Một số người Trung Quốc sản xuất thực phẩm chui ở Việt Nam

"Một số người Trung Quốc mang vốn, công nghệ, hóa chất vào sản xuất bánh mứt kẹo chui tại Việt Nam. Hóa chất họ độn vào đồ ăn không kiểm soát được", Phó Cục trưởng Cục C49 nói.

Trao đổi với Zing, đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C49, Bộ Công an) cho rằng, tình hình vi phạm, tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nằm trong quy luật chung của các loại tội phạm khác, xu  hướng sẽ tăng theo sự phát triển của xã hội. Có những loại tội phạm, vi phạm về an toàn thực phẩm bây giờ các lực lượng mới phát hiện ra.

* Vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) nào bức xúc nhất và mới xuất hiện trong năm 2015, thưa ông? 

- Sức ép lớn nhất trong năm 2015 là quản lý thực phẩm nhập khẩu trái phép. Có 2 dạng, thứ nhất là thẩm lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam và thứ 2 là hình thức gian lận thương mại (mới xuất hiện)


Đại tá Trần Trọng Bình - Phó cục trưởng Cục C49. Ảnh: Việt Đức.

Về gian lận thương mại, các doanh nghiệp kê khai ít nhưng nhập lớn. Họ kê khai một chủng loại nhưng nhập nhiều chủng loại, chủ yếu là thực phẩm chức năng, bánh kẹo, mỹ phẩm, hoa quả.

Hồ sơ khai báo thể hiện, đó là hàng nhập khẩu, nhưng vì có thêm hàng gian lận nên không loại trừ độn cả loại kém chất lượng. Nho, táo, mứt có thể gắn mác Nhật, Châu Âu nhưng không phải 100% đảm bảo chất lượng như trong hồ sơ công bố. Họ mượn hồ sơ nhập khẩu để tiêu thụ hàng có phẩm cấp thấp hơn.

Vi phạm ATTP mới trong năm qua, nổi lên việc một số người Trung Quốc đổ vốn, công nghệ, hóa chất… sản xuất bánh mứt kẹo chui tại Việt Nam. Trong năm 2015, Cục cảnh sát môi trường đã phát hiện một số vụ ở huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Thủ đoạn của họ tinh vi khi không đứng tên chủ cơ sở mà kí hợp đồng làm công nhân, thậm chí làm chui ở Việt Nam. Nếu bị phát hiện, những người Trung Quốc này chỉ phải nhận hình thức xử phạt hành chính về xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, bản chất là họ thuê người Việt lập công ty, dựng nhà xưởng để sản xuất bánh mứt kẹo, bim bim… Hóa chất, công thức chế biến đều do người Trung Quốc mang vào Việt Nam, không kiểm soát được.


Một người Trung Quốc sản xuất bim bim với các phụ gia, hóa chất không nguồn gốc. Ảnh: Việt Đức.

Những ông chủ người Việt đứng tên giấy phép sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm. Cái này gọi là “rước giặc vào nhà”.

Chúng tôi vừa phát hiện 2 vụ, đang xem xét có xử lý hình sự hay không.

* Vi phạm về ATTP thường gây chết người từ từ nên khó để xử lý hình sự đúng không thưa ông?

- Các lực lượng chức năng thời gian qua đã vào cuộc quyết liệt, làm rõ nhiều vi phạm, số vụ phát hiện, xử phạt đều cao.

Các vi phạm về ATTP nghiêm trọng trước đây chưa bị xử lý hình sự do những vướng mắc về hành lang pháp lý. Theo quy định tại điều 244 Bộ luật hình sự (năm 2009), các vi phạm về ATTP phải cấu thành vật chất, tức là gây hậu quả mới bị khởi tố.

Thấy rõ những vướng của luật đang làm hạn chế việc xử lý các các nhân, tổ chức vi phạm ATTP, Quốc hội vừa xem xét, thông qua Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016). Trong đó, điều 317: Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định một số hành vi phạm tội chỉ cần cấu thành hình thức là có thể khởi tố.

