Sách Tiếng Việt Lớp 1 - công nghệ giáo dục: Bộ GD&ĐT tiếp tục cho thí điểm không mở rộng

Trước những tranh luận “nảy lửa” trên mạng xã hội về Sách Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục (TV1 - CNGD) Bộ GD&ĐT cho rằng, đây là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 và tiếp tục được thực hiện trong năm học 2018 - 2019.

Sách Tiếng Việt Lớp 1 - công nghệ giáo dục: Bộ GD&ĐT tiếp tục cho thí điểm không mở rộng

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại -  Chủ biên bộ tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. Ảnh: Q.A

Cần tôn trọng công trình khoa học nghiêm túc

Chứng kiến những tranh luận “nảy lửa” trên mạng xã hội về chương trình Công nghệ giáo dục, TS Nguyễn Sóng Hiền-thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA), đang nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục tại Australia cho biết: “Đọc qua báo chí, xem trên mạng xã hội mà mà tôi thấy lo. Những bài viết, clip được làm ra với ngôn từ thô tục khi phụ huynh văng tục, mắng mỏ con em mình khi không đọc được ký tự ô vuông, tam giác là gì… Đáng buồn, những clip này nhận được lượt chia sẻ vô cùng khủng khiếp, thậm chí hàng nghìn lời bình luận tục tĩu”.

Về những quy ước ký tự vuông, tròn, tam giác, TS Sóng Hiền cho rằng, “học Tiếng Anh cũng dạy phát âm trước khi dạy chữ. Họ dạy các nguyên âm, phụ âm sau đó mới dạy từ, cách phiên âm nguyên âm và phụ âm Tiếng Anh cũng khác với từ của nó. Tại Việt Nam cũng thế, thực tế là dạy nói trước dạy viết sau.

Đâu có gì lạ, cái này là giúp trẻ làm quen chứ không phải là ký tự thay cho chữ viết, chúng ta học nói trước khi học viết. Chẳng có người thầy nào lại muốn dạy học sinh mình dốt đi. Có bao nhiêu học sinh cách đây 40 năm học chương trình này có bị mù chữ đâu. GS Ngô Bảo Châu đã từng học chương trình này và đã nhận Giải thưởng Field Toán học danh giá của thế giới”.

TS Nguyễn Sóng Hiền phân tích, điều quan trọng là chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục đa dạng đáp ứng nhu cầu phong phú của người học và đáp ứng sự khác biệt vùng miền của mỗi địa phương. Vì vậy, cần có nhiều chương trình giáo dục đáp ứng được đa dạng đối tượng học sinh. Sách giáo khoa càng đa dạng, càng nhiều hướng tiếp cận phù hợp đặc thù mỗi đối tượng học sinh, mỗi khu vực, mỗi vùng miền càng tốt. Miễn sao đích đến đáp ứng được yêu cầu cơ bản của chương trình khung của mỗi cấp độ mà Bộ GD&ĐT đề ra.

“Việc chọn sách giáo khoa nào là do quyết định của Sở Giáo dục & ĐT mỗi nơi dựa trên khảo sát, nghiên cứu điều tra điều kiện thực tế, đặc điểm địa lý, văn hoá, kinh tế, xã hội mỗi nơi và dựa trên nhu cầu của phụ huynh của nơi đó. Càng sớm bỏ một sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh ở tất cả các vùng miền càng tốt. Phụ huynh và học sinh có quyền và được quyền quyết định chọn lựa dịch vụ giáo dục tốt nhất tương ứng với đồng tiền mà họ bỏ ra để có nó. Hãy chỉ ra những bất cập, hạn chế về phương pháp nào đó để khắc phục, chứ chưa hiểu rõ phương pháp mà đã chỉ trích dữ dội, xúc phạm công trình khoa học người khác là điều không nên”, TS Nguyễn Sóng Hiền chia sẻ

Qua nhiều lần thẩm định

Sau một thời gian im lặng, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - Chủ biên Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (Tài liệu TV1 - CNGD) cũng đã chia sẻ nhiều tâm tư tại buổi tọa đàm “Công nghệ giáo dục trong kỉ nguyên 4.0” mới đây. GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, bố mẹ không nên áp đặt trẻ con, lấy mình làm chuẩn cho người khác, để cho trẻ con có quyền sống hồn nhiên.

Cần có một nền giáo dục hoàn toàn mới, sứ mệnh giáo dục là tạo ra cái mới và tận dụng cái đã có. Ở đó có cảm giác không phải là học, nhưng lại là đang học đến hết sức tự nhiên. Triết lý giáo dục của tôi đến từ đó, nhất là tiếng Việt, học chữ nào chắc chắn chữ đấy, không thể tái mù”.

Trước những băn khoăn của một số phụ huynh, nhất là cộng đồng mạng về Tài liệu TV1 - CNGD, GS Hồ Ngọc Đại giải thích: Cái quan trọng nhất trong ngôn ngữ là tiếng nói - tiếng là lần phát âm trọn vẹn. Cái gốc trong ngôn ngữ là ngữ âm của tiếng, nếu trẻ không học được âm sẽ là học vẹt.

Trong khi, ngữ âm và tiếng nói là hai phạm trù khác biệt nhau. Học sinh lớp 1 chỉ cần phân tích về âm, chưa xét đến ngữ nghĩa. Học sinh phải phiên âm được, viết được tiếng nói, các cháu mới không tái mù chữ. Cách học theo các ký hiệu bằng các hình vuông, hình tròn giúp học sinh nắm được tiếng nói, biết phân biệt tiếng nói và chữ viết, học cách đọc âm, nhớ âm.

Về triển khai áp dụng sách TV1-CNGD trong các nhà trường hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã đồng ý cho các địa phương áp dụng vào việc dạy học TV1-CNGD, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008 - 2009 đến năm học 2016 – 2017 trên tinh thần tự nguyện. Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định Quốc gia và căn cứ kết quả, Bộ hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trong năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 - 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

“Khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng Quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Từ bộ Tài liệu TV1 - CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Đến nay, sách TV1 - CNGD đã được áp dụng tại 49 tỉnh, thành với hơn 800.000 học sinh. Như vậy, trải qua 40 năm hình thành, chỉnh sửa và qua nhiều lần thẩm định, sách TV1 - CNGD tiếp tục được triển khai trong năm học 2018 – 2019, đồng thời được áp dụng ở những địa phương đã thực hiện và tiếp tục chờ thẩm định trong thời gian tới để áp dụng trong các trường phổ thông.

Theo GiaDinh