Toyota Innova 2016 sắp về Việt Nam có gì đặc biệt?

Chiếc xe Toyota Innova 2016 là loại MPV 8 chỗ ngồi đang được thị trường Việt Nam mong đợi sẽ có nhiều cải tiến đột phá. Dưới đây là thông tin chi tiết ngoại thất, nội thất, động cơ của Toyota Innova 2016

Ngoại thất của Toyota Innova 2016

Kích thước Innova thế hệ thứ 2 nhỉnh hơn 1 chút so với thế hệ đầu. Cụ thể thì Innova 2016 dài hơn 180 mm, rộng hơn 60 mm, và cao hơn 25 mm. Tuy nhiên, chiều dài cơ sở vẫn giữ nguyên ở mức 2.750 mm.

Phần đầu Innova thế hệ mới trông hầm hố và ấn tượng hơn với lưới tản nhiệt hình thang kích thước lớn, nối liền với cụm đèn trước sử dụng bóng LED đặt trong thấu kính projector và 4 bóng LED chiếu sáng ban ngày trên bảng Q cao nhất. 2 Phiên bản còn lại thì cụm đèn trước vẫn là loại halogen.

Phần đuôi xe cũng được thiết kế lại hoàn toàn với cụm đèn hậu hình boomerang, kéo dài vào trung tâm tạo cảm giác chiếc xe rộng hơn về mặt thị giác. Đặc biệt, cửa sau của Innova 2016 còn có chức năng mở thông minh - Smart Close Back Door, nhưng Toyota chưa giải thích cụ thể nó sẽ như thế nào.

Cửa sổ thứ 3 ở 2 bên thân xe cũng có hình dạng mới, vút cao về sau thay vì đổ dần xuống dưới ở thế hệ trước. Bản Q cao cấp nhất sẽ sử dụng mâm 17", 2 bản còn lại trang bị mâm 16" tiêu chuẩn.

Nội thất Toyota Innova 2016 có gì đặc biệt?

Nội thất Innova 2016 cũng cập nhật thiết kế mới của gia đình Toyota và trông hiện đại hơn. Những điểm đáng chú ý có thể kể đến vô lăng 3 chấu tích hợp nút bấm tiện ích, bảng đồng hồ tích hợp màn hình đa thông tin hiển thị màu, và đặc biệt là đầu giải trí với màn hình cảm ứng 8".

Theo Toyota thì đầu giải trí mới của họ có thể điều khiển bằng cử chỉ Air Gesture, lướt web và kết nối chuẩn HDMI. Ngoài ra, Innova 2016 bản cao cấp nhất còn có thêm đèn nền nội thất và 2 dàn lạnh điều khiển tự động.

Hệ thống khóa thông minh đi kèm tinh năng khởi động nút bấm cũng có mặt trên Innova thế hệ thứ 2.

Động cơ của Toyota Innova 2016

Tại thị trường Indonesia, Toyota Innova thế hệ mới có 2 phiên bản động cơ khác nhau.

Đầu tiên là động cơ xăng 1TR-FE 4 xi-lanh, Dual VVT-i, dung tích 2.0 lít, sản sinh công suất tối đa 139 mã lực tại vòng tua máy 5.600 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 183 Nm tại vòng tua máy 4.000 vòng/phút. So với trước đây, động cơ này mạnh hơn 3 mã lực và 1 Nm.

Sự thay đổi duy nhất ở động cơ xăng này là nó sử dụng công nghệ van biến thiên kép Dual VVT-i điều chỉnh thời gian đóng mở cả van nạp van xả thay vì công nghệ VVT-i trước đây chỉ điều chỉnh thời gian mở van nạp. Sự nâng cấp này hứa hẹn mang lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn.

Thứ 2 là, động cơ diesel 2GD-FTV đã từng ra mắt trên Toyota Hilux 2016. Đây là động cơ 4 xi-lanh, tăng áp, dung tích 2,4 lít có công suất tối đa 149 mã lực tại vòng tua máy 3.400 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 359 Nm tại dải vòng tua 1.200 – 2.600 vòng/phút. Cả hai động cơ đều kết hợp với hộp số sàn 5 cấp hoặc tự động 6 cấp.

Tại Indonesia, 2 bản G, V sẽ có 8 chỗ ngồi, còn bản Q cao cấp nhất sẽ chỉ có 7 chỗ ngồi nhưng hàng ghế thứ 2 là 2 ghế loại thương gia. Các trang bị an toàn nổi bật có thể kể đến là 7 túi khí cho bản cao nhất, hệ thống ổn định thân xe điện tử VSC và khởi hành ngang dốc HAC.

Theo BTV (GĐVN)