Vụ án VN Pharma: Đã xác định được đường đi của 9.300 hộp thuốc H-Capita?

Vụ án Công ty VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg - Caplet vào Việt Nam với hồ sơ giả, không rõ nguồn gốc gây chấn động dư luận thời gian gần đây...

Theo nguồn tin phóng viên có được, một lãnh đạo cấp cao của Hiệp hội Dược Ấn Độ (xin giấu tên) đã có đơn gửi Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM chỉ rõ địa điểm sản xuất và đường đi của lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Captita 500 mg Caplet trước khi về Việt Nam.

Trong đơn khẳng định, lô hàng nói trên đã được sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng và việc giả mạo xuất xứ để trục lợi bảo hiểm là trách nhiệm của công ty VN Pharma. Kèm theo đơn là những bằng chứng quan trọng để làm sáng tỏ vụ án này.

Lô hàng sản xuất tại Ấn Độ

Theo vị lãnh đạo này, kết luận của phiên tòa sơ thẩm, cũng như dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã có nhiều sai lệch, không chính xác, thậm chí xuyên tạc ảnh hưởng đến sản phẩm dược của Ấn Độ.

Vì thế, ông đã quyết tâm bỏ thời gian đi nhiều nơi, thu thập đầy đủ chứng cứ để cung cấp cho cơ quan pháp luật Việt Nam nhằm làm sáng tỏ vụ án. Nguồn gốc lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg – Caplet được sản xuất tại đâu và nhập vào Việt nam như thế nào đã được vị lãnh đạo này chỉ rõ.

Vụ án VN Pharma: Đã xác định được đường đi của 9.300 hộp thuốc H-Capita?

Câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ của thuốc H-Capita 500 mg – Caplet đã có lời đáp (Ảnh minh họa)

Theo điều tra của ông, lô thuốc 9.300 hộp H-Capita của Công ty VN Pharma được sản xuất tại Công ty Affy Parenterals (địa chỉ: Vill Gullarwala, Sai road, Baddi, distt. Solan (HP), Ấn Độ).

Đây là 1 công ty dược phẩm lớn tại Ấn Độ đã được cấp chứng nhận WHO - GMP, chuyên sản xuất nhiều loại thuốc bao gồm viên nén, viên con nhộng, sản phẩm ngoài da và các sản phẩm tiêm (bao gồm dạng khô, dạng lỏng và dạng đông khô,...).

Affy có tên trong danh sách các nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP – WHO được công bố trên website của Cơ quan Kiểm soát chất lượng thuốc Trung ương Ấn Độ (ở trang số 41).

Ngày 31/3/2014, Công ty Affy đã bán cho công ty Magnolia Limited lô hàng 9.300 hộp H-Capita (Capecitabine 500 mg – Caplet). Đến Ngày 4/4/2014 công ty Magnolia Limited (địa chỉ: 11/621 Sai - Krupa Building, Purna Bniwandi, Thane – 421 302 (Maharastra), Ấn Độ) tiếp tục bán lô hàng này cho Công ty Helix Pharmaceutical Inc (địa chỉ: 392 Wilson Avenue, Toronto, Ontario, Canada. Airway bill số 618 – 1005 1075).

Sau đó, lô hàng này được chuyển về Công ty SIR Logistics (S) PTE LTD (địa chỉ: BLK 336 Smith street, 04-308 New Bridge Central Singapore). Cuối cùng, Công ty VN Pharma mới ký hợp đồng vận chuyển với công ty Austin ở Hồng Kông để chuyển hàng về Việt Nam.

Hiện nay tất cả hồ sơ, giấy phép, hóa đơn, LC thanh toán, Manufacturing licence, invoice packing, vận đơn, tờ khai hải quan hiện đang lưu giữ ở các hãng vận tải, sân bay và hải quan.

Thuốc chất lượng, chỉ giả mạo xuất xứ?

Trong đơn, thành viên cao cấp của Hiệp hội Dược Ấn độ khẳng định, Affy là một nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, được biết đến là nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có thuốc điều trị ung thư dạng viên và dạng tiêm. Còn việc làm sai do sử dụng hồ sơ giả để xin cấp quota nhập khẩu qua các cơ quan chức năng của Việt Nam và giả mạo xuất xứ để trục lợi bảo hiểm là trách nhiệm của công ty VN Pharma. Công ty sản xuất tại Ấn Độ không hề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp vào những việc làm sai trái trên.

