Sabeco gửi gần 8.200 tỷ đồng trong ngân hàng lấy lãi

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có gần 8.200 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng.

Lượng tiền gửi này có kỳ hạn không quá 3 tháng, lãi suất 5,5 -6,2% một năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2% một năm. Trong kỳ công ty cũng ghi nhận doanh thu tài chính đạt 678 tỷ đồng.

VnEconomy dẫn báo cáo tài chính của Sabeco cho biết thêm, doanh nghiệp này có khoảng 4.076 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, công ty đã phải trích lập khoảng 490 tỷ đồng dự phòng.

Sabeco gửi gần 8.200 tỷ đồng trong ngân hàng lấy lãi
Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay

Đặc biệt, hai khoản đầu tư gây thua lỗ cho Bia Sài Gòn là đầu tư 216 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) - hiện đã thua lỗ và trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng. Khoản đầu tư 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Đông Á (DongABank) cũng khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng công ty còn đầu tư ngoài ngành không hiệu quả vào một số doanh nghiệp khác như: Quỹ đầu tư Việt Nam, Quỹ đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2, PVI Sài Gòn, Du lịch dầu khí Phương Đông,…

Dù các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí quảng cáo, khuyến mại không có nhiều thay đổi song lợi nhuận của Sabeco vẫn không tăng trưởng nhiều. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Sabeco tăng nhẹ lên mức 1.971 tỷ đồng. Doanh thu công ty mẹ đạt 14.322 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, Sabeco đã nộp tổng cộng khoảng 1.400 tỷ đồng tiền thuế. Số tiền thuế trên gồm hơn 400 tỷ đồng bị truy thu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và 1.000 tỷ đồng truy thu các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp khác từ các năm trước đó.

Còn nhớ, vụ truy thu khoản thuế TTĐB 408 tỷ đồng đã gây tranh cãi rất dữ dội giữa Sabeco với Kiểm toán Nhà nước. Hồi tháng 7/2015, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu truy thu doanh nghiệp số tiền thuế này vì cho rằng Sabeco đã lách thuế bằng cách hạ giá bán cho công ty con là Công ty TNHH thương mại Bia Sài Gòn để “chuyển giá” bán từ đây cho các đại lý cấp I, cấp II với giá cao, trong khi Nhà nước (theo quy định) chỉ đánh thuế TTĐB đối với nhà sản xuất.

Sabeco cho rằng minh đã làm đúng luật vì nộp thuế ở nơi sản xuất chứ không nộp ở những khâu thương mại sau sản xuất cho dù Sabeco có cổ phần chi phối đến mức tuyệt đối ở những cơ sở này, do Thông tư 05 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật thuế TTĐB đã quy định địa chỉ nộp thuế như vậy.

Trong thời gian qua, hãng bia này cũng gặp lùm xùm chuyện bổ nhiệm nhân sự Phó Tổng giám đốc Vũ Quang Hải - con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Từ cuối tháng 10/2015, doanh nghiệp cũng có tân Chủ tịch khi ông Võ Thanh Hà thay ông Phan Đăng Tuất.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo  phải tiến hành niêm yết Sabeco, Habeco trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn Nhà nước.

Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn Nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.

Theo Minh Thái (baodatviet)