Vạch trần kỹ nghệ ‘độ’ bình gas giả gây nguy hiểm

Tính mạng và tài sản của hàng triệu hộ gia đình đang đứng trước nguy cơ mất an toàn cháy nổ nghiêm trọng.

Một con số thống kê chưa chính thức cho thấy 30% số vỏ bình gas giả (ước tính khoảng 5 triệu bình) đang trôi nổi trên thị trường gây nguy cơ về hiểm họa cháy nổ, đe dọa sự an toàn về tài sản và tính mạng của hàng triệu gia đình. Len lỏi ngóc ngách của thế giới “nhiên liệu” phổ cập này, PV không khỏi ngỡ ngàng với kỹ nghệ “độ” bình gas giả siêu hạng của các cơ sở sản xuất, sang chiết gas. Đáng nói, nó được thực hiện từ chính

Biến thật thành... giả

Xin được bắt đầu bài viết từ con số mà cánh PV bản báo thu thập được từ Hiệp hội Gas Việt Nam, có đến khoảng 30% số vỏ bình gas đang lưu hành trên thị trường là giả. Ước tính có khoảng 15 triệu bình gas đang được đưa vào sử dụng. Điều đó có nghĩa, xấp xỉ 5 triệu vỏ bình gas đang trôi nổi trên thị trường, được ví như những quả “bom nổ chậm” đe dọa tính mạng người tiêu dùng.

Vạch trần kỹ nghệ ‘độ’ bình gas giả gây nguy hiểm

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất bình và sang chiết gas trái phép.

Thực tế, bình gas giả đang trở thành nỗi ám ảnh đối với từng bếp ăn gia đình. Đáng tiếc hơn, người tiêu dùng không có cơ hội lựa chọn cho mìnhbình gas tốt. Bởi đơn giản, với thủ đoạn làm giả hết sức tinh vi của các cơ sở sang chiết gas, đến nhà quản lý còn bị qua mặt thì người dân chỉ biết chấp nhận một sự thật mang tính may rủi.

Phải rất cất công, cánh PV mới có thể tiếp cận được với một nhân viên chở gas cho nhiều cửa hàng tại các quận nội thành Hà Nội. Biết chúng tôi đang có ý định theo chân học hỏi kinh nghiệm trước khi vào nghề cung cấp gas, gã không chút giấu giếm. Theo thanh niên này, hầu hết các hộ kinh doanhmặt hàng gas đều sang chiết trái phép. Họ sang chiết gas từ các bình gas giá thấp như Vạn Lộc, Gia Định sang bình Shell (xanh lam), Total (vàng), Elf (bình đỏ)... Thủ đoạn là sử dụng những niêm phong giả giống niêm phong chính hãng để chụp lên bình gas sang chiết, “ăn” chênh lệch giá từ 30.000 – 50.000 đồng/bình. Các bình gas nhãn hiệu Shell, Total, Elf... cũ tồn tại ở các cửa hàng không được đổi bình mới từ công ty sản xuất mà chúng sẽ luôn được sử dụng quay vòng phục vụ các cửa hàng hay hộ gia đình.

Tìm đến lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gas, chúng tôi được biết, chi phí để sản xuất ra một vỏ bình khoảng 500 nghìn đồng. Khi một bình gas xuất xưởng đến với người tiêu dùng lần đầu tiên, doanh nghiệp chỉ tính phí cược bình 200 nghìn đồng và số lãi chỉ khoảng vài chục nghìn đồng/bình gas.

Thông thường phải mất 3 tháng, doanh nghiệp mới quay vòng được bình gas với người sử dụng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp "ma" dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt vỏ bình thì công ty gas sẽ không những không có lãi mà bị lỗ mất hàng trăm nghìn đồng/bình, những công ty ít vốn sẽ bị đẩy đến bờ vực phá sản. Còn những đơn vị làm ăn bất chính kia sẽ trúng đậm vì không phải mất chi phí làm vỏ bình. Cũng theo vị này, doanh nghiệp của ông đã xuất ra thị trường 1,1 triệu vỏ quay vòng, nhưng thống kê sơ bộ, hiện có đến 250 nghìn vỏ bình đang bị chiếm dụng.

Vậy, thủ đoạn chiếm dụng và làm giả bình gas đã đạt đến mức độ tinh vi như thế nào? Đi sâu tìm hiểu thế giới bình gas chìm nổi, cánh PV đã phần nào nắm được kỹ nghệ “độ” có một không hai.

