Tranh thêu chữ thập: 'Ảnh hưởng kép' đến sức khỏe và truyền thống

Tranh thêu chữ thập du nhập vào Việt Nam từ những năm 2005 và trong 3 năm trở lại đây đã trở thành một trào lưu của nhiều chị em.

Với giá thành rẻ, đa dạng về mẫu mã, dễ thực hiện… nên tranh thêu chữ thập dù được cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng những vẫn đang khiến nhiều người “phát sốt”.

Tiềm ẩn những nguy hại khôn lường về sức khỏe

Hiện trên thị trường có nhiều cơ sở buôn bán tranh thêu chữ thập, điều đáng nói là hầu hết các cơ sở này đều không có chứng nhận chứng minh nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Một nhân viên bán hàng tại một tiệm chuyên về tranh thêu chữ thập trên đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Đà Nẵng thản nhiên nói: "Tranh thêu chữ thập đều có xuất xứ từ Trung Quốc, cửa hàng của tụi em bán đều là của công ty, có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng đàng hoàng không như các loại trôi nổi trên thị trường, chị cứ an tâm".

Nhưng khi được hỏi cơ quan nào chứng nhận thì cô nhân viên chỉ ậm ờ: “Giấy chứng nhận có sẵn trong bao bì sản phẩm đó chị”.

Tranh thêu chữ thập được bày bán tràn lan, ngay ở các cửa hàng có tên tuổi, với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, thỏa mãn nhu cầu của người mua thuộc mọi lứa tuổi.

Tranh thêu chữ thập: 'Ảnh hưởng kép' đến sức khỏe và truyền thống

Sự đa dạng về mẫu mã của tranh thêu chữ thập

Dù được các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc khi sử dụng, nhưng tranh thêu chữ thập vẫn đang “hút hồn” nhiều chị em, từ các cô bán hàng ở chợ, nhân viên văn phòng đến các bạn học sinh, sinh viên.

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại chỉ thêu với hơn 400 màu sắc khác nhau được bán với giá từ 1.000 – 4.000 đồng/tép chỉ. Nhưng trên sản phẩm không có nguồn gốc sản xuất. Chỉ thêu thuộc nhóm vật liệu dệt phải qua kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Công thương vì có khả năng chứa phẩm màu azo (chất thuộc danh mục cấm) và formandehyt (chất có nguy cơ gây dị ứng, ung thư nếu tiếp xúc nhiều). Còn mẫu vải tranh chữ thập được làm cứng hơn so với vải bình thường bằng hóa chất. Các hóa chất này rất độc hại đối với người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp.

Chị Lê Thị Trang (quận Hải Châu, Đà Nẵng) là nhân viên bán hàng mỹ phẩm cho biết, chị thấy nhiều người thêu cũng mua về thử, vì đơn giản nên mất chừng 10 phút là biết cách làm. “Khi hoàn thành bức tranh thêu đầu tiên, tôi vui lắm, thế là như bị “bỏ bùa mê”, càng thêu càng nghiện. Nhưng lâu mới để ý sau mỗi lần thêu thì cả tay đều bị nhuộm màu chỉ, mút chỉ nhiều thấy nhức đầu nên giờ không thêu nữa”, chị Trang nói.

Cũng theo các chuyên gia, với thói quen cắn chỉ, mút chỉ khi thêu sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các chất có hại có trong chỉ thêu. Ngoài ra, người thêu tranh chữ thập còn có nguy cơ mắc các bệnh về mắt khi thêu tranh nhiều giờ liền, đau cột sống vì ngồi nhiều một chỗ…

Theo phát biểu trước báo giới mới đây, Th.s Trần Thị Kim Dung – Giám đốc trung tâm thị nghiệm Dệt may (Viện Dệt may) cho biết: hiện chưa có đơn vị nào nhập khẩu mặt hàng tranh thêu chữ thập có chứng nhận kiểm nghiệm chứng minh đạt chuẩn an toàn. Theo bà Dung, các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo là các chất bị cấm có trong vải. Còn Formandehyde cũng được xem là một chất có nguy cơ gây ung thư, dị ứng cho người sử dụng.

