Cục CSGT công bố cách tra cứu phạt nguội phương tiện vi phạm giao thông

Hệ thống sẽ cung cấp thông tin về biển số xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện phương tiện vi phạm giao thông…

Cục CSGT (Bộ Công an) vừa chính thức cho ra mắt phần mềm quản lý Giấy phép lái xe (GPLX) và hoạt động từ ngày 1/6 tới đây. Trong đó, phần mềm này cũng có thể tra cứu vi phạm của phương tiện giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát của cơ quan này trên phạm vi toàn quốc.

Phần mềm tra cứu này sẽ được tích hợp ngay trên trang chủ của website Cục Cảnh sát giao thông (http://www.csgt.vn) và người dân có thể tra cứu lỗi vi phạm của mình bằng cách nhập biển số xe. Khác với tra cứu thông qua website của Cục Đăng kiểm Việt Nam trước đây chỉ tra cứu được ô tô, phần mềm này còn tra cứu được thêm cả phạt nguội đối với xe máy.

Cục CSGT cho biết, mọi người đều có thể truy cập để tra cứu thông tin biển số xe của mình có nằm trong danh sách xe vi phạm hay không. Hệ thống sẽ cung cấp thông tin về biển số xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm và địa chỉ, số điện thoại liên hệ để liên hệ giải quyết xử lý tại các đơn vị công an nơi phát hiện vi phạm.

Ví dụ, để tra cứu ô tô có BKS: 30E-876.xx, chủ xe sau khi truy cập website của Cục Cảnh sát giao thông hãy nhập biển số vào ô đầu tiên (viết liền không có dấu "." và "-"), dưới phần "Biển kiểm soát".

Do phương tiện cần tra cứu là ô tô nên chọn loại xe là ô tô ở ô phía dưới.

Bước cuối cùng, người tra cứu bắt buộc phải nhập đúng mã bảo mật, có hiện ở ngay phần tra cứu.

cuc-csgt-cong-bo-cach-tra-cuu-phat-nguoi-phuong-tien-vi-pham-giao-thong

Người vi phạm đến nộp phạt nguội. Ảnh CSGT cung cấp

Sau khi hoàn tất các bước trên, chủ xe ấn tra cứu và sẽ ra thông tin vi phạm của phương tiện. Tuy nhiên, chiếc ô tô BKS: 30E-876.35 không có vi phạm nên hệ thống sẽ hiện ra là không tìm thấy kết quả.

Hiện tại, chỉ những phương tiện đã vi phạm mới được cập nhật BKS vào hệ thống tra cứu. Vì vậy, những phương tiện vi phạm mới có thể thấy kết quả. Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay: “Sau thời gian nỗ lực, phần mềm cũng hoàn thành để bắt đầu hoạt động đúng vào ngày 1/6 như kế hoạch. Cục CSGT sẽ tiếp tục hoàn thiện về mặt kỹ thuật, thao tác để phần mềm hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ tốt đảm bảo ATGT. Điều quan trọng nữa là hoàn thiện hành lang pháp lý để pháp lý hóa việc tra biển số”.

Xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia lĩnh vực GTVT cho rằng, sử dụng hình ảnh từ hệ thống camera làm căn cứ để xử lý vi phạm khiến lái xe sẽ có tâm lý bị giám sát mọi lúc, mọi nơi trong suốt hành trình. Qua đó, lái xe sẽ có ý thức hơn trong việc chấp hành luật giao thông, điều đó cũng có nghĩa những nguy cơ mất an toàn sẽ được hạn chế.

Tại Việt Nam hiện nay, lực lượng tuần tra không thể có mặt trên tất cả tuyến đường 24/24 giờ, vì vậy khả năng phát hiện sai phạm thấp cũng như người dân chấp hành luật theo kiểu đối phó. Do vậy, để việc xử phạt vi phạm giao thông mang tính răn đe, hiệu quả cao và được người dân đồng thuận, các cơ quan chức năng cần cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; áp dụng hình thức xử phạt bằng camera trên tất cả tuyến đường; có biện pháp giám sát chặt chẽ CSGT, TTGT khi tuần tra kiểm soát trên đường nhằm tránh phát sinh tiêu cực.

Việc tăng mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong những giải pháp đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng biện pháp chế tài thu tiền phạt phải được thực hiện một cách triệt để thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn...

Để thực hiện việc thu tiền phạt triệt để cần phải bổ sung thêm biện pháp chế tài khác đảm bảo việc truy thu tiền phạt qua lương, tài khoản cá nhân… Riêng các đối tượng không có điều kiện tài chính hoặc cố tình không nộp phạt thì buộc áp dụng biện pháp chế tài mạnh tay và mang tính răn đe hơn.

Luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, đối với nhiều nước trên thế giới thì việc cưỡng chế nộp phạt với người vi phạm giao thông rất nghiêm và hiệu quả.

Ví dụ: Sau lần thứ nhất thông báo mà người vi phạm không chấp hành nộp phạt thì ở các lần thông báo sau mức phạt sẽ tăng lên hoặc họ sẽ cưỡng chế bằng cách trừ thẳng số tiền nộp phạt qua tài khoản người vi phạm, thậm chí tùy mức độ “chây ỳ” mà có thể xem xét xử lý hình sự.

Còn đối với nước ta hiện nay thì biện pháp cưỡng chế như vậy chưa có đủ cơ sở pháp lý. Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cũng nên sớm xem xét điều chỉnh, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện biện pháp cưỡng chế nộp phạt hiệu quả. Bởi lẽ, nếu không thì rất dễ bị dân “nhờn mặt”.

Theo GiaDinh