Nếu một ngày Hà Nội không còn hoa sữa...

Theo các nhà văn sự lãng mạn trong văn học, nghệ thuật và thơ ca so với thực tế là khác nhau. Một con phố có một cây hoa sữa đã thơm lắm rồi, đằng này lại trồng đại trà thì mùi hoa sẽ càng đậm đặc và quả thực là khủng khiếp...

Thời gian gần đây, Hà Nội bắt đầu vào mùa hoa sữa, dọc các tuyến phố lớn của thủ đô như: Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Hồ Tùng Mậu, Duy Tân... người đi đường có thể thấy những hàng cây hoa sữa bung nở trắng xóa.

Có nhiều ý kiến cho rằng, hoa sữa trồng dày đặc trên các tuyến phố không còn lãng mạn như trong thơ ca đã mô tả nữa.

neu-mot-ngay-ha-noi-khong-con-hoa-sua

Nhiều người khó chịu vì mùi hương nồng nặc của hoa sữa trên các con phố.

Mùi hoa sữa cũng không còn thơm thoang thoảng như trong ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng từng viết: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em/Có lẽ nào anh lại quên em...”, mà thay vào đó là cảnh người dân than trời vì mùi hoa sữa nồng nặc, khiến nhiều người khó chịu. 

Nhiều người cho rằng, việc trồng dày đặc loại cây này trên một số tuyến phố khiến hương hoa sữa không còn lãng mạn, ngọt ngào như trong thơ ca. Nó tạo nên thứ mùi đậm đặc khiến người ta phải thốt lên sợ hãi. Trong số những ý kiến đó, rất nhiều người mong muốn Hà Nội chặt bỏ bớt loại cây này. 

Trước việc người dân Hà Nội than trời vì mùi hoa sữa nồng nặc, PV Người Đưa Tin đã được nghe chia sẻ của những nhà văn về vấn đề này.

Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng: “Nhắc đến hoa sữa là người ta nhớ ngay đến ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng, cũng có thêm các bài thơ, bài văn miêu tả về hoa sữa. Vì mùi hương đặc trưng của nó tạo nên những xúc cảm nhất thời, làm cho người ta rung động, xao xuyến, bồi hồi nhớ lại ký ức.

Tuy nhiên, sự lãng mạn trong văn học, nghệ thuật và thơ ca so với thực tế là khác nhau. Một con phố có một cây hoa sữa đã thơm lắm rồi, đằng này lại trồng đại trà thì mùi hoa sẽ càng đậm đặc và quả thực là khủng khiếp”.

Theo nhà văn Trần Thị Trường: “Là một người làm công tác văn hóa, tôi chưa nghiên cứu được bỏ hoa sữa đi một cách triệt để có tốt hay không. Nhưng theo tôi, nên để một vài cây thì sẽ hợp lý hơn. Tôi nghĩ rằng, các nhà hoạch định chính sách, hoạch định đô thị nên xem xét lại”.

Trả lời PV báo Người Đưa Tin về câu hỏi "nếu một ngày Hà Nội không còn hoa sữa", nhà văn Y Ban cho biết: “Nếu một ngày Hà Nội không có hoa sữa thì tôi nghĩ sẽ chẳng sao cả, bởi cuộc sống bây giờ là vậy, người nào hoài cổ thì vẫn hoài cổ. Nhưng nói thật, cứ đến mùa này thì mùi hoa sữa thật là khủng khiếp”.

neu-mot-ngay-ha-noi-khong-con-hoa-sua

Theo nhà văn Trần Thị Trường, sự lãng mạn trong văn học, nghệ thuật và thơ ca so với thực tế là khác nhau.

Nhà văn Y Ban nhớ lại: “Ngày còn nhỏ khi chưa có bài hát về hoa sữa, ở khu tập thể mà tôi sinh sống có một cây hoa sữa mà mùi đã nồng nặc lắm rồi”.

So sánh hoa sữa trong văn thơ với cuộc sống ngoài đời: “Văn chương lãng mạn, hoàn toàn theo cảm xúc nhưng cuộc sống mà cứ chạy theo cảm xúc thì sẽ là a dua theo số đông hoặc làm việc không có chủ đích. Tôi nghĩ là không nên áp đặt hoa sữa trong văn thơ vào trong hoàn cảnh thực tiễn”.

Từ những điều đó, nhà văn Y Ban bày tỏ: “Quy hoạch của một thành phố khác xa với việc lãng mạn của văn chương. Vì thế, rất cần các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng về việc trồng cây hoa sữa đại trà”.

Nhiều bạn trẻ lại cho rằng, dù mùi hoa sữa gây "ám ảnh" vì quá nồng, nhưng nếu Hà Nội không còn hương hoa sữa mỗi độ mùa Thu về thì một nét đặc trưng riêng của Hà Nội sẽ không còn

"Nhắc đến thu Hà Nội là nhắc đến hoa sữa, tôi nghĩ chỉ cần quy hoạch lại, không trồng quá dày đặc, để thoang thoảng hương bay trên từng con phố là sẽ rất tuyệt vời. Nếu Hà Nội không còn hoa sữa thì cũng buồn lắm", Quốc Trung (25 tuổi, Thụy Khuê, Hà Nội) bày tỏ.

Thanh Lam

Theo Người Đưa Tin