Chiêu “cắt tai mài vỏ”...

Vạch trần kỹ nghệ ‘độ’ bình gas giả gây nguy hiểm

Lực lượng liên ngành TP. Hà Nội đã tổ chức tiêu hủy gần 500 vỏ bình gas giả các nhãn hiệu nổi tiếng khác nhau.

Để thu gom được vỏ bình của các hãng gas trên thị trường, những công ty "ma" dùng nhiều thủ đoạn như: Giảm giá bán, khuyến mãi tặng quà cho khách hàng đổi sang dùng sản phẩm mới... Người tiêu dùng thấy lợi sẽ sẵn sàng đổi bình gas cho hãng khác mà không hề hiểu rằng đang phải đối mặt với những hiểm họa cháy nổ khôn lường. Sau khi thu gom được vỏ bình, các công ty sẽ tập kết để "phù phép" thành vỏ bình gas của công ty mình bằng cách đập quai xách bình cũ để thay mới, xóa dấu vết mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ bình quét lại thành tên công ty khác. Vì thế, các hãng bị chiếm đoạt vỏ bình gọi đây là chiêu "cắt tai mài vỏ”. Tuy nhiên, phía trong bình gas vẫn còn in chìm tên hãng gas. Và muốn xác định nguồn gốc của bình gas chỉ còn cách cắt đôi vỏ bình mới biết được.

Đáng nói hơn, các bình gas này không chỉ bị làm giả tem, màng co... mà còn bị bơm thiếu trọng lượng. Trung bình hao hụt khoảng từ 2-6 kg/bình. Theo tính toán, một bình gas 12kg hiện có giá bán khoảng 330.000 đồng.

Bình gas nạp thiếu 2kg, họ bỏ túi 55.000 đồng, còn thiếu đến 6kg là đã gian lận đến 158.000 đồng. Chưa kể nguồn gas được thu mua trôi nổi, chất lượng không bảo đảm có giá thấp hơn khoảng 20% so với gas chất lượng của chính hãng.

Ghi nhận hiện tại của PV, trên thị trường có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gas mang thương hiệu khác nhau, nhưng có uy tín lâu năm phải kể đến Petrolimex Gas, VT-gas, Sài Gòn Petro, Petro VN Gas, Shell... Nhiều hãng gas ra đời, công tác quản lý lại lỏng lẻo nên để bảo vệ thương hiệu, ngoài hình thức, kiểu dáng và thương hiệu trên vỏ bình, các cơ sở kinh doanh thường có ký hiệu riêng nhằm tránh bị làm giả.

Tuy nhiên, những ký hiệu này thường chỉ các cơ quan chuyên môn và cơ sở sản xuất mới biết, còn người tiêu dùng rất khó để phân biệt gas sản xuất chính hãng hay gas sang chiết lậu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho đối tượng sản xuất, kinh doanh gas trái phép có đất hoạt động.

Ông Trần Minh Loan- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, hành vi “cắt tai mài vỏ”, chiết nạp gas lậu là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội và người tiêu dùng. Hơn nữa, hành vi này còn gây thất thu thuế cho Nhà nước, gây thiệt hại cho những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính.

Để hạn chế tình trạng gas giả, gas lậu trên thị trường, theo ông Loan các cơ quan chức năng cần tìm ra công ty đầu mối cung cấp gas cho các trạm sang chiết bất hợp pháp và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Hiện, Hiệp hội Gas Việt Nam đã “điểm mặt” một số công ty và có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm.

Triệt phá hàng loạt vụ làm giả bình gas

Trao đổi với PV, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội 14 quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để tiến hành xử lý theo thẩm quyền đối với công ty TNHH khí đốt Thăng Long có hành vi sang chiết gas trái phép. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ hàng nghìn bình gas mang hơn 10 nhãn hiệu khác nhau.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện công ty này có hành vi sản xuất vỏ bình gas trái phép, trong khi công ty không có giấy phép đăng ký sản xuất vỏ bình gas. Tương tự trước đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc công ty Điện Quang về hành vi kinh doanh trái phép theo Điều 159, Bộ luật Hình sự. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thống kê tại hiện trường lên tới hơn 2.000 vỏ bình gas của 24 hãng gas khác nhau. Công ty Điện Quang còn xóa dấu vết mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ bình của các hãng khác rồi quét lại sơn thành thương hiệu của mình để sang chiết gas lậu.

Theo Trần Quyết – Trung Dũng (NĐT)