Nợ xấu còn 2,55%, đã giảm 20 tổ chức tín dụng

Thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, tính đến cuối năm 2015, 20 tổ chức tín dụng đã giảm. Nợ xấu hệ thống cũng được đưa về 2,55%.

Tính đến cuối năm 2015, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng giảm còn 2,55%, đã giảm 20 tổ chức tín dụng thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép. Thị trường tài chính có bước phát triển; mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 33%, thị trường trái phiếu đạt 23% GDP.

Đây là một trong những nội dung Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày sáng nay.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế. Phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

No-xau-con-255-da-giam-20-to-chuc-tin-dung

Báo cáo của Chính phủ cho biết nợ xấu đã được đưa về 2,55%, tính đến cuối 2015. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Tính đến 31/12/2015, VAMC đã mua được 107.000 tỷ đồng, giá trị trái phiếu 99.180 nghìn tỷ, vượt chỉ tiêu đề ra. Lũy kế từ năm 2013 đến hết năm 2015, tổng nợ xấu VAMC đã mua là 245.000 tỷ đồng dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 207 nghìn tỷ góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.

Báo cáo cũng cho biết, giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Kết quả, 558 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó cổ phần hóa 478, đạt 93% kế hoạch. Doanh nghiệp nhà nước tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, quốc phòng, an ninh, cung ứng hàng hoá và dịch vụ công thiết yếu.

Quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống pháp luật về DNNN được hoàn thiện, xác định rõ quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và công khai, minh bạch hoạt động. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.

Tổng tài sản của DNNN (theo báo cáo của công ty mẹ) năm 2015 tăng khoảng 36% so với năm 2010, vốn chủ sở hữu tăng 62%, doanh thu tăng 18%, lợi nhuận trước thuế tăng 56%; theo báo cáo hợp nhất tổng tài sản tăng 26%, vốn chủ sở hữu tăng 57%, doanh thu tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 16%.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, hạn chế như “thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đồng bộ. Tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước nhiều mặt còn hạn chế. Đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí ở một số dự án còn lớn; nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao.

Chất lượng tín dụng cải thiện còn chậm, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, chưa thực chất. Năng lực tài chính, quản trị của một số tổ chức tín dụng còn yếu. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ vốn được cổ phần hoá còn thấp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tài sản và nguồn lực được giao”.

Theo Phương Diệp (Zing)