Xe “độ” Dcar: Chưa chứng minh được tính an toàn và hợp pháp

Khẳng định việc cải tạo xe Ford Transit 16 chỗ thành 10 chỗ theo phong cách Limousine với những thay đổi và lắp đặt mới trên xe là an toàn, hợp pháp nhưng Dcar không thể chứng minh.

Khi những chiếc Dcar Limousine chưa rõ có an toàn hay không thì tính mạng người sử dụng và những người cùng tham gia giao thông vẫn treo lơ lửng.

Báo Người Tiêu Dùng đã đặt ra nhiều nghi vấn liên quan đến tính an toàn, hợp pháp và trách nhiệm quản lý đối với những chiếc xe “độ” trong bài viết “Xe độ có an toàn và hợp pháp” trong số báo 130, phát hành ngày 12/6/2015.

Theo đó, những chiếc xe Ford Transit 16 chỗ được Hãng ô tô Dcar (Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thuộc CTCP Sài Gòn Phụ tùng Ô tô (451 An Dương Vương, P.3, Q.5, TP.HCM) cải tạo lại theo phong cách Limousine như: Bóc 13 ghế ở khoang hành khách, thay vào đó bằng 7 ghế ngồi cao cấp với nhiều chức năng như: xoay 180 độ, mát xa, ngả ra thành giường nằm… tất cả đều được điều khiển bằng công tắc tự động; Lắp đặt hệ thống đèn led giải trí, loa âm thanh, tivi cỡ lớn, tủ lạnh, bàn làm việc điều khiển tự động…; Làm vách ngăn giữa khoang hành khách và khoang lái, cửa xe được điều khiển hoàn toàn tự động; Hai ghế trước ở khoang hành khách quay lưng ngược về ghế tài xế...


Cận cảnh chiếc Dcar President trên đường phố Sài Gòn.

Dcar chưa chứng minh được tính hợp pháp

Sau bài báo số 130, ông Tiến tự giới thiệu là đại diện marketing, đồng thời là người nhà được ông Lưu Cẩm Thành (Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Phụ tùng Ô tô) cử lên Văn phòng Đại diện phía Nam Báo Người Tiêu Dùng để chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động cải tạo, “độ” xe của Hãng Dcar.

Ông Tiến cho rằng việc cải tạo của Dcar là hoàn toàn hợp pháp, an toàn vì ngoài thay đổi số lượng ghế và gắn thêm các tiện ích giải trí thì hãng không can thiệp bất kỳ bộ phận nào của xe: “Toàn bộ chỉ làm về nội thất, không can thiệp về khung gầm xe, không can thiệp đến động cơ, dòng điện phục vụ cho phụ kiện gắn thêm không làm thay đổi bình xe…”.

Mặc dù phía Dcar không lập hồ sơ thiết kế đề nghị thẩm định (bao gồm bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật xe cơ giới và bản vẽ kỹ thuật, theo quy định tại Thông tư 85/2014/TT-BGTVT), Dcar tự ý cải tạo không qua quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, không thông qua hãng sản xuất nhưng ông Tiến khẳng định toàn bộ xe đều được Ford bảo hành và thực hiện đăng kiểm bình thường.

Tuy nhiên, đã một tháng trôi qua, Dcar không cung cấp được hồ sơ, giấy tờ liên quan như đã hứa.

Vế vấn đề pháp lý và trách nhiệm đối với người sử dụng nếu chẳng may xảy ra tai nạn, ông Tiến loại trừ trách nhiệm của Dcar với lý lẽ: “Tai nạn được phân biệt ra hai loại tai nạn. Tai nạn do người lái thì người lái phải chịu trách nhiệm. Loại tai nạn thứ hai là tai nạn do lỗi kỹ thuật xe gây ra, thực tế xe chưa gặp tai nạn nào về mặt kỹ thuật, về mặt giấy phép hoạt động khi một chiếc xe có được đăng kiểm chấp nhận thì có nghĩa nó đã được xác nhận lưu hành rồi, xe anh chạy hợp pháp rồi”.


Vách ngăn giữa khoang hành khách và khoang lái trong chiếc Dcar President làm mất đi cơ hội thoát hiểm từ hai cửa trước nếu chẳng may xe bị tai nạn.

Tài xế điều khiển xe Dcar President nói gì?

“Trời! Một cái xe Dcar President, chìa khóa, giấy tờ trao tay có giá 1.750.000.000 đồng. Phải thay nhiều thứ, lắp nhiều thứ nó mới có giá gấp đôi cái xe ban đầu thế chứ”, ông Trung, một tài xế điều khiển chiếc xe hạng tổng thống Dcar President chia sẻ.