Vụ án VN Pharma: Đã xác định được đường đi của 9.300 hộp thuốc H-Capita?

Một chứng từ cho thấy đường đi "lòng vòng" trước khi thành thuốc xịn Canada của VN Pharma (Ảnh: Võ Nguyễn)

“Theo thông lệ quốc tế, việc sản xuất và gia công các sản phẩm dược phẩm theo đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu là việc làm bình thường và phổ biến tại Ấn Độ. Công ty Affy sản xuất hàng theo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký và được cấp phép tại Ấn Độ. Việc thay đổi tem nhãn bao bì thuộc trách nhiệm pháp lý của công ty đặt hàng, không thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất”, thành viên cao cấp này nhấn mạnh trong đơn gửi Tòa Phúc thẩm TP.HCM.

Như vậy, VN Pharma đã “phù phép”, nâng giá trị lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg – Caplet để trục lợi bảo hiểm bằng cách luân chuyển một lô hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ qua nhiều nơi, trong đó có điểm đến là một công ty ở Canada để… gắn “quốc tịch xịn” cho lô hàng rồi nhập khẩu về Việt Nam.

Cũng theo thành viên cao cấp của Hiệp hội Dược Ấn Độ, nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư của Ấn Độ có giấy phép, có danh mục sản xuất các loại thuốc này; đang gia công cho đơn đặt hàng của 44 hãng dược lớn trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Canada.

Vị này cũng ngỏ ý mời cơ quan chức năng ở TP.HCM cũng như của Việt Nam sang tận nơi để kiểm tra, ông này sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, đưa đến tận nơi để kiểm tra. Toàn bộ hồ sơ lô thuốc, phiếu kiểm nghiệm, chứng từ nguồn gốc xuất xứ, giấy phép lưu hành đều lưu giữ ở nhà máy.

Theo nguồn tin, bản chất của vụ án này là các bị cáo VN - Pharma thay đổi xuất xứ hàng hóa để trục lợi tiền bảo hiểm. Bởi vì theo quy định của Việt Nam, giá các loại thuốc biệt dược có xuất xứ từ Canada hoặc các nước G7 (thuộc nhóm 1) và xuất xứ từ Ấn Độ (thuộc nhóm 2) chênh nhau 5-6 lần, thậm chí chênh nhau đến 9 lần. Vì thế, các bị cáo muốn thay đổi xuất xứ hàng hóa để cướp đoạt tiền bảo hiểm.

Vị đại diện của Hiệp hội Dược Ấn Độ cũng không đồng tình và cho rằng thông báo kết quả kiểm nghiệm của tòa án và các cơ quan chức năng có nhầm lẫn bởi theo kết quả kiểm nghiệm mới nhất của hồ sơ lưu mẫu thì hàm lượng của hoạt chất capecitabine đạt 97,3% và tạp chất là 0,168%, còn kết quả kiểm định của Việt Nam là 97% và tạp chất là 0,17%.

Nhưng khi công bố lại nhầm lẫn là 17%. Việc Bộ Y tế Việt Nam cho rằng thuốc không được đưa vào sử dụng do bị công ty Việt Nam dán tem giả nguồn gốc xuất xứ thì ông không phản đối nhưng cho rằng thuốc có tạp chất không đủ tiêu chuẩn chữa bệnh cho người là hoàn toàn không chính xác.

Ông cho rằng khi công an Việt Nam thu giữ thuốc không được bảo quản ở môi trường, nhiệt độ theo quy định dẫn đến tình trạng thuốc có thể biến màu là điều không thể tránh khỏi và đề nghị kiểm tra và trưng cầu giám định lại một cách khách quan để nhân dân khỏi hoang mang và ảnh hưởng đến uy tín các Công ty Dược Ấn Độ.

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt các bị cáo với nhiều mức án khác nhau, cao nhất là 12 năm tù và thấp nhất 2 năm tù treo. Tòa cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của hàng loạt cá nhân thuộc Cục quản lý Dược. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi mà dư luận quan tâm là nguồn gốc, xuất xứ của thuốc vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Theo Người Tiêu dùng

---

* Xem thêm:

+ Video: Vụ VN Pharma: Bị bắt tại tòa, bị cáo Hùng xỉu vì sốc