Vì sao Thuận Kiều Plaza ế ẩm?

Mặc dù nằm ở vị trí khá đắc địa, thuận lợi giao thông nhưng sau khi đưa vào sử dụng, Thuận Kiều Plaza rơi vào tình trạng vắng vẻ, phần lớn căn hộ bị bỏ trống. Liệu sao khi về tay đại gia đình đám, Thuận Kiều Plaza có được "thoát xác"?

Vì sao ế ẩm ?

Thông tin trên báo Thanh niên, không phải ngẫu nhiên mà trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp bậc nhất TP.HCM ở khu vực trung tâm Q.5 là Thuận Kiều Plaza chỉ có mười mấy hộ sống (mà đa phần là khách thuê lại - PV), trung tâm thương mại cũng chỉ có mấy gian hàng thuê rồi dọn đi chỉ sau một thời gian ngắn buôn bán ế ẩm.

Những sai lầm trong thiết kế xây dựng cùng hàng loạt câu chuyện đồn thổi kinh dị về trung tâm này cứ chồng chất theo thời gian khiến tòa nhà gần như bị bỏ hoang mười mấy năm nay.

Ông A Lý, một người Hoa chuyên môi giới nhà đất khu vực này, cho biết khi dự án mới đưa vào hoạt động ông đã dẫn rất nhiều người đến đây xem và thuê mặt bằng kinh doanh. Những năm đầu mức giá bán căn hộ tại dự án này đến 40.000 USD/căn. Mặt bằng cho thuê cũng khoảng 160.000 - 200.000 đồng/m2. Mức giá này được xem là khá đắt đỏ nhưng mọi người vẫn đổ xô về xem nhà và hỏi thuê mặt bằng vì nó là một trong những dự án trung tâm thương mại, căn hộ “hoành tráng” đầu tiên tại TP.HCM được xây dựng.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khách hàng lần lượt “chạy mất dép” khi họ nhận thấy mức giá đắt cộng với thiết kế căn hộ, trung tâm thương mại quá bức bối, trần nhà quá thấp, phòng nhỏ, không gian ngột ngạt... Cách thiết kế, bố trí gian hàng không hợp lý, tối tăm khiến người mua nhà, thuê mặt bằng kinh doanh phải bán nhà, trả lại mặt bằng tháo chạy, để tìm nơi kinh doanh, nơi ở khác. Càng về sau, lượng người đến xem căn hộ thưa dần.

“Cho đến 2006, hầu như không có khách đến hỏi mua hay thuê nữa. Đến năm 2009 khi một đám cháy tại đây bùng phát cộng với những lời đồn ma mị ngày càng nhiều khiến nơi đây trở nên hoang vắng, lạnh lẽo”, ông A Lý nói.

Mặc dù nằm ở vị trí khá đắc địa, thuận lợi giao thông nhưng sau khi đưa vào sử dụng, Thuận Kiều Plaza rơi vào tình trạng vắng vẻ, phần lớn căn hộ bị bỏ trống. 

Chuyện “ma” ở Thuận Kiều Plaza cũng được đồn thổi đến mức... nhiều người mua nhà xong không dám ở. Ghé vào khu vực này sáng 28/10, hỏi những người sống và làm việc quanh đây ai cũng kể câu chuyện anh T. làm việc cho một công ty của Hàn Quốc thuê văn phòng tại tầng 30 của tòa nhà này đã gặp “ma”. Thậm chí chủ một căn hộ hiện đang cho thuê cũng cho biết bà mua căn hộ nhưng không dám ở vì sợ “ma”.

“Căn hộ của tôi khoảng 100 m2 với 2 phòng ngủ chỉ cho thuê được giá 5 triệu đồng nhưng khách thuê chỉ được một thời gian cũng dọn đi, bỏ luôn tiền cọc thuê nhà. Khách nào cũng nói họ thấy ma trong căn nhà. Họ nói ban đêm ngủ thường nghe tiếng cọt kẹt ở cửa sổ.