Theo ông Trung, mặc dù bỏ bớt 6 ghế sau nhưng xe sau cải tạo nặng hơn xe nguyên thủy đến 600 kg. Để sử dụng các chức năng điều khiển tự động các ghế lên xuống, xoay, mát xa… thì trong mỗi ghế đều được chế thêm ít nhất 1 cái mô tơ điện.

Mặt khác, với trọng lượng mới, chỉ với nhíp và phuộc như Ford Transit nguyên thủy, xe chạy sẽ xóc và không chịu nổi nếu qua ổ gà. Vì vậy, Dcar đã chế thêm bầu hơi, loại dùng cho xe khách 45 chỗ, thay phuộc loại lớn hơn để khi gặp ổ gà xe không bị tưng. Hãng cũng “kéo” thêm lốc lạnh (máy nén chứa mô chất làm lạnh - PV), đồng thời thay thế dynamo (máy phát điện) loại lớn hơn...

Ý kiến của những người trong cuộc

Khi được đặt vấn đề sẽ có những chiếc xe Toyota Hiace được cải tạo theo hướng như Dcar đã làm, ông Lê Nguyễn Văn Minh, Phó phòng kỹ thuật Toyota Việt Nam cho biết: “Toyota khuyến cáo khách hàng không được cải tạo kết cấu xe khác với thiết kế nguyên thủy của nhà sản xuất vì hãng không kiểm soát được mức độ an toàn của xe sau cải tạo. Tai nạn chưa xảy ra ở giai đoạn này nhưng không chắc sẽ không xảy ra trong tương lai và hãng sẽ hoàn toàn không chịu trách nhiệm đối với xe tự ý cải tạo”.

Theo ông Minh, khi lấy bầu hơi của xe khách 45 chỗ gắn vào xe 16 chỗ chắc chắn phải thay đổi một số kết cấu, cải tạo một số chi tiết dưới gầm xe. Nếu xảy ra sự cố vỡ bầu hơi hoặc gãy các chi tiết đấu nối sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống gầm xe, người sử dụng sẽ phải chịu rủi ro. Chiều dài đường dây hoặc tiết diện điện đều được hãng tính toán chi tiết, một khi sử dụng quá nhiều thiết bị điện, nhiều điểm đấu nối điện so với thiết kế nguyên thủy, kiểu gì cũng sinh ra những dòng rò, tia lửa nếu việc cải tạo không đúng cách, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chiếc xe có đảm bảo an toàn cháy nổ hay không là rất khó để chứng minh.

“Thiết kế của xe đã tính toán đến khoảng cách ghế, lối thoát hiểm và người ngồi hướng về phía trước để quan sát, khi làm vách ngăn giữa khoang lái và khoang hành khách là làm mất cơ hội thoát hiểm bằng hai cửa trước của xe cho hành khách, điều này rất nguy hiểm, chưa tính đến khả năng tài xế phía trước nếu gặp vấn đề, người ngồi sau xe không hay biết gì thì làm sao? Mặt khác, việc thay đổi ghế ngồi trên xe ảnh hưởng tới tải trọng phân chia cho các cầu xe, không gian xung quanh xe và có thể tác động đến các cơ cấu điều khiển của xe”, ông Minh chia sẻ thêm.

Ông Trương Kim Phong, Giám đốc bán hàng và tiếp thị Ford Việt Nam khẳng định Ford Việt Nam chỉ bán xe cho khách hàng, không can thiệp vào việc cải tạo. Nhưng nếu cải tạo liên quan đến hệ thống điện và những gì không phải do nhà sản xuất sản xuất thì không được hãng bảo hành. Khách hàng phải đăng ký với cơ quan nhà nước và tự chịu trách nhiệm với việc cải tạo của mình. Ford là một tập đoàn xe hơi lớn của Mỹ, uy tín toàn cầu luôn xem vấn đề an toàn của người sử dụng là một trong những tiêu chí hàng đầu, liệu phản hồi trên có phù hợp hay không?

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thì để thực hiện cải tạo, cơ sở cải tạo phải lập 1 bộ Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế tới Cơ quan thẩm định thiết kế (với xe khách dưới 25 chỗ do Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố thẩm định), nếu đạt yêu cầu, thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn kỹ thuật và quy định hiện hành sẽ được cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Để được đăng kiểm bắt buộc cơ sở thi công phải thực hiện cải tạo theo đúng thiết kế đã được thẩm định.

Theo La Giang - Ảnh: Anh Nguyễn (NTD)