Người tiêu dùng như con kiến bò trong chảo nóng

Thịt thối, thịt bẩn, thịt nhiễm vi sinh vẫn được tung ra bán ào ào trên thị trường, đó là nhờ dùng công nghệ xử lý bằng hóa chất độc hại.

Một cán bộ Thanh tra của Chi cục thú y TP.HCM cho biết lượng thịt thối, thịt bẩn và các loại thực phẩm như nem, giò, chả, bò viên được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm hiện đang lưu thông trên thị trường bày bán khắp nơi, lạm dụng hóa chất rất phổ biến. Nhưng do giá các loại thực phẩm bẩn như thế được người tiêu dùng lựa chọn nên thị trường rất rộng cửa chào đón.

Người tiêu dùng như con kiến bò trong chảo nóng

Chà bông từ heo thối

Huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai được giới chăn nuôi mệnh danh là “vương quốc heo”, vì là nơi có tổng đàn heo lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, hiện có rất nhiều “lái heo”, chuyên đi săn heo chết trôi nổi tại các trại heo trên địa bàn tỉnh để về quay chín thành thịt heo quay.

Do lực lượng Quản lý thị trường và Thú y kiểm soát khá gắt gao nên heo chết, heo bệnh thường được xẻ thịt rồi đóng gói thành từng kiện hàng nhỏ tuồn vào TP.HCM. Đối với các loại thịt đã ôi, thiu, chảy nhớt, tím tái sẽ được xử lý sơ bộ và làm thành chà bông bán lẻ ra thị trường.

Một người làm nghề lái heo khu vực quận Thủ Đức tiết lộ, giá heo hơi thịt sạch, qua giết mổ có kiểm soát của cơ quan Thú y thì giá rất cao, dao động từ 40 - 60 ngàn đồng/ kg tùy thời điểm. Trường hợp dùng thịt thối, thịt bẩn và heo bệnh giá rất rẻ, chỉ từ 10 - 18 ngàn đồng/ kg.

Sau khi đưa về chỉ cần ngâm qua hóa chất một đêm thì thịt sẽ tươi lại, tẩy mùi và dùng hương liệu tẩm ướp sẽ biến thành thịt sạch. Thường 1 tạ thịt bẩn, sau khi ngâm hóa chất tẩy rửa sẽ còn lại 75 kg thịt thương phẩm. Do đó lợi nhuận cực kỳ lớn, trong khi chế tài xử lý rất nhẹ nên các lái buôn bất chấp tất cả để chạy theo lợi nhuận.

Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ lớn và chợ đầu mối TP.HCM, chỉ có thịt heo sống là có dấu kiểm dịch, còn thịt heo quay, giò chả, nem nướng và chà bông phần lớn đều không có nhãn hiệu xác nhận thành phần thịt, hàm lượng chất bảo quản, công bố chất lượng sản phẩm. Do đó, nhiều người hiện nay ra chợ, để mua được thực phẩm an toàn là thách thức không nhỏ.

Nhiều bà nội trợ bây giờ đi chợ không biết chọn thực phẩm thế nào cho an toàn. Để tránh mua phải những thực phẩm “bẩn” từ gốc, nhiều người đành chịu mua những loại rau “xấu mã”, vì chọn rau củ quá non, quá xanh tươi lại sợ có chứa thuốc.

Thế nhưng, nhiều chủ nhà vườn lại “bật mí”: rau xấu mã là loại rau bị xịt thuốc nhiều lần, chịu không nổi nên mới… còi cọc. Còn với các loại thịt, việc sử dụng hóa chất, chất cấm được thực hiện quá tinh vi nên người tiêu dùng dù có thông thái đến mấy vẫn không thể phân biệt được đâu là thịt bẩn, đâu là thịt sạch…

Hóa chất nào dùng tẩy trắng thịt bẩn?

Nguồn thịt bẩn khi đến tay người tiêu dùng rất khó phân biệt do đã qua công đoạn xử lý như tẩy trắng, khử mùi, tạo màu sắc bằng cách tẩm phẩm màu, ướp hóa chất. Đặc biệt, số thịt này khi đã vào quán ăn, quán nhậu thì việc phân biệt đâu là thịt sạch, đâu là thịt bị ngâm hóa chất hầu như không thể. Bởi qua ngâm hóa chất, thịt đã được “tân trang” gần như mới, cộng thêm các loại hương liệu, gia vị tẩm ướp để chế biến đã làm cho thực phẩm đầu vào mất hết các dấu hiệu nhận biết.

Theo Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, thịt bẩn tẩm hóa chất đưa vào chế biến trong các quán ăn chỉ có cách phân biệt là khi ăn, thịt thường có độ dai, giòn bất thường.

Để tạo độ dai, giòn, người ta sử dụng chất porax hoặc hóa chất có gốc phốt-phát. Ai ăn phải hóa chất này sẽ bị phân hủy tế bào, làm dị dạng tế bào. Còn chất tẩy trắng thường là H2 O2 hoặc NaClO là loại chất tẩy dùng trong công nghiệp. Nếu dùng màu công nghiệp tẩm ướp thực phẩm dễ dẫn đến nhiều chứng ung thư.

Một trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM cho biết, chân gà là món khoái khẩu của nhiều người, nhưng hiện nay lượng chân gà nhập lậu từ nước ngoài về khá nhiều. Hầu hết dùng tủ trữ đông rồi chia thành từng kiện nhỏ để tuồn ra chợ nên rất khó kiểm soát và rất khó để triệt phá.

Nghiêm trọng nhất là có một số người sử dụng hóa chất Hydrogen peroxide (chất này sử dụng lĩnh vực y tế như một chất khử trùng và tẩy) để xử lý tẩy trắng chân gà. Người dân nếu ăn phải hydrogen peroxide có thể gây nôn, gặp các bệnh về dạ dày. Để biến chân gà hư thành trắng tươi, các đầu nậu thường cho vào các thùng ngâm hóa chất, khoảng 2 tiếng trước khi bán ra thị trường.

Tẩy trắng nhiều nhất là mặt hàng chân gà rút xương dùng để làm gỏi, nấu lẩu. Do yêu cầu chân gà rút xương phải trắng nên người bán sẽ ngâm thuốc tẩy với liều lượng cao hơn chân gà thông thường để tẩy thật trắng. Sau khi ngâm thuốc tẩy, chân gà còn được ngâm tiếp vào chất tạo xốp, chất tạo độ dai, giòn.

Mới đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ chân trâu bò thối, thịt thối, nội tạng heo, bò, gà ngâm hóa chất để bán ra thị trường. Tuy nhiên lợi nhuận quá cao, mức xử lý hành chính hiện nay còn rất nhẹ nên dù đã triệt phá rất nhiều nhưng cũng chỉ hạn chế chứ khó có thể giải quyết triệt để.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Chu Phạm Ngọc Sơn trong một lần dự hội thảo về quản lý an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, đã nói: “Người tiêu dùng hiện nay như con kiến bò trong chảo nóng, chạy đằng nào cũng không thoát”. Người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất, vì dẫu biết về những hiểm họa từ nguồn thực phẩm bẩn nhưng không lẽ… nhịn ăn? 

Theo Sơn Giang (Duyên Dáng Việt Nam)