cuối cùng ông đành chọn 3 người cháu là Ưng Chân, Ưng Đăng, Ưng Kỷ đưa vào cung phong làm hoàng tử, sau chính là các vua Dục Đức, Kiến Phúc và Đồng Khánh.

Theo Lê Thái Dũng (PNO)