Những sai lầm khi sử dụng thớt khiến bạn "rước bệnh" vào gan, thận

Sử dụng thớt sai cách có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng thực phẩm. Việc chọn mua, bảo quản và sử dụng thớt đúng cách không phải ai cũng để ý.

Thớt là một vật dụng quan trọng không thể thiếu trong nhà bếp giúp bạn chế biến những món ăn ngon.

Việc sử dụng thớt sai cách có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng thực phẩm hàng ngày khi chế biến. Việc chọn mua, bảo quản và sử dụng thớt đúng cách giúp bạn giữ gìn sức khỏe tốt cho cả gia đình.

1. Cách lựa chọn thớt đảm bảo chất lượng

Thớt gỗ:

Những sai lầm khi sử dụng thớt khiến bạn

Vệ sinh thớt đúng cách để đảm bảo sức khỏe (Ảnh minh họa)

Là loại thớt có độ bền cao, thích hợp khi bạn muốn băm, chặt thức ăn. Tuy nhiên thớt gỗ thường có mùn, dễ thấm hút nước, nhanh cong vênh và bị nứt, mục sau một thời gian sử dụng.

Những khe nứt trên thớt là nơi lưu giữ lại những mảnh vụn của thức ăn, do đó cũng chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Chúng ta nên chọn mua loại thớt có chất lượng tốt như thớt làm từ gỗ cây sồi, cây bạch quả, tạo giác, bu lông hoặc cây liễu.

Những loại thớt này có độ đàn hồi tốt, không dễ làm hư hại dao, thớt khó bị biến dạng và nứt, không có mùn, khả năng chống ẩm, nấm mốc tốt, có tác dụng khử trùng tự nhiên, dễ làm sạch, thớt dày dặn, chắc chắn, bề ngoài đẹp, có độ bền cao.

Thớt nhựa:

Những sai lầm khi sử dụng thớt khiến bạn

Thớt nhựa khá tiện lợi nhưng phải chú ý sử dụng đúng cách (Ảnh minh họa)

Là loại thớt được làm từ các chất nhựa hoặc hỗ hợp nhựa polypropylene, polyethylene. Thớt nhựa không thích hợp để thái một số thực phẩm có nhiều chất béo vì sẽ rất khó làm sạch.

Một số loại thớt nhựa còn chứa chất gây ung thư như chì, cadmium,... Khi dùng thớt nhựa để băm thức ăn sẽ khiến dao bị cùn nhanh, những mảnh nhựa trên thớt còn có thể văng ra lẫn vào thực phẩm, nếu tích tụ trong thời gian dài có thể gây ra các bệnh về gan, thận.

2. Cách sử dụng và bảo quản

Riêng với thớt gỗ, trước khi sử dụng lần đầu nên ngâm thớt trong dầu thực vật khoảng 2 tiếng, điều này giúp thớt có đủ độ ẩm, không bị rạn nứt về sau.

Sau khi sử dụng, bạn nên chà rửa thớt bằng một ít muối hoặc nước rửa bát, sau đó dùng nước nóng tráng qua, việc này có tác dụng khử trùng, diệt nấm mốc.

Cuối cùng bạn nên lau khô và treo thớt ở nơi khô thoáng để ngăn ngừa nấm mốc.

Chú ý, không nên phơi thớt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời nhằm tránh thớt bị nứt nẻ, biến dạng, ảnh hưởng đến tuổi thọ của thớt khi sử dụng.

3. Những sai lầm khi sử dụng thớt nguy hại cho sức khỏe

- Sử dụng "thớt cũ" có nhiều vết nứt lớn

Nhiều người thích sử dụng thớt đã dùng lâu năm, bởi sự thuận tiện, quen tay, tuy nhiên những vết rạn nứt trên thớt chính là nơi trú ẩn lý tưởng của nhiều loại vi khuẩn. Vì vậy, thớt sử dụng khoảng 2 năm thì nên thay mới.

- Dùng chung thớt khi thái rau và thịt sống

Thịt sống rất dễ sản sinh ký sinh trùng, trong khi đó nhiệt độ nấu các loại rau thường không cao, không ít loại rau còn có thể ăn sống trực tiếp, nếu ta sử dụng chung một chiếc thớt để thái rau và thái thịt cùng lúc sẽ rất dễ tạo nên lây nhiễm vi khuẩn chéo, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

- Dùng miếng thép chà thớt, sau khi chà để thớt nằm ngang.

Dùng miếng rửa bát thép hoặc kim loại để chà rửa thớt thường xuyên sẽ làm thớt bị xước, đây là nơi ẩn náu của nhiều loại vi khuẩn.

Sau khi rửa xong nếu để thớt nằm ngang sẽ khiến cho nước thấm sâu vào thớt, thớt khó khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

- Sử dụng "thớt nhựa" hoặc "thớt tre".

Thớt nhựa do không có tác dụng sát trùng tự nhiên, vì vậy lượng vi khuẩn tích tụ và sản sinh luôn cao hơn rất nhiều so với các loại thớt gỗ.

Ngoài ra, rất nhiều loại thớt tre có chứa hàm lượng formaldehyde vượt quá tiêu chuẩn. Sử dụng loại thớt này trong một thời gian dài sẽ có nguy hại lớn đến cơ thể con người.

Theo ttvn