Bong bóng giá nông sản Trung Quốc sắp vỡ

Sức ép từ các kho dự trữ nông sản tăng cao và lượng nhập khẩu nhiều đang là nguyên nhân chính dẫn tới nguy cơ vỡ bong bóng giá.

Bong bóng giá nông sản Trung Quốc sắp vỡ

Các quan chức Trung Quốc đang theo quan điểm mới của Đảng Cộng sản là để thị trường tự quyết định phân bổ các nguồn lực và cân bằng giá. Tuy nhiên, sức ép từ các kho dự trữ nông sản tăng cao và lượng nhập khẩu nhiều đã trở thành động lực cho tình trạng sụt giảm giá liên tục gần đây.

Năm 2014, quy định về giá sàn bông và đậu tương bị dỡ bỏ và năm nay chính sách hỗ trợ giá hạt cải dầu cũng chấm dứt. Theo dữ liệu Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá bông và giá hạt cải dầu đã giảm 30% so với năm ngoái, giá đậu tương cũng giảm 13%. Giá các mặt hàng nông sản khác đều giảm do cầu yếu và ảnh hưởng của sự sụt giá cả toàn cầu.

Trung Quốc vẫn đang cố gắng trợ giá lúa mỳ và gạo do đây là những mặt hàng quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. Ngoài ra, giá ngô cũng được quan tâm do Trung Quốc là nước trồng ngô lớn nhất thế giới. Hầu hết các chuyên gia đều mong đợi chính phủ nước này có thể hạ giá sàn ngô cho vụ thu hoạch sắp tới để tránh tình trạng các kho dự trữ thêm ứ đầy. Tuy nhiên, hạ giá sàn có thể làm giảm thu nhập của hàng triệu nông dân và giảm giá trị kho dự trữ bông của chính phủ Trung Quốc tới hàng tỷ USD.

Kỳ vọng hạ giá sàn này đã khiến ngô tháng 8 đầu vụ thu hoạch bán với giá thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, đồng thời một số kho dự trữ ngô năm ngoái cũng bán tháo ra để lấy chỗ trữ ngô vụ mới. Trên sàn giao dịch Trung Quốc, giá ngô giao tháng 1/2016 thấp hơn giá ngô trên thị trường vật chất, do giới đầu tư đặt cược giá giảm trong tương lai.

Nguy cơ bất ổn thị trường nông sản Trung Quốc sẽ tạo áp lực không nhỏ tới giá nông quốc tế. Cho đến nay, Trung Quốc đã cố gắng giảm áp lực của giảm phát bằng cách duy trì dự trữ hàng hóa cao và cho phép nhập khẩu đậu nành, ngũ cốc và thịt nhiều nhất từ trước đến nay. 

Tuy nhiên, trước tình hình giá nông sản xuống dốc hiện nay, các quan chức nước này có thể sẽ xem xét hạn chế xuất khẩu để tăng cường bán nông sản ra từ các kho dự trữ. 

Biện pháp này đã được áp dụng với bông nhưng chưa thành công. Nhập khẩu bông của Trung Quốc nửa đầu năm 2015 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hạn ngạch nhập khẩu bông đã được hạn chế xuống mức tối thiểu nhằm giảm tải cho các kho dự trữ, tuy nhiên cầu yếu khiến các kho dự trữ vẫn ứ đọng.

Việc hạ dự đoán giá ngô cũng đang làm giảm lượng nhập khẩu cao lương, lúa mạch và bã rượu khô. Đây là những sản phẩm được các nhà máy thức ăn chăn nuôi Trung Quốc sử dụng thay thế ngô. Về đậu tương, Trung Quốc đang nhập khẩu nhiều kỷ lục do áp lực giá thế giới thấp. Nhưng nó  cũng phù hợp với việc giá các sản phẩm cuối cùng chế biến từ đậu tương đang giảm và điều này sẽ lại hạn chế nhập khẩu đậu tương trong thời gian tới.

Nguy cơ vỡ bong bóng giá nông sản đã ảnh hưởng tới các hàng hóa khác. Nhập khẩu sữa bột giảm mạnh từ đầu năm đến nay do lượng hàng tồn kho cao năm 2014. Trong khi đó lượng nhập khẩu cỏ, thức ăn gia súc và tinh dịch bò lại tăng do người nông dân Trung Quốc mở rộng các trang trại nuôi bò sữa của mình. 

Tuy nhiên, các nhà sản xuất trên toàn thế giới vẫn còn kỳ vọng vào thị trường thịt Trung Quốc khi nhu cầu có vẻ đầy hứa hẹn. Giá thịt bò, thịt lợn tăng cộng với việc chính phủ nới lỏng kiểm soát nhập khẩu thịt bò sẽ khiến cho lượng nhập khẩu gia tăng.

Theo Ngọc Mai(Nikkei Asian Review/vinanet)