Xe sang chết máy sau khi đổ xăng: Kết luận chưa thỏa đáng

Chuyên gia cho rằng, thừa hàm lượng nhựa trong xăng chỉ là một yếu tố trong việc gây chết máy. Nó chỉ ảnh hưởng đến độ bền lâu dài của động cơ.

Hàm lượng nhựa chỉ là một trong nhiều yếu tố

Gần đây, thông tin phản ánh của người dân về việc sau khi đổ xăng A95 tại một số cây xăng trên địa bàn TP.HCM, nhiều xe ô tô có biểu hiện "lịm" dần rồi chết máy khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Chiều 3/2, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam đã đưa ra kết quả, sau khi kiểm nghiệm một số mẫu xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở phía Nam nhập hàng của Petrolimex khu vực 2.

Theo kết quả phân tích, đã phát hiện các mẫu xăng A95 này có chỉ tiêu hàm lượng nhựa thực tế cao hơn nhiều so với quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam. Cụ thể, chỉ tiêu hàm lượng nhựa theo Tiêu chuẩn Việt Nam quy định trong xăng A95 là 5 mg/100ml, nhưng thực tế kết quả kiểm nghiệm là từ 22 - 166 mg/100ml.

xe-sang-chet-may-sau-khi-do-xang-ket-luan-chua-thoa-dang
Hàng loạt xe sang bị chết máy sau khi sử dụng xăng A95 tại một số cây xăng ở TP.HCM. Ảnh: Lao Động

Trước kết quả này, trao đổi với PV Báo Phụ Nữ TP.HCM, một chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, động cơ đánh giá: "Về nguyên nhân, tất nhiên người ta sẽ nghĩ đến đầu tiên là nhiên liệu, nhưng nếu chỉ nói đến hàm lượng nhựa thì đó không phải là nguyên nhân mang tính trực tiếp. Nó chỉ là một yếu tố nhỏ và có thể ảnh hưởng đến độ bền lâu dài của động cơ, chứ để làm chết máy ngay thì cũng chưa phải thuyết phục".

Theo vị chuyên gia này, thực ra rất khó để xác định nguyên nhân gây chết máy động cơ, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như đặc tính bay hơi của nhiên liệu. Nó không được như yêu cầu của quy chuẩn, khiến lệch quy chuẩn cháy thì lúc bấy giờ có thể dẫn tới hiện tượng chết máy..

Phải đặc biệt lưu ý đến chỉ số octan (khả năng chống kích nổ của nguyên liệu), đặc tính bay hơi của nhiên liệu, sản xuất hơi bão hòa, đó là những chỉ tiêu rất quan trọng. Ví dụ như, xe được thiết kế dùng xăng A95 mà mình lại dùng A92 thì dẫn đến khả năng chết máy, ảnh hưởng đến động cơ.

Ngoài ra, còn những tiêu chuẩn khác đã được đưa vào quy chuẩn kỹ thuật. Khi phân tích các mẫu có chứa thành phần nào không hợp với quy chuẩn thì có nghĩa là bên đơn vị cung cấp xăng dầu vi phạm.

Nói về ảnh hưởng của việc thừa hàm lượng nhựa trong xăng, theo chuyên gia: "Việc thừa hàm lượng nhựa ảnh hưởng đến vấn đề lâu dài nhiều hơn. Ví dụ, nó ảnh hưởng đến vòi phun hay là buồng cháy, buzi... Nhưng nhìn chung, nó không thể tác động ngay được, vì hàm lượng của nó cũng chỉ tính bằng phần triệu nên việc ảnh hưởng đến mức tắc van nạp, chết máy thì hơi khó.

Petrolimex chủ yếu là xăng dầu nhập khẩu. Về mặt nguyên tắc, khi mình đã nhập vào thì phải đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam, vấn đề nằm ở chỗ không rõ là nó có phát sinh trong quá trình phân phối ở các cây xăng nhỏ lẻ không.

"Còn đối với doanh nghiệp đầu mối, tôi nghĩ là họ không dại gì để cho một chỉ tiêu cao hơn với quy định.

