Bộ Y tế lên tiếng vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản

Bộ Y tế Việt Nam đang nhanh chóng làm rõ vụ việc, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hơn 18.100 chai tương ớt Chin-su này.

Chiều 6/4, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết hiện chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi hơn 18.100 sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ quan này đang chỉ đạo làm rõ vụ việc, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa.

Thông tin từ website của thành phố Osaka, Nhật, nơi thu hồi tương ớt Chin-su, sản phẩm chứa acid bezoic, trong khi quy định tại Nhật Bản không cho phép tương ớt được bảo quản bằng chất này.

bo-y-te-len-tieng-vu-hon-18-000-chai-tuong-ot-chin-su-bi-thu-hoi-o-nhat-ban

Sản phẩm tương ớt bị thu hồi ở Nhật Bản được đăng trên cổng thông tin của TP Osaka

Cục An toàn thực phẩm cho biết acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (uỷ ban Codex - Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên).

Tuy nhiên cần phải làm rõ xem loại phụ gia này có được sử dụng trong sản xuất tương ớt hay không. Cục sẽ sớm làm rõ.

Nguồn tin trên báo chí, đại diện Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) trong thông cáo báo chí phát đi ngày 6/4 cho thấy tất cả các sản phẩm của Masan sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về ATTP, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.

“Hiện nay, chúng tôi chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-Su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)”- thông tin từ Masan cho hay.

Trước đó, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa axit benzoic, axit sorbic...

Axit benzoic, theo quy định của Nhật, không được sử dụng trong tương ớt của nước này. Trong khi đó, với tương ớt Chinsu, Trung tâm y tế công cộng Osaka kiểm tra thấy hàm lượng chất này là từ 0,41-0,45 g/kg.

Theo cơ quan chức năng Nhật, số tương ớt Chinsu này đã vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật. Các sản phẩm của Masan cũng không được dán nhãn đầy đủ để khuyến cáo người dùng.

Theo GiaDinh