Việt Nam hội nhập kinh tế: Khi nền kinh tế Việt Nam vẫn còn quá rời rạc

Trong nông nghiệp, trong khi chúng ta xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc lên tới hàng tỷ USD mỗi năm thì thị trường rau quả trong nước lại đang tràn ngập hàng đến từ chính Trung Quốc

Những ngày đầu năm 2016 rộ lên câu chuyện về những yêu cầu cải tổ tận gốc rễ ngành nông nghiệp, khi ngành này từ vị thế từ một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế chiếm tới hơn 20% GDP đang dần trở thành một gánh nặng thực sự. 

Không dừng lại ở đó, những trường hợp có chung những vấn đề như ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay không phải là ít, và hầu hết đều là những lĩnh vực chủ đạo như dệt may hay sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất ở đây không chỉ là những vấn đề nội tại của từng ngành, mà còn là nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn chưa xây dựng được mối liên kết giữa các ngành và lĩnh vực chủ đạo. Nói cách khác, nền kinh tế của chúng ta hiện nay vẫn còn quá rời rạc.
Hệ quả của một nền kinh tế chạy theo xuất khẩu

Câu chuyện về những tình trạng đáng báo động của ngành nông nghiệp trên thực tế đang có ý nghĩa tượng trưng cho toàn bộ những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là quá chú trọng vào vấn đề xuất khẩu một cách thô sơ mà quên đi việc xây dựng một cấu trúc kinh tế vững chãi và ổn định. Không chỉ nông nghiệp, mà hầu như mọi ngành và lĩnh vực trong nền kinh tế đều được khuyến khích hướng tới xuất khẩu một cách tràn lan. 

Điều này dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng, trước hết là sự lệch lạc trong từng lĩnh vực: ngành nông nghiệp thì cố gắng tăng sản lượng thóc gạo để xuất khẩu theo một cách thức chạy đua về số lượng. Ngành dệt may hay các lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng trong tình trạng tương tự, khi tất cả các lĩnh vực đều được xác định giá trị dựa trên tổng kim ngạch và giá trị xuất khẩu.

Nhưng, hệ lụy nghiêm trọng nhất của việc chạy theo xuất khẩu một cách tràn lan này là: nó khiến cho nền kinh tế đang trở nên rời rạc hơn bao giờ hết, khi các bộ phận chủ đạo của nó không thể kết nối được với nhau. Tình trạng này đang tạo ra những vấn đề đáng báo động, chẳng hạn như trong khi Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới thì chúng ta vẫn phải nhập hàng tỷ USD ngũ cốc để phục vụ cho nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Hay như việc ngành xuất khẩu thủy sản nhập khẩu hơn 1 tỷ USD các mặt hàng thủy hải sản từ nước ngoài trong một năm để chế biến phục vụ xuất khẩu, trong khi lại làm ngơ với thủy hải sản nuôi trồng trong nước do thiếu sự tương thích về giá cả và chất lượng.

Tình trạng này đang xảy ra gần như trong tất cả những lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn như trong nông nghiệp, trong khi chúng ta xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc lên tới hàng tỷ USD mỗi năm thì thị trường rau quả trong nước lại đang tràn ngập hàng đến từ chính Trung Quốc. Hay như trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện Việt Nam mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD các loại nguyên liệu để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, mà chủ yếu là đậu tương, ngô và khô cá, đều là những chủng loại nông sản Việt Nam có thể tự sản xuất với giá thành rất rẻ. 

Nhưng chỉ vì quỹ đất nông nghiệp dành cho các loại nông sản này quá ít do bị hướng đến trồng lúa tràn làn để tăng năng suất hướng đến xuất khẩu mà Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu tới hơn 1,2 triệu tấn đậu tương và gần 5 triệu tấn ngô mỗi năm, trong khi đó thì thóc gạo dư thừa đầy kho do giá xuất khẩu quá rẻ.

Điều tương tự cũng đang diễn ra trong hai lĩnh vực được xem là mũi nhọn sau khi TPP đi vào hoạt động là xuất khẩu thủy hải sản và dệt may. Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (VASEP) thì lượng thủy hải sản mà các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu về để phục vụ chế biến đông lạnh xuất khẩu trong năm 2015 lên tới hơn 1 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2014, trong đó nhập khẩu tôm đạt 426 triệu USD chiếm hơn 40% tổng kim ngạch nhập khẩu, cá ngừ đạt 215 triệu USD. 

