Thực phẩm online tiềm ẩn nhiều nguy hại

Rất nhiều bà nội trợ hiện nay tin dùng những thực phẩm được kinh doanh trên mạng với cái mác "home made" vì nghĩ rằng sẽ đảm bảo an toàn và chất lượng hơn thực phẩm hàng chợ. Liệu điều này có thực sự đúng?

Không chỉ các mặt hàng thời trang, điện tử, mỹ phẩm mà ngay cả thực phẩm tươi sống, các loại bánh mứt, khô cá, thịt bò... đều được rao bán trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Bên cạnh những tiện ích của dịch vụ này, cũng có không ít nguy hại tiềm ẩn nếu mua nhầm những loại thực phẩm kém chất lượng.

Lướt qua một số các trang rao vặt trên mạng, không khó để bắt gặp các dòng quảng cáo “hàng bảo đảm tươi sống, 100% nhà làm, bao ngon...” kèm theo là những hình ảnh bắt mắt. Nhiều chỗ còn thêm những câu quảng cáo: “Giá cả rẻ hơn siêu thị, hàng an toàn vệ sinh thực phẩm, miễn phí giao hàng”. Tuy nhiên, có mua hàng mới biết chất lượng thế nào.

Cẩn thận khi mua thực phẩm qua mạng

Cẩn thận khi mua thực phẩm qua mạng. Ảnh minh họa

Vẫn còn nguyên sự tức giận, chị Nguyễn Thị Minh (thành viên diễn đàn web trẻ thơ) bày tỏ: “Thấy trên Facebook của đứa bạn chia sẻ thông tin gần Tết nhận làm khô bò cho mọi người, nhiều bình luận phía dưới khen ngon lại rẻ, nên mình cũng đặt mua một ký. Ai ngờ khi mở ra thì hàng bốc mùi, còn có mốc trắng nữa. Mình gọi điện lại nói thì người bán đổ lỗi này nọ, nhất quyết không chịu hoàn lại tiền”. Trường hợp phát hiện sớm và đổ bỏ như chị Minh tuy có tiếc, nhưng vẫn hơn nhiều trường hợp sau khi ăn quá nửa mới phát hiện thực phẩm có vấn đề, như anh Trần Ngọc Tuấn (ngụ đường Phan Bội Châu, TP.Buôn Mê Thuột).

Anh Tuấn chia sẻ: “Cả nhà tôi ai cũng mê món mực rim. Trong lần lên mạng thấy cậu bạn giới thiệu một chỗ bán mực online bảo đảm ngon, bổ, rẻ, giao tận nơi nên tôi bỏ tiền ra mua. Nhìn hộp mực bên ngoài sạch sẽ mở ra cũng thơm ngon, nên tôi đem về bỏ tủ lạnh cất ăn dần. Đến khi ăn gần hết hộp, thấy vợ nhăn mặt rồi nôn ọe khi phát hiện một con gián chết được rim chung với mực”.Đa phần người mua thực phẩm online đều đọc những lời bình luận bên dưới của người đã “từng sử dụng”, không hề biết đó là “chiêu” của những người bán hàng. Họ thường tạo nhiều nick khác nhau và vào bình luận, nhằm tăng thêm lòng tin cho người mua hàng.

Rất nhiều nhân viên văn phòng hiện nay chuộng cơm trưa, đồ ăn trưa bằng cách đặt trên mạng, qua facebook hoặc các trang ẩm thực để tránh việc phải ra ngoài. Đến giờ ăn nhưng chị Nguyễn Thị Thương, nhân viên văn phòng tại quận 1, TPHCM không muốn rời bàn làm việc. Chị quyết định lên mạng facebook của một người quen để đặt một phần bún đậu mắm tôm cho bữa trưa. 

Chất lượng thực phẩm home made, ai sẽ kiểm định.

Chất lượng thực phẩm home made, ai sẽ kiểm định. Ảnh minh họa

Và sau 30 phút một phần bún đậu đã có trên bàn làm việc của chị. Chị Thương cho biết: "Món bún này có tiếng, bạn bè dùng nhiều trên facebook nên tôi hoàn toàn tin tưởng về chất lượng". 

