Cơ hội nào cho bộ sách "Tròn - Vuông - Tam giác" của giáo sư Hồ Ngọc Đại?

Trong khi GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục bảo vệ sản phẩm “con đẻ” là bộ sách Công nghệ giáo dục, tuy nhiên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lại tiếp tục cho rằng bộ sách cần chỉnh sửa thêm.

Liên quan tới số phận của bộ sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên, một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận khi chủ biên bộ sách đánh vần "Tròn - Vuông - Tam giác" chính thức có cuộc đối thoại với Bộ GD&ĐT để làm rõ thêm vì sao bộ sách lại không được thẩm định.

Tại cuộc đối thoại do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua, GS Hồ Ngọc Đại, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cùng các cộng sự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì, tiếp tục thảo luận "mổ xẻ" thêm về quá trình thẩm định, cũng như cân nhắc những giá trị của công trình tâm huyết 40 năm qua để tiếp tục được áp dụng vào các năm tới...

TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đại diện Bộ GD&ĐT thông tin: Bộ đã ban hành Thông tư 32 về Chương trình GDPT 2018 và Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018. Những sách giáo khoa được thẩm định 2 vòng, cả quá trình thẩm định sẽ có 4 lần Hội đồng đối thoại với tác giả trước khi công bố 32 bản sách được lựa chọn.

Cũng theo TS. Thái Văn Tài, tháng 9/2019, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào có gửi thư kiến nghị về kết quả thẩm định SGK của GS Hồ Ngọc Đại tới Bộ trưởng GD&ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Bộ trưởng GD&ĐT đã có công văn trả lời, trong đó nêu rõ các việc Bộ đã và đang thực hiện theo đúng thẩm quyền quy định trong các Luật, Nghị định hiện nay.

 co-hoi-nao-cho-bo-sach-tron-vuong-tam-giac-cua-giao-su-ho-ngoc-dai

GS Hồ Ngọc Đại và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán nêu nguyên tắc không thể thay thế, khi quốc gia có một chương trình GDPT mới là cùng với đó phải có sách giáo khoa được viết theo các yêu cầu của chương trình đó. Bộ sách phải được thẩm định trước khi đưa vào triển khai trong các nhà trường. Những sách giáo khoa dùng cho chương trình cũ sẽ không còn hiệu lực.

"Bản mẫu sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại có cấu trúc được viết từ thời Liên Xô, làm đảo lộn cấu trúc của chương trình GDPT mới. Hầu hết các phần nội dung trong sách Toán 1 của thầy được lấy từ lớp trên xuống, những yếu tố đại số được đưa xuống rất sớm" - PGS.TS Trần Kiều chia sẻ.

Còn Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt cho rằng, sách Tiếng Việt của GS. Hồ Ngọc Đại cần được chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, bởi chương trình là "pháp lệnh", sách giáo khoa là tài liệu cụ thể hóa chương trình.

Chia sẻ tâm huyết về bộ sách Công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định, đây là "công trình khoa học nghiêm túc", được thực hiện bằng tâm huyết và trách nhiệm của ông với sự nghiệp giáo dục quốc gia. Còn PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng, nên tiếp tục sử dụng tài liệu này như trong chương trình GDPT mới.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, bộ sách Giáo dục công nghệ cần được điều chỉnh lại cho phù hợp, nhất là bám sát theo yêu cầu của chương trình GDPT mới được quy định tại Thông tư 32, Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, một lần nữa GS Hồ Ngọc Đại kiên quyết không điều chỉnh bộ sách, còn PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho biết sẽ tiếp tục có những kiến nghị để xem xét lại việc thẩm định để bộ sách Giáo dục công nghệ được sử dụng. 

Như vậy, giữa Hội đồng thẩm định và GS Hồ Ngọc đại một lần nữa không tìm được tiếng nói chung, số phận của bộ sách Giáo dục công nghệ ngày càng "mong manh" mặc dù trên thực tế đã không vượt qua khâu tẩm định.

Theo GiaDinh