“Lấn đất” tranh thêu truyền thống

Song hành với quá trình hình thành và phát triển của đất nước, nghề thêu tranh tay truyền thống cũng trải qua những khúc thăng trầm theo từng giai đoạn lịch sử, nhưng cho đến nay, với giá trị văn hóa, nghệ thuật của mỗi bức tranh thêu tay luôn khiến nhiều người trân trọng, gìn giữ. Nhưng hiện nay, trên thị trường, sự du nhập của loại hình tranh thêu chữ thập đang “gây bão” với các chị em phần nào ảnh hưởng đến chỗ đứng của tranh thêu tay truyền thống, đặc biệt với thế hệ trẻ.

Tranh thêu chữ thập rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được chỉ với 10 phút đọc hướng dẫn, bởi vải thêu đã có dập lỗ sẵn, lô thêu đã được lập trình thiết kế theo các mẫu cố định, màu chỉ cũng được đánh số, in màu sẵn lên vải. Và người thêu chỉ cần dò tìm chỉ màu theo bảng hướng dẫn, rồi đưa mũi kim theo hình chữ X. Sau khi thêu xong chỉ cần giặt sạch, phơi khô, đưa ra tiệm, đóng khung, phun nhũ màu lên là hoàn thành thành phẩm đáng “tự hào”. Chính sự đơn giản hóa mọi khâu thực hiện nên bất kể ai muốn cũng có thể tự tạo cho mình một bức tranh cho riêng mình.

Khác với thêu tranh chữ thập, tranh thêu tay đòi hỏi người thợ phải bỏ nhiều công sức và tâm huyết vào từng đường kim mũi chỉ. Tranh thêu tay truyền thống phải được vẽ tay trực tiếp lên vải, can tay bằng giấy than, vẽ tay ra giấy can, châm kiểu bằng tay. Hình chỉ là các nét vẽ chứ không có màu sẵn. Chỉ thêu rất đa dạng được làm hoàn toàn bằng sợi tơ tằm, có chỉ thô, chỉ bóng với hàng trăm màu sắc đậm nhạt khác nhau, phải thật cẩn thận nhận biết, lựa chọn màu chỉ đúng với ý đồ của bức tranh.

Ngoài ra, còn tùy thuộc vào kiểu dạng họa tiết để chon cách thêu đẹp nhất như: đâm xô, móc xích, đột, sa hạt... Ở mỗi bức tranh, người thợ phải đam mê, tinh tế, biết "nhập hồn” theo từng nét chỉ, đường kim, có vậy mới tạo ra được những bức tranh có nét riêng. Do đó, không phải ai cũng có thể theo nghề, phải là người có quyết tâm và yêu nghề thực sự mới gắn bó lâu dài.

Tranh thêu chữ thập: 'Ảnh hưởng kép' đến sức khỏe và truyền thống

Hiện nay có nhiều cửa hàng kinh doanh tranh thêu chữ thập

Đối lập với những bức tranh thêu tay có khi phải mất mấy năm trời mới hoàn thành, sự đơn giản hóa của tranh thêu chữ thập đã cuốn nhiều bạn trẻ mải chạy theo mà quên đi cái đẹp đích thực của tranh thêu tay truyền thống.

Không dễ gì mà học giả người Pháp Gabrielle, chuyên nghiên cứu văn hóa Á Đông viết: "…Nhiều nơi đã truyền lại cho con cháu những ngành nghề lạ lùng là vẽ hình bằng chỉ làm cho bông sen, bông tử nở trên lụa, làm cho bươm bướm lượn trên mặt nước trong xanh, người thợ thêu An Nam khéo léo hơn người thợ thêu Trung Quốc về đường kim mũi chỉ và cách pha màu sắc…”. Hãy là người Việt Nam biết trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Theo An Nhiên(NDT)