Nhà nước 'bán của để dành' để 'cứu' ngân sách?

Với quyết định thoái vốn tại 10 doanh nghiệp sắp tới, Nhà nước đang "bán của để dành" và từng bước thu hẹp sự tham gia trực tiếp vào lĩnh vực kinh tế.

Năm 2013, Hiệp hội Các nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất Thủ tướng, các Bộ, ngành và Quốc hội 5 giải pháp có thể mang lại hàng tỷ USD trong bối cảnh túi tiền quốc gia đang ngày một eo hẹp mà việc chi tiêu khó thắt chặt.

Theo VAFI, ngân sách sẽ thu về trên 5 tỷ USD nếu tập trung bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp, công ty đã cổ phần hóa kinh doanh hiệu quả như Mobifone, Viettel, Bia Sài gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk…

Để túi tiền quốc gia thêm rộng, VAFI cho rằng nên mạnh dạn bán những bất động sản có giá trị lớn ở vị trí trung tâm TP.HCM, Hà Nội để xây đường tàu điện nội đô, giải quyết nhanh tình trạng ách tắc giao thông.

Hay nói cách khác, với 2 trong 5 giải pháp của mình, VAFI cho rằng nhà nước nên "bán của để dành" nhằm thu tiền về và tránh rủi ro trong kinh doanh khi bối cảnh ngân sách khó khăn.

Phải chăng Nhà nước đang từng bước tiến hành theo những giải pháp của VAFI khi mới đây, vào ngày 13/10, theo các nguồn tin tức, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.

Nhà nước 'bán của để dành' để 'cứu' ngân sách?

SICC sẽ thoái vốn tại 10 doanh nghiệp

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP)...

Cụ thể, SCIC hiện đang nắm giữ khoảng 45,1% cổ phần của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk); 50,7% cổ phần của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh; 46,6% cổ phần của Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang; Công ty cổ phần viễn thông FPT là khoảng 50,2%.

Theo thống kê, tổng vốn hóa thị trường phần vốn nhà nước tại 8 doanh nghiệp niêm yết này đã lên tới trên 62.000 tỷ đồng, trong đó riêng vốn hóa thuộc nhà nước tại Vinamilk đã trên 55.000 tỷ đồng (trên 2,4 tỷ USD).

Theo ước tính, Nhà nước có thể thu về hơn 3 tỷ USD khi SCIC thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp nêu trên và một số doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Chính phủ.

Như vậy, với quyết định thoái vốn ở nhiều công ty và tập đoàn lớn, Nhà nước sẽ thu về được một số tiền lớn trong khi ngân sách ngày càng eo hẹp đồng thời cũng tránh được rủi ro nếu các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, kinh doanh không còn hiệu quả.

Động thái này cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ là thu hẹp sự tham gia của Nhà nước vào các lĩnh vực kinh tế mà thành phần kinh tế tư nhân có thể làm được, tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Nhà nước 'bán của để dành' để 'cứu' ngân sách?

Tổ hợp khách sạn Daewoo

Với giải pháp 2 của VAFI, các khu trung tâm thương mại, khách sạn lớn đang được quản lý bởi doanh nghiệp nhà nước hay là phần vốn góp của thành phố trong các liên doanh nước ngoài như: Tổ hợp văn phòng Daewoo, Khách sạn Rex, Caravelle, Metropole Hà Nội, tuy là "đất vàng" nhưngchúng không mang lại một đồng ngân sách nào cho các thành phố. Nên liệu rằng, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước sẽ "bán của để dành" để phụ thu cho ngân sách.

Trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu kiến nghị: Để đảm bảo nhiệm vụ chi 2015-2016 trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm lớn, Chính phủ trình Quốc hội cho phép bán bớt phần vốn Nhà nước ở một số doanh nghiêp, dự kiến thu về 40.000 tỷ đồng. Trong đó, 10.000 tỷ đồng bổ sung ngân sách Trung ương 2015, 30.000 tỷ đồng đưa vào cân đối ngân sách 2016, tập trung đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa cao.

Liên quan tới vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh:“Dù sao Nhà nước phải nhớ, tiền này bản chất vẫn là tiền của dân, tài sản thuộc về nhân dân. Nhà nước chỉ là người thay mặt nhân dân để quản lý. Năm nay nhu cầu ngân sách Nhà nước rất bức bách, ai cũng biết như vậy nhưng mà đừng để cho người ta hiểu, do ngân sách thiếu nên tìm cách đi huy động ngân sách bằng nguồn này để bù đắp, rồi lại xin, cho một số dự án không mang lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế, xã hội”.

Theo Kiều Hương (NĐT)