Thế còn trong quá trình phân phối đến người tiêu dùng thì khó có thể kiểm soát được. Trước yêu cầu về lợi nhuận, những trò gian lận có thể xảy ra. Hoặc trong quá trình tồn chứa, nếu bồn chứa của họ không đúng quy trình thì cũng có thể dẫn tới một số chỉ tiêu bị ảnh hưởng", vị chuyên gia phán đoán.

Chưa từng phát hiện cây xăng kém chất lượng

Cũng trao đổi về vấn đề này với Báo PV báo Phụ Nữ TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Giảng viên Viện Cơ khí động lực học, Đại học Bách Khoa bày tỏ: "Tôi thấy nhiều vấn đề nhưng có thể là do chất lượng xăng không đảm bảo. Nhiều xe đổ xăng tại cây xăng đó mà cùng có hiện tượng như vậy thì khả năng do xăng là rất lớn".

PGS.TS Long lấy dẫn chứng, cách đây khoảng 4 năm, cũng từng phát hiện vấn đề về xăng kém chất lượng. Tuy nhiên tại thời điểm đó, sau khi đổ xăng, hàng loạt các phương tiện đã bị cháy nổ, còn hiện tại các phương tiện lại có biểu hiện "lịm dần" rồi chết máy.

Trước sự khác biệt trong hậu quả giữa 2 lần phát hiện xe có vấn đề sau đổ xăng, Giảng viên trường Đại học Bách Khoa cho rằng: "Trước đây xảy ra hiện tượng cháy nổ là do bị pha với thành phần rất dễ cháy.

Thành phần đó còn gây ra hiện tượng phá hủy, hoặc gây phồng rộp các chi tiết vật liệu bằng nhựa, cao su, dẫn đến rò rỉ, bay hơi nên dễ cháy nổ. Còn lần này, thành phần xăng lại không kích thích quá trình cháy, nên rõ ràng là ở tạp chất pha trộn của hai lần là khác nhau".

"Có khả năng người ta cố tình pha thêm các tạp chất khác, ví dụ như những thành phần mà người kinh doanh nghĩ là không ảnh hưởng gì, nên người ta cứ pha vào cho xăng rẻ để bán được nhiều", PGS Long thẳng thắn bày tỏ.

xe-sang-chet-may-sau-khi-do-xang-ket-luan-chua-thoa-dang

Cây xăng dầu Petrolimex 270, trên đường Lý Thường Kiệt (TPHCM). Ảnh: Internet

Vị chuyên gia cũng phủ định các ý kiến đổ lỗi cho hệ thống không tương thích giữa tiêu chuẩn xăng trong nước và tiêu chuẩn xe quốc tế. Đây không là nguyên nhân của hàng loạt vụ việc xe sang chết máy.

PGS Long phân tích, ở nước ta đưa ra các tiêu chuẩn xăng A92 hay A95 cũng phải dựa trên các tiêu chuẩn, phải theo các đặc điểm của xe chứ không phải Việt Nam tự nghĩ ra các tiêu chuẩn khác. Và phải theo yêu cầu chung, chứ không thể nói xăng trong nước không tương thích với xe nước ngoài. Tiêu chuẩn là như thế, nhưng vấn đề còn là do các doanh nghiệp có gian lận, pha chế thêm tạp chất hay không?

Giảng viên Đại học Bách Khoa cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Tại các cây xăng, hiện nay mới chỉ quan tâm đến vấn đề lực lượng. Một số nhà quản lý thị trường cũng mới chỉ đi kiểm tra xem đong đếm có đủ không, còn chất lượng thì hầu như chưa thấy kiểm tra, đó là kẽ hở. Với các cây xăng, thỉnh thoảng cũng phải kiểm tra bất chợt".

"Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa giám sát được chất lượng, mới kiểm tra được định lượng thôi, chưa thấy cây xăng nào được đánh giá là chất lượng kém. Chỉ đến khi người tiêu dùng phát hiện xăng xấu, xăng bẩn, chất lượng kém thì lúc này nhà chức trách mới vào cuộc, mà lúc đó người ta đã bán hết cây xăng đó rồi", PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nói.

Theo Trang Thu (Phunuonline)