Từ nỗi đau đến nỗi lo: Cá chết đi về đâu?

“Cá chết đi về đâu?” - câu hỏi đặt ra sau hiện trạng cá nhiễm độc chết trắng bờ biển 4 tỉnh miền Trung cũng là nỗi lo đau đáu của biết bao người.

Cá chết nhiễm độc đi về đâu?

Cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là câu chuyện thời sự nóng hổi được cả nước quan tâm nhiều ngày nay. Từ đầu tháng Tư, hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu xảy ra tại dọc bờ biển tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tượng này tiếp tục lan ra 3 tỉnh còn lại.

Hình ảnh cá chết trắng dọc bờ biển, những con cá bắt đầu phân hủy và nước mắt của người ngư dân thực sự là nỗi ám ảnh với biết bao người. Theo thống kê mới đây, Quảng Trị khoảng 30 tấn, Hà Tĩnh có khoảng 10 tấn cá biển chết, tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế chưa có con số cụ thể.

Từ nỗi đau đến nỗi lo: Cá chết đi về đâu?

Người dân rắc vôi bột, xử lý hóa chất trước khi chôn cá. Ảnh: Vnexpress. 

Thực trạng vẫn đang ở trước mắt, người dân lại thêm hoang mang khi không biết xử lý xác cá chết như thế nào?

Đến trước ngày 25/4, do các văn bản chỉ đạo xử lý cá chết được ban hành muộn nên nhiều tấn cá chết được người dân 4 tỉnh miền Trung chôn dọc bờ biển, chỉ cách mép nước vài chục mét. Phương pháp xử lý cá chết chủ yếu trong những ngày qua là bằng cách thu gom, đào hố chôn và rắc vôi bột.

Sau khi các văn bản chỉ đạo địa phương được ban hành, hướng dẫn người dân các địa phương có tình trạng cá chết chọn khu cách ly, đào hố chôn và tiêu hủy bằng hóa chất như chlorine, formol, thuốc tím, vôi bột…Tuy nhiên, việc xử lý cá chết như thế nào để bảo vệ môi trường vẫn là vấn đề được đặt ra.

Có không kinh doanh vô lương tâm, hủy hoại đồng bào?  

Theo 1 clip thử nghiệm mới đây, cá chết chỉ sau 2 phút bơi trong nước biển Vũng Áng (Quảng Bình). Nhiều người cảm thấy hoang mang trước thông tin cá chết dọc bờ biển Quảng Bình được người dân thu gom bán cho thương lái. Những con cá chết nhiễm độc này sẽ đi về đâu? Trước đó, ở 4 tỉnh này đã có hiện trạng người dân thu gom cá chết về làm thực phẩm, bán hoặc làm nước mắm.

Đau lòng hơn nữa, theo những hình ảnh được ghi nhận mới đây của một tờ báo, nhiều người dân tấp nập giăng lưới, bắt cả ở men mép nước bị nghi nhiễm độc về bán cho thương lái với giá cao.

Từ nỗi đau đến nỗi lo: Cá chết đi về đâu?

Người dân giăng lưới, bắt cá lờ đờ nghi nhiễm độc về bán cho thương lái. Ảnh: Dân trí.

Bài viết này còn trích dẫn câu nói của một người dân địa phương dù biết ăn cá này khá nguy hiểm nhưng được trả giá cao nên họ quyết định vớt cá đem bán! Vì sao vậy? Ngư dân đã chịu thiệt hại nhưng chính họ lại đang tiếp tay để hủy hoại đồng loại!? Xin được trả lời vì đồng tiền, vì cái lợi trước mắt.

Chúng ta vừa trách nhưng vừa thương người nông dân. Nhưng cũng phải lên án kiểu kinh doanh vô lương tâm đang cố tình hủy hoại sức khỏe của biết bao nhiều người tiêu dùng.

Nhằm mục đích qua mắt các lực lượng chức năng, có thương lái còn chọn những thời điểm như sáng sớm hoặc chiều tối để thu mua cá. Câu trả lời bỏ ngỏ còn xót xa hơn nữa khi mọi người tiếp tục đặt câu hỏi “Cá chết đi về đâu?”.

Không  ăn cá chết nhiễm độc

BS Ngọc Lâm (nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội) cho biết cá chết nhiễm độc trước hết cần sớm được tiêu hủy để hạn chế tối đa sức ảnh hưởng đến môi trường. Bác sĩ cũng khẳng định người tiêu dùng cần thông minh khi lựa chọn hải sản ở các chợ khi mua về.

Trả lời báo chí, ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương khẳng định những con cá chết do nhiễm hóa chất độc hại, kim loại nặng hoặc chất tẩy rửa mạnh… không có cách nào để loại bỏ độc tố khỏi chúng.

Vì vậy, với những con cá nhiễm độc này, thậm chí là những con cá nghi nhiễm độc hay đang sinh sống ở vùng biển 4 tỉnh nên đều không nên ăn.

Theo các bác sĩ, các phương pháp chế biến hải sản chết thành dạng khô hay đem làm mắm, nước mắm cũng không đào thải được độc chất nếu có.

Một lần nữa, hồi chuông về an toàn thực phẩm, về ý thức của người  dân, về chữ tâm của người kinh doanh lại được gióng lên. Cá chết cần được đi về đúng nơi xử lý để trước hết là bảo vệ môi trường và bảo vệ tính mạng của người tiêu dùng.

Theo Nguyệt Minh ( emdep )