Phần lớn thủy hải sản nhập về là ở dạng tươi sống để phục vụ chế biến xuất khẩu, riêng tôm hiện Việt Nam đang nhập khẩu từ 37 quốc gia, mà Ấn Độ là nước dẫn đầu chiếm tới 74,7% tổng lượng tôm mà Việt Nam nhập khẩu. Lý do được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy hải sản giải thích cho việc nhập khẩu tôm thay vì sử dụng tôm nuôi trong nước là vì giá thành chênh lệch, hơn nhau tới 1-2 USD/1kg. Ngoài ra chất lượng thủy hải sản trong nước cũng không đảm bảo do nuôi trồng quy mô không lớn và không theo những tiêu chuẩn quốc tế.

Ngành dệt may cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Tỷ lệ nguyên liệu và phụ liệu nội địa trong ngành vẫn ở mức hết sức khiêm tốn là 55%, phần lớn nguyên liệu được sử dụng trong ngành dệt vẫn là nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo thống kê, trong năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu tổng giá trị 15,8 tỷ USD nguyên phụ liệu ngành dệt như các loại bông, xơ, sợi, vải, vv…vv Khả năng tự đảm bảo nguyên liệu sản xuất cho ngành dệt may ở Việt Nam hiện vẫn còn rất thấp, chủ yếu chúng ta nhập khẩu nguyên liệu về gia công rồi xuất khẩu. Đây được xem là một thách thức lớn khi mà hầu hết các hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa ký kết đều quy định về xuất xứ từ vải (hầu hết các FTA), và thậm chí là xuất xứ từ sợi (TPP).

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Sự rời rạc hiện nay ở Việt Nam vì thế không chỉ trong nội bộ các ngành kinh tế, mà còn là giữa các ngành kinh tế với nhau. Nó đang cho thấy Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng chúng của thế giới, trong đó các tập đoàn và doanh nghiệp lớn trên thế giới đều cố gắng tạo ra một chu trình khép kín, từ sản xuất nguyên liệu cho đến chế biến và sản xuất sản phẩm. Sự khép kín này giúp họ quản lý tốt và nghiêm ngặt về quy mô sản lượng, chất lượng của sản phẩm theo những tiêu chuẩn rất cao, giúp sản phẩm có chất lượng tốt và giá thành rất cạnh tranh. Điều này diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất điện tử công nghệ cao như Samsung của Hàn Quốc cho đến sản xuất thức ăn chăn nuôi như CP Group của Thái Lan, tất cả những tập đoàn này đều tạo ra một chu trình khép kín từ cung cấp linh kiện, nguyên phụ liệu cho đến dây chuyền sản xuất và gia công sản phẩm.

Xem xét các trường hợp của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn trên thế giới, có thể thấy chìa khóa mấu chốt cho việc tạo ra sự liên kết giữa các ngành trong nền kinh tế lại với nhau một cách chặt chẽ là phụ thuộc ở quy mô của các doanh nghiệp. Rõ ràng là chỉ có những tập đoàn và doanh nghiệp lớn nào đủ tiềm lực mới có thể xây dựng được những chuỗi sản xuất khép kín như vậy, từ sản xuất nguyên phụ liệu cho đến chế biến và sản xuất sản phẩm. 

Nếu như doanh nghiệp không đủ quy mô và tiềm lực, thì họ sẽ tìm cách nhập khẩu những gì họ thiếu từ những nơi cung cấp có giá thành rẻ nhất, mà chủ yếu là từ nước ngoài như trường hợp các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản nhập tôm từ Ấn Độ vì giá rẻ hơn. Nếu như các doanh nghiệp thủy hải sản này có đủ tiềm lực để tạo ra những khu vực nuôi trồng tôm chất lượng cao cho riêng mình ngay tại trong nước, thì rõ ràng là sẽ rẻ hơn và chất lượng hơn nhiều so với nhập khẩu.

Vai trò của các cơ quan nhà nước, vì thế chỉ nên ở mức hỗ trợ về pháp lý và tài chính cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình này. Sẽ rất khó có thể tạo ra các vòng sản xuất khép kín như vậy nếu như không có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, chẳng hạn như vấn đề pháp lý. Điển hình là việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ loại cây trồng này sang loại cây trồng khác trên quy mô lớn, sẽ bắt buộc phải có sự hỗ trợ từ phía chính phủ. 

Ở một cấp độ rộng lớn hơn, chính phủ có thể tham gia vào việc quy hoạch tổng thể, tạo ra những khu vực kinh tế có cơ cấu thích hợp với từng ngành sản xuất một cách bài bản nhất. Làm được việc đó, cũng đồng nghĩa với việc cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam sẽ thực sự vững chắc và ổn định.

Theo Nhàn Đàm (MTG)