Trời "mù" ở TP.HCM đến trưa: Người dân yên tâm ra đường!

Trong những ngày gần đây TP.HCM liên tục xuất hiện một lớp “mù” từ sáng sớm sớm và kéo dài cho đến trưa. Khi chứng kiến hiện tượng này nhiều người đã liên tưởng đến đợt “mù khô” xảy ra cùng thời điểm năm 2015.

Trời “mù” ở TP.HCM đến trưa: Người dân yên tâm ra đường!

Lớp mù phủ lên các tòa chung cư trong sáng ngày 15/11.

Tuy nhiên thông tin mới nhất từ Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ thì đây là “mù ướt” – hiện tượng thời tiết không ảnh hưởng tới sức khỏe, do vậy người dân hoàn toàn yên tâm khi ra đường.

Theo đó, trả lời câu hỏi của PV Infonet, ông Vũ Quang Đẩu – Phó trưởng Phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đã có những lý giải chi tiết về hiện tượng thời tiết này.

Cụ thể, về định nghĩa “Mù” theo tiêu chuẩn của ngành khí tượng, là hiện tượng những hạt nước rất nhỏ lơ lửng trong không khí thành một màn khá mỏng màu xám, bao phủ cảnh vật, làm giảm tầm nhìn xuống dưới 10km nhưng trên 1km, và trong mù không có cảm giác “ẩm ướt” hay “dinh dính”.

Trong khi đó sương mù là hiện tượng khí tượng do những hạt nước rất nhỏ lơ lửng trong không khí và làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km.

Trong sương mù có cảm giác “dinh dính”, “ẩm ướt”, và thông thường sương mù màu trắng lờ, nhưng ở vùng công nghiệp có thể có màu vàng đục hay xám.

Còn mù khô là khi không khí vẩn đục do những phân tử khô lơ lửng mà mắt thường không phân biệt được, nhiều khi không khí có màu vàng mờ mờ.

Trong mù khô, độ ẩm tương đối thấp, tầm nhìn thường dưới 10km, đôi khi mù khô dầy, tầm nhìn giảm xuống dưới 1km, có thể che cả bầu trời trông giống màn mây Cs (Mây Ti tầng có hình dạng giống như một màng mỏng trong suốt, trắng đục, được cấu tạo bằng tinh thể băng, đôi khi che phủ cả bầu trời) nhưng màu vàng hơn.

“Đối chiếu với các định nghĩa trên thì lớp sương xuất hiện vào buổi sáng 15/11 chính là mù (hay còn gọi là mù ướt để phân biệt với mù khô) vì làm giảm tầm nhìn nhưng vẫn trên 1km và không có cảm giác “ẩm ướt” hay “dinh dính” và tan đi khi nắng lên”.

“Đây là hiện tượng bình thường, thường thấy khi độ ẩm không khí cao đạt 100% hoặc gần 100% và khi có không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam.

Khi lớp sương làm giảm tầm nhìn xuống dưới 1km thì lúc đó gọi là sương mù mà chúng ta thường thấy khi đến Đà Lạt. Vì vậy, Mù không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người dân” – ông Đẩu khẳng định.

Cũng theo ông, hiện tượng này sẽ còn xuất hiện trong các tháng tiếp theo đầu mùa khô nhất là khi có không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam.

Số liệu quan trắc tại một số vị trí được Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ ghi nhận:

Độ ẩm không khí tại khu vực sân bay Tân sơn Nhất lúc 7h sáng ngày 15/11: 100%, trong khi các ngày trước đó khoảng 89%, tại khu vực Nhà Bè lúc 7h sáng ngày 15/11: 96%%, trong khi các ngày trước đó cũng khoảng 89%.

Theo infonet