Trang bị kỹ năng sống từ nhỏ cho trẻ là điều cần thiết

Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, điều đó đòi hỏi người Việt phải luôn không ngừng học hỏi. Việc đòi hỏi phải phát triển năng lực cá nhân dẫn đến thế hệ trẻ  Việt đang phải đối mặt với những thách thức từ môi trường sống, học tập… Song, do nhiều bạn trẻ do không được trang bị kỹ năng sống ngay từ nhỏ đã gặp phải nhiều vấn đề như thiếu kiểm soát hành vi, bốc đồng, lệch chuẩn… Vậy kỹ năng sống là gì? Bạn đã thực sự hiểu về nó?

trang-bi-ky-nang-song-tu-nho-cho-tre-la-dieu-can-thiet

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, kỹ năng sống là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày.

Nếu như việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ tại Việt Nam bị bỏ ngõ thì ở các nước phương Tây và một số nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản vấn đề này đã được đưa ra giáo dục trẻ em nước họ ngay từ lúc nhỏ.

Thanh thiếu niên ở nhiều nước phương Tây đã được học những kỹ năng sống về những tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống, cách đối diện và đương đầu với những khó khăn, cách vượt qua những khó khăn đó cũng như cách tránh những mâu thuẫn, xung đột, bạo lực giữa người và người.

Học sinh tiểu học ở Hàn Quốc được học cách đối phó thích ứng với các tai nạn như cháy, động đất, thiên tai... tại Trung tâm điều hành tình trạng khẩn cấp Seoul. Ở Nhật, họ rất xem trọng giai đoạn trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Họ quan niệm dạy kỹ năng sống cho trẻ không phải bắt đầu từ khi trẻ đi học mà nó cần được dạy ngay từ khi trẻ mới sinh ra và cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất để dạy trẻ những kỹ năng ấy.

trang-bi-ky-nang-song-tu-nho-cho-tre-la-dieu-can-thiet
(Ảnh minh họa)

Trở lại vấn đề Việt Nam, do từ nhỏ được chăm sóc quá kỹ lưỡng, luôn được sự bao bọc từ thế hệ trước nên trẻ Việt sinh ra ỷ lại, thích dựa dẫm. Hiện nay, điều kiện sống được cải thiện, trẻ Việt có thể sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử thông minh, có nhiều cơ hội để tiếp xúc với thế giới hơn nhưng thế giới của chúng lại vô cùng hạn hẹp.   

Tại trường học, những gì các em được học phần lớn chỉ mang tính lý thuyết, thiếu thực hành thực tế. Trong gia đình, một bộ phận phụ huynh thì quan điểm cho trẻ tự do học hỏi mọi thứ như vậy là tốt, nhưng đây là một tư duy sai lầm và tầm nhìn lạc hậu trong thời đại tiên tiến hiện nay.

Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói: “Gia đình là tế bào của xã hội”, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức trong gia đình. Cha mẹ nên vun đắp kỹ năng giao tiếp với mọi người cho trẻ từ nhỏ. Đạo đức của con trẻ chính là từ những việc làm của cha mẹ và mọi người xung quanh mà hình thành.

Việc cha mẹ kiên nhẫn để lắng nghe và trò chuyện cùng con, cho con tự lập nhưng vẫn theo dõi, hướng dẫn cho con mình những đường hướng đúng đắn mà không mang tính áp đặt, quy chuẩn sẽ giúp cho con bạn sống có kỹ năng tốt hơn. Thay vì dang tay che chở cho con khi chúng bị vấp ngã trong đường đời, bạn hãy dạy con cách đứng lên, cách vượt qua sóng gió để tiếp tục bước đi.

Đừng suy nghĩ theo lối mòn kiểu cho con học ở trường là đủ, mà hãy cùng con bạn đồng hành trên con đường phát triển tương lai của chúng.

Thanh Vy