Ngộ độc do ăn nấm đỏ mua ngoài chợ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa cấp cứu kịp thời một nam bệnh nhân 37 tuổi bị đau bụng quanh rốn, tiêu chảy, nôn do ăn phải nấm đỏ độc mua ngoài chợ.

Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) tiếp nhận một bệnh nhân nam 37 tuổi, địa chỉ ở TP. Lạng Sơn vào viện với các triệu chứng: đau bụng quanh rốn, nôn, tiêu chảy.

Theo lời người bệnh kể, trưa cùng ngày, người bệnh có ăn cơm cùng với một loại nấm màu đỏ, mua ngoài chợ. Sau ăn khoảng 4 giờ đồng hồ, người bệnh đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần, mệt mỏi nên vào viện.

Tại bệnh viện các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm cho thấy người bệnh dấu hiệu rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, suy thận cấp, có dấu hiệu tổn thương tế bào gan. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nấm - suy thận cấp và được điều trị truyền dịch tích cực, than hoạt đa liều, bù điện giải. Hiện tại, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được ra viện.

ngo-doc-do-an-nam-do-mua-ngoai-cho

Nam bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn nấm đỏ mua ngoài chợ. Ảnh: BVĐK Lạng Sơn

Qua hình ảnh người bệnh cung cấp, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng người bệnh ăn phải nấm xốp Russula có độc. Loại nấm này có hình dáng gần giống với nấm Chẹo đỏ - một loại nấm có thể ăn được, vì vậy người dân rất dễ nhầm lẫn.

Được biết nấm xốp Russula là một loại nấm hình phiến thuộc họ Russulaceae, họ Russula, và chi Russula. Nó phát triển trong các khu rừng có cây rụng lá hoặc hỗn hợp thực vật rụng lá lá kim. Nó thường được tìm thấy ở đáy của các khe núi, bìa rừng, gờ, bên cạnh các loại nấm khác. Nó chỉ có khả năng phát triển trong một hệ sinh thái rừng và không tự cho mình để trồng trọt nhân tạo. Nhưng một số loài đôi khi được tìm thấy ngay cả trong vườn, nếu nó được bố trí bên cạnh rừng. Khu vực phân bố bao gồm gần như toàn bộ Bắc bán cầu. Nấm được tìm thấy ở Trung, Tây và Đông Âu, một phần châu Âu của Nga, Caucasus, Siberia, Crimea và các quốc gia ở Bắc Mỹ.

Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh thứ 2 tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bị ngộ độc nấm mua ở ngoài chợ. Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có nhiều loại nấm phát triển, rất khó phân biệt giữa các loại nấm. Trong khi đó, các loại nấm rừng là loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc.

Người ăn phải nấm độc thường có biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn, choáng váng. Đối với các trường hợp nặng thường bị khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, dần dẫn tới tình trạng suy thận, suy gan cấp, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Để không xảy ra ngộ độc nấm, người dân cần phân biệt các loại nấm và cách nhận biết nấm độc, sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng. Nếu không biết cách phân biệt các loại nấm hoặc không biết rõ nguồn gốc thì không nên sử dụng. Khi ăn phải nấm độc và thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Liên quan tới ngộ độc nấm, mới đây Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...

Theo số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, hằng năm vào thời điểm mùa Xuân và đầu mùa Hè đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng..). Trong đó, đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.

Tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và độc tố tự nhiên trong nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản... Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của động thực vật chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…

Để chủ động phòng chống các đơn vị phối hợp với ngành NN&PTNT, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc).

Theo VietQ