Nhưng khi kiểm tra lại thì tất cả các cửa sổ, cửa chính đều đóng. Nhiều người yếu bóng vía thậm chí còn nói thấy những bóng người đi lại trong nhà mỗi đêm. Cả tòa nhà rộng lớn nhưng chỉ có mấy người ở, cộng với những lời đồn đoán có ma nên không ai dám ở. Bản thân gia đình tôi cũng thấy sợ không dám ở, khiến căn nhà bỏ hoang mấy năm nay”, bà này cho hay.

“Sau khi dự án rơi vào tình trạng “chết” lâm sàng, chủ đầu tư vẫn không có kế hoạch “vực dậy” bằng các chính sách thu hút khách hàng mà gần như buông xuôi khiến tòa nhà càng “thê thảm” hơn”, A Lý nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thuận Kiều Plaza “chết” là do lỗi phong thủy khi xây dựng. Có ý kiến cho rằng, nếu nhìn từ xa thì Thuận Kiều Plaza không khác gì bát hương với 3 cây nhang cắm thẳng lên trời, một điều đại kỵ với văn hóa của người phương đông…

Bỏ qua yếu tố trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, bày tỏ trên báo Trí thức trẻ rằng các nhà đầu tư đã “bê” nguyên mẫu mô hình nhà ở của HongKong sang đặt tại đây. Trong khi đó, chúng ta thừa biết rằng phong cách thiết kế này lại hoàn toàn không phù hợp với người Việt Nam.

Theo đó, công trình khi đó được xây dựng theo thiết kế xà cột chứ không như hiện nay, do vậy căn hộ nào cũng có một xà ngang chạy ngang nhà mà lại nằm ngay phòng ngủ. Kèm với trần nhà khá thấp, không thoáng khí. Do đó, nhiều người cho rằng chính cây xà này đã “đè” nặng lên cuộc sống, sinh mạng của mình nên không ai dám ở.

“HongKong là nơi đất chật người đông nên kiểu thiết kế này rất phù hợp, nhưng tại Việt Nam thì ngược lại. Người Việt chúng ta phóng khoán nên muốn sống trong một ngôi nhà vuông vứt, thoáng mát chứ không ngột ngạt như thế.”, ông Châu nói.

Một nhà đầu tư khác cũng cho rằng ban đầu chủ ý của người làm nên dự án này với mong muốn bán căn hộ cho cộng đồng người Hoa, nhưng kết quả không như mong muốn nên dự án bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Đổi chủ liệu có đổi vận?

Theo một vài thông tin xuất hiện gần đây, Thuận Kiều Plaza (quận 5) đã được mua lại với giá trị khoảng trên 600 tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, chủ đầu tư mới sẽ chuyển đổi dự án này thành khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp mới. Nhiều người tò mò, đặt câu hỏi liệu sắp tới số phận của dự án này có được "thoát xác" nhờ đại gia mới.

Được xây dựng vào năm 1994, Thuận Kiều Plaza do Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) và Kings Harmony Int MTV của HongKong liên doanh đầu tư.

Dự án, được xây dựng trên khu đất gần 10.000m2, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 55 triệu USD. Năm 1998, dự án hoàn thành gồm 3 tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như khu giải trí, nhà xe, hồ bơi …

Theo những thông tin gần đây thì chủ mới của Thuận Kiều Plaza là Công ty Vạn Thịnh Phát, một doanh nghiệp tên tuổi trong giới địa ốc. Được ra đời vào năm 1992, Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan thành lập với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn, sau đó mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Năm 2007, Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.

Hiện nay, doanh nghiệp này đang hoạt động chính trong việc đầu tư, xây dựng và kinh doanh khu dân cư, khu du lịch, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở,… Vạn Thịnh Phát đang sở hữu nhiều khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ. Trong đó có Khách sạn thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel và Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence.

Theo Ngọc Anh (ĐSPL)