Cha mẹ cứ mắc phải sai lầm này, con thiếu vitamin D trầm trọng

“Đa phần cha mẹ mặc định con “to béo” là không còi xương, nên chủ quan không bổ sung vitamin D. Nhưng thật ra, con còi xương chứ không…còi thịt", bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho hay.

Vitamin D là chất quan trọng giúp trẻ hấp thụ tối đa canxi để có hệ xương chắc khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, những hiểu lầm trong cách sử dụng khiến con bị thiếu vitamin D. Hậu quả là con mắc bệnh còi xương, mặc dù con vẫn to béo.

Bao bọc con thái quá cũng khiến con còi xương

Gia đình chị Na (Hà Đông, Hà Nội) vẫn thường cho con xuống dưới sảnh chung cư để tắm nắng. Việc này được thực hiện hàng ngày, đặc biệt vào mùa hè. Tuy nhiên, suốt mấy tháng mùa đông, chị Na không dám cho con xuống sảnh vì sợ bị ốm. Người giúp việc sợ phải chăm bé vất vả nên cũng chỉ ở trong nhà. Mấy năm trời như vậy, con chị Na lâm vào cảnh bị thiếu canxi.

"So với bạn bè cùng trang lứa, con tôi thuộc vào hàng còi xương. Tôi cho cháu ăn nhiều chất nhưng vẫn không biết là việc bảo bọc con ở nhà quá nhiều sẽ khiến con không được bổ sung vitamin D để hỗ trợ sự phát triển của xương. Khi đi khám, bác sĩ nói đó là nguyên nhân, tôi mới giật mình", chị Na cho hay.

Cha mẹ cứ mắc phải sai lầm này, con thiếu vitamin D trầm trọng

Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết, những trẻ sinh vào mùa đông hoặc thời tiết giao mùa, bố mẹ sợ con ốm nên bao bọc con kín mít ở trong nhà là sai lầm phổ biến.

Sai lầm thứ hai là chế độ ăn thiếu chất béo (dầu mỡ). “Nhiều phụ huynh mặc dù chăm nhỏ vitamin D cho con nhưng vì sợ con béo nên thiết kế chế độ ăn thiếu chất béo (dầu, mỡ). Vì phụ huynh không biết vitamin A, D, E, K chỉ có thể tan trong chất béo mà không tan được trong nước như các vitamin khác (C, B1, B2, B6,B12, axit folic, biotin)”, bác sĩ Hải cho biết.

Khi trẻ thiếu vitamin D, sẽ có biểu hiện, ngủ không ngon giấc, trằn trọc, ra mồ hôi khi ngủ, rụng tóc tạo thành hình vành khăn. Còn biểu hiện ở xương là đầu bẹp, thóp rộng, trán dô, chân tay cong.

"Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện răng mọc chậm, chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, bò, đi… Bé còn dễ mắc bệnh tiêu chảy, hô hấp do giảm sức đề kháng", bác sĩ Hải cho biết.

Bổ sung vitamin D thế nào?

Bác sĩ Lê Thị Hải cho hay, về nguồn ngoại sinh (đưa từ bên ngoài vào), vitamin D chỉ có trong gan động vật, cá, dầu cá, lòng đỏ trứng gà, sữa, bánh ăn dặm.

Còn nguồn nội sinh (cơ thể tự tổng hợp): vitamin D được tổng hợp từ quá trình tắm nắng. Khi ánh nắng chiếu vào chất tiền vitamin D ở dưới da, nó sẽ được biến đổi thành vitamin D3. Tuy vậy, cách bổ sung vitamin D này thường bị bỏ qua hoặc thực hiện không đúng.

Khi chế độ ăn không thể bổ sung đủ vitamin D và việc tắm nắng thường bị bỏ qua, bác sĩ Lê Thị Hải khẳng định các bà mẹ có thể bổ sung vitamin D cho con mỗi ngày từ khi sinh ra. 

Theo bác sĩ, phụ huynh cần lưu ý cách bổ sung vitamin D. Trong đó, liều khuyến nghị cho trẻ em và người lớn là 400 IU/ ngày (1 giọt/ ngày).

"Chế độ ăn đầy đủ bốn nhóm tinh bột – đạm – chất béo – vitamin và khoáng chất. Không nên từ chối dầu mỡ vì cholesteron trong đó giúp cơ thể tổng hợp vitamin D nội sinh. Hàm lượng dầu mỡ cho trẻ 6 tháng – 1 tuổi là 5ml dầu mỡ/bữa, trẻ 1 tuổi trở lên: 10ml dầu mỡ/ bữa. Với người lớn, chất béo chiếm 15 – 20% tổng khẩu phần ăn", bác sĩ Hải cho hay.

Bác sĩ Hải khuyên, cha mẹ cố gắng dành thời gian cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng sớm, vận động ngoài trời để tổng hợp vitamin D nội sinh. Chú ý giữ ấm cho trẻ khi tắm nắng. 

“Cha mẹ hãy cho con đi khám dinh dưỡng khi có các biểu hiện quấy khóc, ngủ không ngon giấc, rụng róc vành khăn. Chỉ được vitamin D liều cao khi có chỉ định của bác sĩ để tránh bị quá liều, ngộ độc”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Theo emdep