Ho dai dẳng hậu COVID-19 cần làm gì cho nhanh khỏi? Chuyên gia chỉ rõ 4 nguyên nhân khiến cơn ho kéo dài

Để ứng phó với ho sau khỏi COVID-19, người dân nên đi khám để đánh giá việc bản thân có bệnh phổi khác hay không, hoặc các bệnh như ho do dị ứng, trào ngược, suyễn... hay đích thị là ho hậu COVID-19

Theo thống kê, có khoảng 50- 70% những người mắc COVID-19 có triệu chứng là ho khan. Hầu hết những người mắc COVID-19, có thể ho kéo dài tời cả tháng hoặc trong nhiều tháng.

Theo các chuyên gia y tế, ho là phản xạ cần thiết bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Bình thường, khi phát hiện ra virus hoặc những vật thể lạ, các dây thần kinh cảm giác sẽ kích hoạt cảm biến ho ở vùng tủy của não, từ đó kích hoạt các cơ xung quanh đường hô hấp để đẩy vật thể lạ ra ngoài.

Ở bệnh nhân COVID-19, virus có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm mục tiêu vào các dây thần kinh cảm giác, như một phần của bệnh nhiễm trùng, do đó, gây nên những cơn ho.

ho-dai-dang-hau-covid-19-can-lam-gi-cho-nhanh-khoi-chuyen-gia-chi-ro-4-nguyen-nhan-khien-con-ho-keo-dai

Ảnh minh hoạ

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết, ho sau mắc COVID-19 giống ho sau bị cảm hoặc nhiễm các virus hô hấp.

Về nguyên nhân gây ho sau khi khỏi COVID-19, theo BS Khanh có 4 nhóm.

Thứ 1: Sau khi khỏi bệnh, cơ thể còn đào thải chất tiết (xác virus);

Thứ 2: Người có cơ địa dị ứng/hoặc bị suyễn;

Thứ 3: Người có bệnh lý trào ngược sẵn có, uống thuốc nhiều thì tình trạng này tăng thêm;

Thứ 4 là có tình huống kích thích trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp, vùng khí quản, hầu họng.... gây ho.

Vậy những bệnh nền nào khiến người sau khi mắc COVID-19 dễ bị ho kéo dài? BS Khanh cho hay đó là những người có cơ địa dị ứng (bị kích thích ho khi bị), bị suyễn, trào ngược, sống trong môi trường nhiều khói bụi dễ bị ho.

Theo BS Khanh, không có sự khác biệt trong di chứng ho kéo dài sau mắc COVID-19 có khác với việc nhiễm các virus khác. Có nhiều "dạng" ho khác nhau, có thể bị ho túc tắc, ngứa họng, cũng có thể bị ho sặc sụa. Nhiều người bị ho sau khi nói chuyện nhiều, cười nhiều; hít không khí lạnh, thở bằng miệng nhiều... Có người sau khi ăn no cũng ho, hít phải mùi lạ, thay đổi tư thế, thậm chí, cơn ho khiến họ thức giấc ban đêm.

Để ứng phó với ho sau khỏi COVID-19, theo BS Khanh, người dân phải đi khám để đánh giá việc bản thân có bệnh phổi khác hay không (như viêm phổi, lao phổi), hoặc các bệnh như ho do dị ứng, trào ngược, suyễn... hay đích thị là ho hậu COVID-19.

Nếu không phải vì bệnh lý khác, thì việc tự vận động, tập luyện, tẩm bổ sẽ khiến ho sau COVID-19 hết dần.

ho-dai-dang-hau-covid-19-can-lam-gi-cho-nhanh-khoi-chuyen-gia-chi-ro-4-nguyen-nhan-khien-con-ho-keo-dai

Ảnh minh hoạ

Một số cách để giảm cơn ho hiệu quả

- Bên cạnh thuốc được bác sĩ tư vấn, bạn có thể ngậm các loại kẹo không đường, một số thảo dược có tác dụng giảm kích ứng họng.

- Hãy tập hít thở nhẹ nhàng, hít vào chậm, từ từ, thở ra chậm. Bạn tránh hít thở nhanh, gấp vì sẽ làm cho luồng khí vào phổi đột ngột, tạo kích thích gây nên cơn ho.

- Bạn nên nói ít, nói vừa phải, không gắng sức trong tất cả mọi hoạt động để giảm nhịp thở nhanh gây kích ứng cơn ho. Khi ngủ, hãy nằm đầu cao hoặc nằm nghiêng. Tư thế này sẽ giúp cho đường hô hấp mở, thông thoáng và ngăn ngừa các chất kích ứng cổ họng.

- Hãy tự kiểm tra xem liệu cơ thể có tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản không? Hội chứng này khiến cho acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản (ống tiêu hóa nối giữa miệng với dạ dày) cũng gây ra ho kéo dài, thường xảy ra sau khi cơ thể căng thẳng, lo lắng.

- Luôn có tâm lý lạc quan, đừng bị ám ảnh quá mức về triệu chứng ho và tình trạng hậu Covid-19. Tâm lý lo lắng gây ra stress, khiến cơ thể chậm hồi phục sau Covid-19.

Theo GiaDinh