Ví dụ, luật quy định ai đưa chất cấm vào thực phẩm là cấu thành tội phạm. Hành vi gây hậu quả vật chất (chết một người hay nhiều người) sẽ là tình tiết tăng nặng.

Nó giống như tội Cướp giật tài sản, anh chỉ cần phạm vào hình thức là sẽ bị xử lý. Như ai đó dùng dao hay súng dù là giả, uy hiếp tinh thần của bị hại, cướp dù 10.000 đồng là cấu thành tội rồi. 

Sau khi luật có hiệu lực, nếu ai cho chất tạo nạc vào thức ăn chăn nuôi như các vụ việc mới bị phát hiện gần đây sẽ bị khởi tố hình sự.

- Trong các vụ vi phạm ATTP được phát hiện, cơ quan chức năng có ghi nhận trường hợp nào người dân do bức xúc mà báo đến, thưa ông?

- Cảnh sát môi trường có chức năng, nhiệm vụ được giao là thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ để phát hiện ra tội phạm, vi phạm về ATTP, từ đó tổ chức phòng ngừa, đấu tranh.

Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, chúng tôi luôn nhận được sự ủng bộ của nhân dân, các ngành, các cấp. Đây là nhân tố quan trọng, giúp cho cảnh sát môi trường hoàn thành nhiệm vụ.

*  Việc quản lý, giám sát vi phạm về ATTP có nhiều cơ quan tham gia như Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường, Cục VSATTP (Bộ Y tế), Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn… Việc chồng chéo này có gây ra tình trạng “đá bóng” trách nhiệm?

- Việc này chỉ xảy ra trước đây, 3 năm nay không còn, do Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành liên quan đến lĩnh vực này. Trong đó, 3 ngành chịu trách nhiệm chính là: Nông nghiệp, Y tế và Công thương.

Nghị định của Chính phủ cũng phân công từng ngành đảm nhiệm từng mặt hàng cụ thể. Trong quá trình thực thi công vụ, lực lượng ngành này có thể phát hiện, kiểm tra các vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành kia và được giao quyền xử phạt. Trong trường hợp Nghị định của Chính phủ không giao quyền xử phạt, họ sẽ chuyển cơ quan có thẩm quyền của ngành liên quan xử lý.

Hiểu đơn giản, cảnh sát kinh tế có thẩm quyền phát hiện, bắt giữ các loại hàng hóa liên quan đến lâm sản nhưng không có quyền xử phạt mà phải chuyển cho kiểm lâm.

Như vậy, sẽ không có “đá bóng” trách nhiệm, hay ngành này tưởng ngành kia đã làm.

* Ông có lời khuyên gì để người dân tự bảo vệ mình?

- Đối tượng, địa bàn tiêu thụ thực phẩm không an toàn chủ yếu ở vùng hẻo lánh, khu vực dân cư có trình độ không đồng đều, điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó là các khu đông nhà trọ công nhân, sinh viên.

Đây là các điểm mà sản phẩm có chỉ dẫn địa lý mập mờ, không nguồn gốc hay bày bán. Người dân hãy cố gắng nhận biết những sản phẩm không rõ nguồn gốc, kiếm chọn những thực phẩm bán tại cửa hàng có đăng ký kinh doanh và VSATTP.

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và các phòng chức năng nên nghiên cứu đặt các biển báo điện tử tại các chợ, chỉ dẫn cho người dân biết các điểm bán rau, thịt sạch trên địa bàn để họ biết, lựa chọn.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã ban hành danh mục chất cấm đưa vào thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên chất cấm đưa vào thức ăn cho người lại chưa được Bộ Y tế ban hành. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc xem xét khởi tố các vi phạm về ATTP. Hóa chất công nghiệp nguy hiểm như Xyanua, thạch tín mà không nằm trong danh mục chất cấm đưa vào thực phẩm là rất nguy hiểm - ông Bình nói.

Theo Việt Đức ( zing )