Không riêng chị Thương mà ngày càng nhiều bạn trẻ sử dụng thực phẩm online trên facebook hay các trang web trực tuyến. Chúng tôi thấy các trang lập lên để bán hàng thực phẩm chiếm số lượng đông đảo.

Truy cập vào trang facebook có tên "Thức ăn đêm", chúng tôi ghi nhận trang này cung cấp hơn 30 món ăn gồm cơm chiên, bún xào, mì xào và các món ăn kèm như cá sốt, gà chiên đều gán thông điệp "nhà tự làm". Khách hàng chỉ việc để lại tin nhắn để đặt hàng ăn.

Dù mới thành lập cuối năm 2014, nhà hàng online này có hơn 2.000 người theo dõi và chủ facebook liên tục khoe số lượng khách đặt hàng hơn 300 suất ăn mỗi ngày. Không chỉ khoe thực phẩm tự chế biến mà trang facebook còn cho thông tin nguồn rau tự trồng, thịt, cá thì đặt mua ở địa chỉ tin cậy để thuyết phục người dùng lựa chọn.

Thực phẩm online mang đến người tiêu dùng sự tin tưởng và tiện lợi nhưng về độ an toàn vệ sinh thì chưa có một cơ quan nào đứng ra kiểm chứng. Do đó, nhiều trường hợp khách hàng đã phải thất vọng vì mua thức ăn online.

Theo chuyên gia ẩm thực Võ Quốc -Tổng Biên tập Tạp chí Món ngon thì việc sản xuất thực phẩm theo quy mô nhỏ hộ gia đình vẫn có thể bảo đảm được vấn đề vệ sinh. Tuy nhiên, khi sản xuất với số lượng lớn để cung cấp cho khách hàng thì đây là mối nguy cơ tiềm ẩn mất ATVSTP. Ông Võ Quốc phân tích: Cuốn 50 chả giò bán chỉ mất khoảng 1 tiếng thì lượng thịt sống, đồ trộn trong nhiệt độ thường vẫn tươi. Nhưng khi cuốn 100 cuốn, 200 cuốn, 300 cuốn phục vụ khách thì thời gian phải mất tới 1 buổi mà sản xuất ở nhiệt độ thường thì không bảo đảm được an toàn vệ sinh. Trường hợp này bếp phải có máy lạnh, nhiệt độ phòng phải đạt tối thiểu 17-18oC". Việc thực phẩm không được kiểm định nhưng vẫn bán tràn lan trên mạng gây ra không ít lo ngại cho người tiêu dùng. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh nhận định, nhóm thức ăn online được xếp vào nhóm thức ăn trôi nổi không nguồn gốc trên thị trường. Nhóm thức ăn này tiềm ẩn những nguy cơ về mặt vệ sinh, vật lý. Đầu tiên, thực phẩm có khả năng nhiễm vi sinh do quá trình chế biến không đủ điều kiện theo quy định, nên bị nhiễm từ môi trường bên ngoài vào. Ngoài ra, thực phẩm nhiễm hóa chất, sử dụng các hóa chất không nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép, hoặc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Theo quan điểm của Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Thái Hòa, để bảo đảm được an toàn thực phẩm hằng ngày người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình. "Họ nên thay đổi thói quen tiêu dùng, học cách chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm. Các sản phẩm này phải được bày bán ở nơi có đủ điều kiện bảo quản như siêu thị, cửa hàng tiện ích. Có như vậy mới bảo đảm vấn đề VSATTP" - ông Huỳnh Lê Thái Hòa nhấn mạnh. Cũng vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện quốc tế Thành Đô khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm online cần phải biết quy trình bảo quản và vận chuyển thức ăn an toàn. Sản phẩm có thông tin thành phần dinh dưỡng và chất bảo quản, hạn sử dụng rõ ràng. Cuối cùng mới theo những thông tin trên thị trường và tự mình kiểm chứng.

Theo Hồng Nhung (NTD)